Cát tặc móc ruột lòng sông, ruộng đồng bị xóa sổ

16:40' - 22/04/2018
BNEWS Nếu không xử lý triệt để nạn cát tặc, đất canh tác sẽ còn bị xói lở, nguy cơ mất trắng những cánh đồng bãi màu mỡ ngày càng lớn.

Từ giữa năm 2017 đến nay, nhiều diện tích đất ven sông của các xã, phường ở thành phố Hưng Yên, trong đó phần lớn đất canh tác của người dân bị sạt lở nghiêm trọng.

Nguyên nhân chủ yếu do các tàu khai thác cát khối lượng lớn và gần bờ gây ra; thêm vào đó, nguy cơ sạt lở đê kè trong mùa mưa bão luôn đe dọa.

Tan biến những bãi bồi màu mỡ

Nhiều người dân vùng bãi ở thành phố Hưng Yên đang bức xúc vì những cánh đồng bãi vốn là cơ nghiệp làm ăn của nông dân đang từng ngày bị "xóa sổ"; nguồn thu hàng tỉ đồng mỗi năm cứ dần trôi tuột xuống dòng sông và có nguy cơ tiếp diễn vì nạn cát tặc hoành hành.

Tại thôn Nam Tiến, phường Hồng Châu, nhiều đoạn bờ đê đang bị sạt lở vào sâu 3 - 4m. Theo phản ánh của người dân, thôn Nam Tiến hiện có tới trên 10 mẫu đã bị sạt lở xuống sông. Nhiều bà con không khỏi hoang mang lo lắng khi những cánh bãi trước đây vốn màu mỡ, bốn mùa hoa màu xanh bát ngát, nay đang hẹp dần vì sụt lún.

Ông Nguyễn Tất Thường, Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Châu cho biết: cuối năm 2017 vừa qua, phường giao cho cán bộ địa chính khảo sát thống kê cho thấy riêng ở thôn Nam Tiến đã mất khoảng 5 ha đất công điền giao cho người dân đào ao thả cá và trồng ngô, cây xoan để lấy gỗ. Nhưng do diện tích sạt lở nhanh và quá lớn, nên các chủ hộ được thuê đất này đã hủy hợp đồng với địa phương.

Còn tại thôn 3 xã Quảng Châu, chỉ trong khoảng 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12/2017 đã bị sạt lở khoảng trên 2 ha, chủ yếu là đất nông nghiệp xã giao cho người dân để trồng ngô, chuối và các cây ăn quả khác.

Một số gia đình như ông Ba, ông Chính, bà Soi mỗi nhà bị mất đứt từ 3 đến 4 sào do sạt lở. Diện tích đất sạt lở chạy dài cả hàng trăm mét, sâu vào trong khu vực canh tác của người dân khoảng 30 mét. Bà con cho biết, nếu không xử lý triệt để nạn cát tặc, đất canh tác sẽ còn bị xói lở, nguy cơ mất trắng những cánh đồng bãi màu mỡ ngày càng lớn.

Tại các xã Hoàng Hanh, Tân Hưng và phường Lam Sơn cũng bị sạt lở khá nhiều diện tích. Theo ông Nguyễn Văn Mý và nhiều người dân ở thôn Lê Lợi và thôn Quyết Thắng (xã Tân Hưng): sau nhiều năm cát tặc hoành hành, tại 2 thôn này có tới hơn 100 mẫu, chiếm gần 30% diện tích canh tác đã bị vùi xuống lòng sông.

Bờ bãi dài tới 3 km bị sạt sâu vào khu đồng bãi từ 30 đến 40 m, do trước đây tàu khai thác cát hoạt động suốt ngày đêm. Nay tàu hút cát đã không còn xuất hiện, vì khu vực bãi bồi Tân Hưng giờ đã tan hoang, không còn cát để hút nữa.

Xử lý nhiều, chuyển biến chẳng bao nhiêu

Theo phản ánh của người dân các xã Quảng Châu và các phường Lam Sơn, Hồng Châu, tình trạng tàu khai thác cát trái phép hoạt động suốt ngày đêm diễn ra phổ biến, nhất là từ 22 giờ đêm cho đến 4 giờ sáng.

Trên nhiều đoạn sông, thường xuyên có hàng chục tàu cuốc lớn đến bơm hút trộm cát, mỗi ngày khoét ruột lòng sông tới cả nghìn mét khối. Khi tàu chạy trên sông, sóng đánh vào bờ, từng tảng đất ùm ùm lở xuống sông. Người dân chỉ còn biết nuốt nước mắt bất lực nhìn ruộng đất bị mất dần, mất mòn từng ngày.

Các tàu hút cát thường có hiện tượng không biển số, không tên đến từ các tỉnh ngoài như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hải Dương... Do không mang biển hiệu nên các tàu cứ ngang nhiên khai hút cát trái phép, tung hoành trên sông.

Một số tàu thuyền khai thác cát quá gần bờ, hút cát cả ban đêm, trong khi quy định của tỉnh chỉ cho phép khai thác ban ngày ở những khu vực đủ điều kiện. Theo người dân phường Hồng Châu, một số đơn vị như Công ty TNHH Minh Phương được UBND tỉnh giao nạo vét ở khu vực phường Minh Khai, gần bến phà Yên Lệnh, nhưng lại cho tàu sang hút cát ở khu vực thôn Nam Tiến phường Hồng Châu, gây sạt lở nghiêm trọng.

Dù người dân thành phố Hưng Yên đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị cấp có thẩm quyền, nhưng mọi việc vẫn không chuyển biến. Chính quyền các xã, phường dù biết nhưng bất lực vì không có phương tiện và quyền hạn không đủ mạnh, đành trông chờ cấp trên và các cơ quan chức năng.

Tỉnh Hưng Yên đã nhiều lần mở đợt cao điểm xử lý ngăn chặn các tàu thuyền có hiện tượng hút cát trái phép nhưng tình trạng trên vẫn không thuyên giảm. Năm 2017, tỉnh đã ban hành kế hoạch số 93A chỉ đạo các địa phương quyết liệt xử lý.

Khi lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát thường xuyên thì các tàu khai thác cát tạm ngừng hoạt động, nhưng chỉ sau một thời gian mọi việc lại tiếp tục sôi động như cũ. Người dân vẫn mong mỏi cấp có thẩm quyền tiếp tục có biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm tình trạng này, trả lại bình yên cho những vùng đất bãi ven sông./.

>>> Nạn “cát tặc” tiếp tục diễn biến phức tạp trên sông Hậu, tỉnh Trà Vinh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục