Cát tặc đang phá hủy bờ biển của Maroc

10:45' - 18/06/2019
BNEWS Các bãi biển của Maroc được ví như thanh nam châm thu hút khách du lịch, đang có nguy cơ bị đe dọa do hoạt động khai thác cát quá mức để phục vụ ngành xây dựng đang bùng nổ tại quốc gia Bắc Phi này.

Cơ quan Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra lời cảnh báo trên trong một báo cáo mới công bố gần đây, trong đó nhấn mạnh "cát tặc" đang phá hủy các bờ biển của Maroc và quá trình đô thị hóa quá mức đường bờ biển của nước này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Bãi biển tại thành phố Mohammedia, Maroc, ngày 22/5/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Maroc, cát thường được lấy từ các bãi biển để xây khách sạn, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ du lịch.

Do vậy, các bãi biển đang bị thu hẹp dần và dẫn tới tình trạng xói mòn bờ biển. Báo cáo cảnh báo: "Hoạt động xây dựng tiếp diễn có thể tàn phá nghiêm trọng các bãi biển, vốn là điểm thu hút chính các du khách của nước này."

Theo báo cáo, các bãi biển từ miền Bắc tới miền Nam của Maroc cùng với đường bờ biển chạy dài từ Địa Trung Hải tới Đại Tây Dương đang bị xói mòn.

Các nhà bảo vệ môi trường cho biết các bãi biển ở Tangiers đang chịu nhiều áp lực do có nhiều dự án xây bất động sản nơi đây, trong khi cát hầu như "biến mất" trên một số bãi biển ở một số vùng ở miền Bắc. 

Trong khi đó, UNEP cho biết "cát tặc" đã biến bãi biển to rộng chạy dài từ Safi tới Essaouira, ở miền Nam Maroc, thành một nơi gập ghềnh toàn là đá.

 Những đụn cát cũng đã biến mất tại khu vực dọc đường bờ biển của thành phố Mohammedia trên bờ Đại Tây Dương nối thủ đô Rabát và thành phố Casablanca của nước này.

UNEP cho biết hơn một nửa số cát mà ngành xây dựng Maroc tiêu thụ mỗi năm, khoảng 10 triệu m3, là cát khai thác trái phép.

"Cát tặc" hoành hành vào lúc nửa đêm, chủ yếu vào mùa ít khách du lịch. Cát là nguồn tài nguyên được tiêu thụ lớn thứ hai tại Maroc vì chiếm 4/5 thành phần vật liệu đổ bê tông. ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục