CES 2024: Kỳ vọng và thực tế

15:47' - 11/01/2024
BNEWS Nhiều công ty khởi nghiệp đã mang đến các sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật có ứng dụng công nghệ cao tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) đang diễn ra ở Las Vegas (Mỹ).

Tại gian giới thiệu sản phẩm của hãng GyroGear, người xem được trải nghiệm sản phẩm găng tay công nghệ cao có thể giúp người mắc bệnh Parkinson kiểm soát được hoạt động của tay mình.

Bà Roberta Wilson-Garrett, một bệnh nhân Parkinson, chia sẻ rằng các cơn run tay ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cơ bắp, nhưng với chiếc găng tay công nghệ này, bà đã có thể làm những việc như viết chữ rõ nét bằng bút hoặc cầm tách cà phê mà không bị đổ.

Mô tả cách GyroGlove ngăn chặn những cơn chấn động khiến những công việc tưởng chừng đơn giản như mặc quần áo trở thành một thử thách, bà Wilson-Garrett chia sẻ: “Đây là thứ thay đổi cuộc sống của tôi”.

 

Người sáng lập GyroGear, Tiến sĩ Faii Ong cho biết công ty đã chế tạo thiết bị ổn định tay tiên tiến nhất thế giới cùng các đối tác chiến lược, trong đó có tập đoàn công nghệ Trung Quốc Foxconn.

Theo ông Faii Ong, chìa khóa của GyroGlove là một con quay hồi chuyển gắn liền có kích thước bằng một quả bóng khúc côn cầu, với một đĩa bên trong quay nhanh hơn tuabin động cơ phản lực. Ông cho biết chiếc găng tay công nghệ này được sản xuất tại chính nhà máy sản xuất MacBook Pro ở Thung lũng Silicon.

Theo ông Faii Ong, kế hoạch của GyroGear là giảm kích thước con quay hồi chuyển trong các phiên bản găng tay mới trong tương lai và không chỉ tập trung vào riêng bệnh nhân Parkinson.

GyroGear có trụ sở tại bang Massachusetts, là một trong nhiều công ty đang tìm cách sử dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật.

Trong số các công ty tham gia cuộc triển lãm công nghệ CES, có nhiều công ty khởi nghiệp như Glidance và cả những công ty lớn như Amazon.

Người sáng lập Glidance, ông Amos Miller, bị mất thị lực từ rất sớm, đã trình diễn một thiết bị hai bánh nhỏ gọn, mang tên Glide, hoạt động như một chú chó dẫn đường cho những người đi bộ khiếm thị.

Sau khi được cung cấp điểm đến, Glide sẽ dẫn đường cho người sử dụng, hướng họ đi theo các tuyến đường an toàn, tránh các chướng ngại vật.

Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Seattle này có kế hoạch tung ra chương trình beta cho Glide vào cuối năm 2024 và tìm cách để thiết bị này có giá tương đương một chiếc điện thoại thông minh.

Một công ty khởi nghiệp khác ở Seattle là OneCourt cũng đã tạo ra thiết bị giống như bản sao thu nhỏ của một sân bóng bầu dục, có chức năng chuyển đổi các diễn biến theo thời gian thực của một trận đấu thể thao thành các rung động.

Thiết bị này giúp những người khiếm thị hâm mộ thể thao chỉ cần đặt tay lên sân bóng giả cũng có thể cảm nhận các hoạt động đang diễn ra. Thiết bị này có thể hoạt động với nhiều môn thể thao như quần vợt, khúc côn cầu và bóng đá.

Giám đốc điều hành OneCourt, ông Jerred Mace cho biết: “Chúng tôi rất háo hức muốn giới thiệu những sản phẩm giúp người khuyết tật về thị giác được tiếp cận trực tiếp với các trận thi đấu thể thao”.

Ông hy vọng có thể phát triển thiết bị này thông qua quan hệ đối tác với các đội hoặc giải đấu, để có thể cung cấp miễn phí với người hâm mộ khiếm thị sử dụng trong các trận đấu.

Những cải tiến công nghệ khác được trưng bày tại CES bao gồm kính tích hợp công nghệ dành cho người mù của Lumen, cho phép người đeo biết nơi nào là an toàn để đi bộ, thậm chí tránh vũng nước.

Có những loại kính có gọng, có thể dùng làm máy trợ thính cũng như kính mắt để hỗ trợ cho những người bị suy giảm thị lực hoặc thậm chí là mắc chứng khó đọc.

Sản phẩm của Orcam – công ty có trụ sở tại Israel - gồm máy quét cầm tay có thể đọc và dịch văn bản cho học sinh khuyết tật học tập hoặc thanh niên nhập cư mới học tiếng Anh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục