Chặn buôn lậu khẩu trang, vật tư y tế sang Campuchia

15:32' - 05/03/2020
BNEWS Giá một hộp khẩu trang bán ở Campuchia hiện khoảng 23 USD (hơn 510.000 đồng), trong khi tại Việt Nam chỉ khoảng 160.000 đồng, nên các đối tượng buôn lậu qua Campuchia để hưởng chênh lệch.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Ngày 5/3 tại Tp. Hồ Chí Minh, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 đã tổ chức Hội nghị sơ kết kế hoạch số 27/KH-VPTT ngày 14/6/2019 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến biên giới phía Tây Nam.

Đáng chú ý tại hội nghị là thông tin, bên cạnh các loại hàng hóa bị buôn lậu "truyền thống" như xăng dầu, đường cát, thuốc lá,...thì khu vực phía Nam đã xuất hiện hành vi buôn lậu khẩu trang, vật tư y tế.

Các đại biểu là đại diện Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh phía Nam cho biết, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đã khiến các đối tượng buôn lậu chuyển hướng sang buôn lậu, vận chuyển các thiết bị y tế, cụ thể là khẩu trang y tế, qua biên giới Campuchia để kiếm lời.

Đại diện Cục quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, mới đây đơn vị đã thu giữ hơn 41.000 chiếc khẩu trang y tế chuẩn bị đưa qua biên giới Campuchia tiêu thụ. Khi bị bắt, các đối tượng bước đầu khai rằng, do chênh lệch giá bán giữa Việt Nam và Campuchia nên mới gom hàng mang qua biên giới bán kiếm lời.

Tương tự, đại diện Cục quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, đơn vị vừa bắt giữ một số lượng lớn khẩu trang y tế được vận chuyển qua biên giới Campuchia theo đường mòn dân sinh.

Theo đó, giá một hộp khẩu trang bán ở Campuchia hiện khoảng 23 USD (hơn 510.000 đồng), trong khi tại Việt Nam chỉ khoảng 160.000 đồng, nên các đối tượng buôn lậu qua Campuchia để hưởng chênh lệch.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, mới đây vào ngày 3/3, lực lượng chức năng cũng phát hiện một kho ở quận Tân Phú tập kết hơn 1 triệu khẩu trang không rõ nguồn gốc, chuẩn bị vận chuyển trái phép sang Campuchia.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tại các địa bàn trọng điểm phía Tây Nam có nhiều đường mòn, lối mở, ngõ tắt, kệnh rạch chằng chịt là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Theo đó, đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều phương thức vận chuyển như vác bộ, sử dụng xe gắn máy, xuồng công suất lớn nên việc bắt giữ gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng được vận chuyển lậu qua biên giới đã xuất hiện thêm các mặt hàng mới là các thiết bị y tế bên cạnh các mặt hàng truyền thống như đường cát, thuốc lá.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Ông Thế nhấn mạnh, để ngăn chặn tình trạng buôn lậu các mặt hàng trên, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế, trước mắt các tỉnh Tây Nam cần tăng cường phối hợp, kiểm tra các mặt hàng y tế vận chuyển qua biên giới. Bên cạnh đó, tích cực phát hiện sớm để tránh đầu cơ nâng giá các sản phẩm y tế, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ quan thường trực tại địa phương, các lực lượng đang vào cuộc kiểm tra và phát hiện tới đâu xử lý nghiêm tới đó. Từ đó, ngăn chặn các đối tượng buôn lậu đưa khẩu trang lậu vào Việt Nam hoặc đưa khẩu trang y tế ra nước ngoài tiêu thụ.

Ngoài ra, về giải pháp ngăn chặn công tác chống buôn lậu nói chung, Ban chỉ đạo 389 cũng đề nghị các cấp tại địa phương đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và kiên quyết xử lý các cá nhân bao che, tiếp tay, bảo kê cho tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Qua 8 tháng thực hiện kế hoạch số 27/KH-VPTT, lực lượng chức năng các tỉnh có tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia đã phát hiện 3.654 vụ; xử lý hình sự 103 đối tượng, xử lý hành chính 1.081 đối tượng, thu nộp ngân sách 81 tỷ đồng. Tang vật thu giữ chủ yếu là: hơn 400.000 bao thuốc lá; 576,4 kg pháo nổ; hơn 64 kg ma túy tổng hợp; 500 tấn đường cát…./.

>> Phát hiện nhiều mẫu khẩu trang, nước rửa tay, cồn không đạt chuẩn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục