Câu chuyện về cáo buộc trốn thuế VAT của Amazon tại Italy

06:30' - 20/02/2025
BNEWS Khiếu nại thuế VAT đối với Amazon được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump phàn nàn về cách thức Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên đối xử với những công ty Mỹ.
Biểu tượng Tập đoàn công nghệ Amazon của Mỹ tại một trung tâm phân phối ở North Las Vegas, Nevada. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan thuế Italy mới đây đã cáo buộc tập đoàn Amazon trốn 1,2 tỷ euro (1,25 tỷ USD) tiền thuế giá trị gia tăng (VAT). Động thái này nằm trong nỗ lực mới nhất của các cơ quan chức năng châu Âu nhằm xem xét kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh của những tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ tại lục địa này.

Khiếu nại của cơ quan thuế Italy liên quan đến việc bán hàng hóa từ Trung Quốc và các quốc gia khác ngoài Liên minh châu Âu (EU) được người tiêu dùng tại Italy mua thông qua nền tảng của Amazon từ năm 2019 đến năm 2021. Amazon bị yêu cầu nộp tổng cộng 3 tỷ euro — thuế VAT, lãi suất và tiền phạt — liên quan đến hành vi gian lận thuế bị cáo buộc. Cáo buộc diễn ra khi EU đang điều chỉnh lại quy trình thu thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu, được bán trực tuyến cho người tiêu dùng châu Âu.

Amazon đã lên tiếng phản đối khiếu nại này. Đại diện Amazon cho biết họ sẽ không phát biểu về "các cuộc điều tra đang diễn ra" nhưng"cam kết tuân thủ mọi luật thuế hiện hành". Trong thông báo phản hồi, Amazon tiết lộ hoạt động kinh doanh của họ đã tạo ra hơn 1,4 tỷ euro doanh thu thuế trực tiếp và gián tiếp cho Italy trong năm 2023.

Khiếu nại thuế VAT đối với Amazon được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump phàn nàn về cách thức EU và các quốc gia thành viên đối xử với những công ty Mỹ. Tổng thống Trump phàn nàn về hệ thống thuế VAT được sử dụng rộng rãi của khối này.

Tranh chấp của Amazon tại Italy bắt nguồn từ việc nền tảng thương mại trực tuyến khổng lồ này bán hàng nhập khẩu — bao gồm các mặt hàng giá trị thấp có giá trị dưới 150 euro mỗi mặt hàng — cho người tiêu dùng Italy được cung cấp bởi “những bên bán thứ ba” trên thị trường của Amazon, trong giai đoạn chuyển tiếp khi EU đang trong quá trình thay đổi quy trình đánh thuế bán hàng trực tuyến.

Các cải cách, được phê duyệt vào tháng 12/2017, nhằm mục đích đơn giản hóa việc kinh doanh dễ dàng tại châu Âu, đồng thời giảm số tiền ước tính 5 tỷ euro bị mất mỗi năm do trốn thuế VAT đối với việc nhập khẩu hàng hóa giá trị thấp.

Theo hệ thống cũ, EU yêu cầu tất cả người bán phải đăng ký nộp thuế VAT tại mỗi quốc gia mà họ bán hàng. Theo các quy tắc được cải cách, có hiệu lực chính thức vào năm 2021, những công ty công nghệ chịu trách nhiệm thu và thanh toán thuế VAT đối với tất cả các mặt hàng được bán trên nền tảng của họ. Các quy tắc mới của EU chấm dứt việc miễn thuế lâu nay đối với việc bán trực tuyến những mặt hàng nhập khẩu có giá trị thấp, dưới 150 euro, được cho là quy định gây bất lợi cho các doanh nghiệp châu Âu so với những đối thủ nước ngoài.

Tuy nhiên, vào năm 2019, trước khi hệ thống mới trên toàn EU có hiệu lực chính thức, Italy đã thông qua một luật quốc gia buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi trốn thuế nào của bên bán thứ ba sử dụng nền tảng của họ — điều khoản này là cơ sở cho yêu cầu thuế hiện tại của nước này.

Cảnh sát tài chính của Italy (Guardia di Finanza) đã phân tích 7 tỷ giao dịch tài chính được thực hiện thông qua Amazon trong khoảng thời gian từ khi luật mới của nước này được thông qua vào năm 2019 đến khi hệ thống thuế mới của EU có hiệu lực vào năm 2021 và phát hiện ra rằng các khoản thanh toán VAT trị giá ước tính 1,2 tỷ euro đã bị “bỏ lỡ”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục