Chào đón kỷ nguyên của chính sách “tiền trực thăng”

05:30' - 26/01/2021
BNEWS Khái niệm “tiền trực thăng”, nhấn mạnh một cách đầy hình tượng rằng ngân hàng trung ương in tiền và sử dụng máy bay trực thăng để rải tiền, có phần nào giống với bối cảnh hiện nay.
Chào đón kỷ nguyên của chính sách “tiền trực thăng”. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN  

Khái niệm “tiền trực thăng” do nhà kinh tế Milton Friedman của Mỹ đưa ra vào năm 1968 một lần nữa được chú trọng. Ông Milton Frieman nhấn mạnh một cách đầy hình tượng rằng ngân hàng trung ương in tiền và sử dụng máy bay trực thăng để rải tiền, trực tiếp phát tiền cho người dân, và lượng tiền cung ứng gia tăng sẽ nâng cao kỳ vọng lạm phát, từ đó kích thích tiêu dùng và tránh giảm phát. 
Trong bối cảnh dịch COVID-19, để phục hồi tăng trưởng kinh tế, ngân hàng nhiều nền kinh tế lớn đã thông qua chính sách tài khóa theo đó trực tiếp chuyển tiền đến tay doanh nghiệp và người dân, nhưng hiện thực hóa chính sách này theo các cách thức khác nhau.  
Theo báo Liên hợp buổi sáng, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ngày 15/3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhanh chóng hạ lãi suất xuống mức 0%, đồng thời khởi động chương trình nới lỏng định lượng (QE) 700 tỷ USD. Một tuần sau, Fed công bố chính sách nới lỏng định lượng không giới hạn để trấn an tâm lý căng thẳng của thị trường. 
Ngoài các biện pháp chính sách tiền tệ, Bộ Tài chính Mỹ cũng lần lượt ban hành các gói cứu trợ COVID-19 có tổng giá trị 2.200 tỷ USD và 900 tỷ USD vào cuối tháng 3/2020 và trong tháng 12/2020, trực tiếp đưa tiền đến tay doanh nghiệp và người dân.
Cách đây 1 tuần, Tổng thống Joe Biden đã công bố gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, đồng thời cho biết sẽ đề xuất kế hoạch phục hồi kinh tế rộng hơn lần thứ hai tại cuộc họp chung của Quốc hội vào tháng tới.
Trong gói cứu trợ kinh tế đề xuất này, các gia đình ở Mỹ sẽ nhận được trợ cấp tổng trị giá 1.000 tỷ USD, mỗi người Mỹ nhận 1.400 USD tiền mặt, cũng như tiền trợ cấp thất nghiệp bổ sung tăng từ 300 USD lên 400 USD/tuần, thời gian thực hiện kéo dài đến tháng 9/2021.
Chính sách tiền tệ nới lỏng và các gói cứu trợ tài chính quy mô lớn đã làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ của Chính phủ Mỹ. Theo ước tính của Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ, thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2020 tăng hơn hai lần so với năm trước, đạt 3.300 tỷ USD, chiếm 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ghi nhận mức cao mới kể từ năm 1945.
Ngoài ra, số liệu của Bộ Tài chính Mỹ cũng cho thấy, tính đến ngày 15/12, quy mô nợ chính phủ Mỹ đã tăng mạnh lên mức 2.700 tỷ USD, tương đương với 128% GDP.
Cùng với việc ông Joe Biden của đảng Dân chủ lên cầm quyền, thâm hụt ngân sách và nợ của Mỹ ước tính sẽ tiếp tục nới rộng. Khái niệm “tiền trực thăng” và “lý thuyết tiền tệ hiện đại” đang thịnh hành ở Mỹ hiện nay sẽ cung cấp nền tảng lý luận cho tính chính đáng của thâm hụt ngân sách.
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Fed đã đưa ra nhiều đợt nới lỏng định lượng, thông qua việc mua tài sản tài chính để bơm thanh khoản cho thị trường. Những tài sản tài chính này bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu thế chấp cho vay mua nhà. 
Tuy nhiên, môi trường lãi suất gần bằng 0% đã thu hẹp không gian chính sách của Fed, hơn nữa hiệu ứng đối với nền kinh tế thực thông qua việc mua tài sản tài chính để bơm thanh khoản cũng giảm dần, đồng thời dẫn đến hiện tượng bong bóng tài sản và khoảng cách giàu nghèo nghiêm trọng hơn.
Tăng cung tiền để kích thích tiêu dùng và tránh giảm phát
Trong thời gian xảy ra dịch bệnh lần này, các nền kinh tế lớn đã thông qua chính sách tài khóa, trực tiếp chuyển tiền đến tay doanh nghiệp và người dân. Khái niệm “tiền trực thăng” một lần nữa được chú trọng.
Trong một bình luận, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke nhấn mạnh, thông thường chính phủ sẽ thông qua việc phát hành công trái (nợ) để bù đắp thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, nợ tăng đồng nghĩa với việc chi phí trả nợ sẽ nâng cao, và có thể dẫn đến việc mọi người không sẵn sàng tiêu dùng do lo nghĩ đến gánh nặng thuế trong tương lai. 
“Tiền trực thăng” không như vậy, đây là chính sách thông qua việc tăng lượng cung tiền để mở rộng ngân sách. Do vậy sẽ không nâng cao nợ của chính phủ hoặc gánh nặng thuế của các gia đình trong tương lai. Điều này có thể khuyến khích người dân mạnh dạn tiêu dùng.
Dưới các biện pháp nới lỏng định lượng, trái phiếu do Fed mua vào có thể được bán để thu hồi thanh khoản sau khi đáo hạn hoặc khi nền kinh tế quá nóng. Tuy nhiên, dưới các biện pháp của “tiền trực thăng”, Bộ Tài chính phát hành trái phiếu vĩnh viễn cho Fed, và Fed cam kết nắm giữ vĩnh viễn trái phiếu này. Nói cách khác, số tiền mà Bộ Tài chính phát ra sẽ trở thành nợ xấu của Bộ Tài chính hoặc tài sản của Fed, vì vậy về mặt thực chất là sự xóa nợ.

Ông Ben Bernanke mô tả “tiền trực thăng” là biện pháp tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách cực đoan nhất, đồng thời cho rằng trong tình huống cực đoan nào đó chẳng hạn như khi tổng cầu giảm mạnh, chính sách tiền tệ đã kết thúc hoặc các nhà lãnh đạo chính trị không sẵn sàng tiếp tục thúc đẩy chính sách tài khóa thông qua phát hành nợ, thì đây có thể sự lựa chọn thay thế tốt nhất. Trong thời kỳ đảm đương vai trò Chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke đã ban hành ba đợt nới lỏng định lượng, nhưng không dùng đến chính sách “tiền trực thăng”.
Về lý thuyết, Fed có thể thông qua bán trái phiếu để thu hồi thanh khoản, nhưng khi giảm quy mô mua trái phiếu hoặc bình thường hóa lãi suất đều có thể gây nên sự biến động của thị trường. Do đó, chính sách nới lỏng tiền tệ đã trở thành trạng thái bình thường. Năm 2020, bảng cân đối kế toán của Fed đã tăng từ 4.000 tỷ USD lên hơn 7.000 tỷ USD, và thâm hụt ngân sách của Mỹ cũng đạt mức cao mới trong lịch sử.  
Theo quan điểm của các nhà kinh tế truyền thống, cần hạn chế thâm hụt ngân sách chính phủ, nếu không sẽ gây tổn hại đến việc xếp hạng tín dụng quốc gia, đồng thời lãi suất tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện nay “lý thuyết tiền tệ hiện đại” đang thịnh hành ở Mỹ nhấn mạnh chính phủ nên mạnh dạn sử dụng chính sách tài khóa để bổ sung đầy đủ việc làm, thanh toán các chi phí xã hội chủ yếu như chăm sóc sức khỏe, học phí đại học và năng lượng sạch. 
Đồng thời, thâm hụt ngân sách chính phủ là thặng dư của khu vực tư nhân, do đó thặng dư ngân sách đồng nghĩa với việc tiền nằm trong túi của chính phủ, chứ không phải nằm trong tay của người dân và doanh nghiệp.   
“Chủ nghĩa bữa trưa miễn phí cánh tả”
Ngoài ra, các nước phát hành tiền tệ của riêng mình không cần lo ngại đến vấn đề vỡ nợ, bởi vì ngân hàng trung ương có thể khởi động máy in tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách bất cứ lúc nào. Về vấn đề lạm phát do mở rộng ngân sách và thâm hụt gia tăng có thể gây ra, có thể thông qua việc tăng thuế và phát hành trái phiếu để giải quyết, loại bỏ tiền dư thừa ra khỏi hệ thống kinh tế.
Về phương diện thâm hụt ngân sách, “lý thuyết tiền tệ hiện đại” không phải là phái diều hâu (chủ trương cắt giảm chi tiêu, tăng cường nguồn thu để giảm thâm hụt), cũng không phải là phái bồ câu (chủ trương trì hoãn các biện pháp thắt lưng buộc bụng cho đến khi kinh tế phục hồi), mà là “những con cú thâm hụt” phản đối ngân sách cân bằng. 
Nó trùng khớp với khái niệm “tiền trực thăng”, đồng thời có nhiều người trong đảng Dân chủ theo đuổi. Họ tự xưng là “những con cú thâm hụt”, với chiếc cổ linh hoạt có thể quan sát toàn diện hơn. 
Tuy nhiên, có nhiều nhà phê bình gọi họ là “chủ nghĩa bữa trưa miễn phí cánh tả”. Đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, việc thị trường duy trì thanh khoản dồi dào sẽ tiếp tục hỗ trợ giá tài sản rủi ro không ngừng đi lên, và đây là thông tin tốt. 
Tuy nhiên, liệu thâm hụt ngân sách và nợ của Mỹ tiếp tục gia tăng trong dài hạn có dẫn đến vấn đề lạm phát tăng cao và đồng USD mất giá hay không luôn là mối quan ngại treo lơ lửng trên đầu thị trường./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục