Chặng đường mới của Vietjet khi “cán đích” hành khách thứ 100 triệu

10:56' - 15/02/2020
BNEWS Vietjet đã góp phần thay đổi việc đi lại bằng đường hàng không trở thành phương thức đi lại phổ biến, thuận tiện, tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc cho người dân trong và ngoài nước.
Máy bay của hãng hàng không Vietjet Air. Ảnh: TTXVN

Ngay từ đầu năm 2020, Vietjet Air sẽ khai thác liên tiếp 4 đường bay quốc tế gồm Đà Lạt – Seoul (Hàn Quốc), Cần Thơ – Seoul (Hàn Quốc), Cần Thơ – Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Hà Nội – Bali (Indonesia).

Đồng thời, Hãng cũng vừa tuyên bố mở thêm 3 đường bay thẳng Việt Nam - Ấn Độ kết nối Đà Nẵng và New Delhi, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với Mumbai được khai thác từ tháng 5/2020.

Điều này cho thấy, Vietjet không chỉ dừng lại ở dấu mốc đón hành khách thứ 100 triệu trong năm 2020, dù dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) chưa dừng lại mà còn kỳ vọng cán mốc hành khách thứ 200 triệu trong ba năm tới.
* Tăng trưởng mạnh mẽ
Vào ngày 24/12/2011, chuyến bay thương mại đầu tiên của Vietjet Air đã cất cánh thành công từ Tp. Hồ Chí Minh đi Hà Nội.

Trước đó, nhiều hãng hàng không như Indochina Airlines, Air Mekong… cũng có màn ra mắt khá “đình đám”, nhưng chỉ một thời gian sau đã mất hút trên thị trường nên sự ra đời của Vietjet Air không tránh khỏi sự hoài nghi về khả năng “tồn tại”.
Tuy nhiên, sau 8 năm cất cánh, hiện tại Vietjet Air đang là hãng vận chuyển hành khách lớn thứ 2 ở Việt Nam, chỉ sau Vietnam Group (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco) ở thị trường nội địa. Trong khi đó, tại thị trường quốc tế, Vietjet Air tiếp tục mở thêm các tuyến bay mới đến các thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia…
Ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air chia sẻ, Hãng chuẩn bị chào đón hành khách thứ 100 triệu.

Nhớ lại lúc mới tham gia thị trường, khi đó người dân đi ô tô bằng đường bộ từ Bắc vào Nam phải mất 40 - 42 tiếng, vận tải khách khó khăn.

Từ khi tham gia thị trường, Vietjet Air đã đưa đến xu hướng vận tải hàng không giá rẻ, với giá vé cạnh tranh, người dân chỉ mất 2 tiếng bay từ Tp. Hồ Chí Minh - Hà Nội và ngược lại.
“Trong số hành khách bay cùng Vietjet Air, có nhiều hành khách là người chưa từng đi máy bay, lựa chọn Vietjet đầu tiên.

Vietjet đã góp phần thay đổi việc đi lại bằng đường hàng không trở thành phương thức đi lại phổ biến, thuận tiện, tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc cho người dân trong và ngoài nước”, ông Đinh Việt Phương cho hay.
Báo cáo tài chính các năm của Vietjet Air cho thấy, những năm đầu hoạt động, doanh thu của hãng chủ yếu nhờ vào thị trường nội địa, nhưng từ năm 2015 trở đi, cơ cấu doanh thu đã dịch chuyển ngày càng mạnh sang khu vực quốc tế và tạo nên khoảng cách chênh lệch khá xa khi doanh thu đạt gấp đôi so với thị trường trong nước, đặc biệt từ năm 2017 trở lại đây.
Cụ thể, báo cáo tài chính mới nhất của Vietjet Air trong quý IV/2019 vừa được công bố, doanh thu vận chuyển hành khách đạt 10.500 tỷ đồng, tăng trưởng 25%, lũy kế năm 2019 doanh thu vận tải hàng không đạt 41.097 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế vận tải hàng không đạt 3.936 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng doanh thu 21,4% và lợi nhuận trước thuế 29,3 % so với năm 2018.
Ngoài ra, báo cáo tài chính của Vietjet cho thấy, kết quả kinh doanh tăng trưởng của Vietjet Air còn nhờ vào chiến lược tăng trưởng doanh thu phụ trợ, chủ yếu bao gồm các khoản thu dịch vụ cộng thêm, doanh thu vận chuyển hàng hóa, doanh thu bán hàng trên tàu bay (thức ăn, nước uống, đồ lưu niệm) và doanh thu quảng cáo.

Năm 2019, doanh thu phụ trợ đạt 11.356 tỷ đồng, tăng 35,2% so với năm trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự xuất hiện và tăng trưởng nhanh của Hãng hàng không Vietjet Air cùng với một số hãng hàng không mới mở đã góp phần không nhỏ tác động đến tăng trưởng các chỉ số của ngành như: lượng khách vận chuyển, đường bay.

Ngày càng nhiều người có cơ hội được bay, tức thị trường mở rộng. Mặt khác, Vietjet Air cũng làm tốt việc định vị thị trường, quản trị doanh nghiệp, hoạt động khai thác, nhận diện thương hiệu và đội ngũ điều hành kinh nghiệm.
Trong một thông điệp mới đây gửi tới cổ đông và nhà đầu tư chiến lược của Vietjet Air, Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay, mục tiêu của Hãng là hướng tới xây dựng một Hãng hàng không Consumer Airline (Hãng hàng không của người tiêu dùng) phục vụ mọi nhu cầu tiêu dùng của hành khách, kết hợp e-commerce (thương mại điện tử) và các hệ thống phân phối hàng tiêu dùng.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Vietjet Air vẫn duy trì vị thế cạnh tranh khi đưa ra giá vé máy bay thấp nhất trên các tuyến quốc tế.

VDSC kỳ vọng, mảng quốc tế của Vietjet Air sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới.

Cùng với đó, doanh thu phụ trợ tiếp tục được cải thiện khi các chuyến bay quốc tế tạo ra nhiều doanh thu phụ trợ hơn so với các chuyến bay nội địa.
Trong dài hạn, VDSC đánh giá bối cảnh cạnh tranh sẽ trở nên khó khăn hơn khi có nhiều hãng hàng không mới ra đời trong thời gian tới.

Với triển vọng thuận lợi của du lịch Việt Nam cùng việc mở rộng mạng đường bay quốc tế mạnh mẽ trong thời gian qua, mảng phụ trợ và vận tải quốc tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển và là động lực chính cho sự tăng trưởng của Vietjet Air trong thời gian tới”, VDSC đánh giá.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vừa qua của Vietjet Air, Hãng đã đưa ra định hướng phát triển 3 năm tới.

Theo đó, Vietjet đặt mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu về lượng khách vận chuyển nội địa, mở rộng hiệu quả các đường bay quốc tế, xem xét các cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ga, dịch vụ kỹ thuật, mặt đất, đào tạo, phát huy hiệu quả, lợi thế, kinh nghiệm của hãng hàng không.
* Không ngừng thay đổi
Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, giữa năm 2019, Vietjet Air đã chính thức đưa vào dịch vụ Priority Check-in. Đây là dịch vụ làm thủ tục nhanh giúp hành khách tiết kiệm thời gian.
Chị Nguyễn Ánh Tuyết (Hà Nội) đánh giá, “Khi Vietjet mở dịch vụ làm thủ tục nhanh Priority Check-in, tôi đã thử dịch vụ này và thấy rất thuận tiện. Chi thêm một chút kinh phí, nhưng được ưu tiên làm thủ tục tại quầy SkyBoss, đặc biệt rất thuận tiện cho gia đình có con nhỏ”.
Không dừng lại ở đó, từ đầu tháng 10/2019, Hãng tiếp tục ra mắt dịch vụ Priority Lane Service giúp hành khách sử dụng lối ưu tiên tại khu vực cửa khởi hành.

Sản phẩm mới được "đính kèm" với dịch vụ Priority Check-in nên hành khách không phải bỏ thêm kinh phí cho dịch vụ này, nếu đã được làm thủ tục nhanh tại quầy check-in trước đó.
Hướng đến là “Consumer Airline”, Vietjet kết nối với các đối tác lớn nhằm tạo ra một hệ sinh thái đa dạng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, đem lại nhiều sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, chất lượng, đáp ứng thị hiếu khách hàng.

Trước đó, tháng 6/2019, Vietjet đưa vào sử dụng phiên bản ứng dụng trên điện thoại thông minh tích hợp chương trình thành viên Vietjet SkyClub với nhiều ưu đãi, tiện ích thiết thực và mua vé nhanh chóng trên điện thoại di động.
Chị Đàm Thị Thanh, người thường xuyên bay Vietjet chia sẻ, là người kinh doanh thường xuyên phải bay Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh hàng tuần, chị chọn Vietjet vì chi phí rẻ, đặc biệt khi hãng mở thêm các dịch vụ tiện ích với chi phí vừa phải giúp khách hàng tiết kiệm thời gian khá nhiều. Chị bày tỏ sự hài lòng với chương trình Vietjet SkyClub.
Theo Tạp chí Airfinance Journal ,Vietjet đang là công ty xếp hạng 22 trong top 50 các hãng hàng không có chỉ số sức khỏe hoạt động và tài chính tốt nhất thế giới trong số 162 hãng hàng không, bao gồm tất cả các hãng hàng không tên tuổi.
Cùng với chương trình hợp tác với Google Flights, Vietjet đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam ra thế giới, đồng thời mang đến cơ hội đi lại, du lịch thuận tiện cho người dân Việt Nam và du khách quốc tế.

Tháng 8 năm 2019, Vietjet ra mắt hợp tác với Swift247 và Grab cung cấp dịch vụ giao hàng siêu hỏa tốc, thông qua nền tảng dịch vụ giao nhận hàng hóa GrabExpress của Grab và máy bay Vietjet.
Vietjet Air cũng thực hiện hợp đồng đặt mua máy bay từ Boeing và Airbus, đồng thời chính thức ra mắt hoạt động Học viện Hàng không cho thấy tham vọng mở rộng thị trường cũng như các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và năng lực nhân sự hàng không.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc các hãng hàng không tiếp tục ra đời, đi vào hoạt động và các hãng hàng không hiện tại nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng quy mô sẽ tạo nên bước đột phá cho ngành du lịch trong những năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục