Châu Á và Mỹ tăng chi tiêu quân sự

15:34' - 16/02/2016
BNEWS Mỹ là nước chi cho quốc phòng nhiều nhất thế giới trong năm 2015, trong khi châu Á chi tiêu nhiều hơn các thành viên châu Âu trong NATO gần 100 tỷ USD.

Châu Á-Mỹ-Trung Quốc

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London mới đây công bố báo cáo cho hay mối lo về sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc, cùng với tình trạng tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, khiến các nước châu Á và Mỹ tăng chi tiêu quân sự, trong khi mức chi tiêu quân sự trung bình thế giới giảm khoảng 4,2%.

Mỹ là nước chi cho quốc phòng nhiều nhất thế giới trong năm 2015. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
IISS cho biết châu Á chi tiêu quốc phòng nhiều hơn các thành viên châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần 100 tỷ USD. Trong khi đó, Mỹ là nước chi cho quốc phòng nhiều nhất thế giới trong năm 2015, khoảng 560 tỷ USD, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ấn Độ - Israel

Mạng tin quốc phòng Ấn Độ cho biết nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng, Ấn Độ và Israel sẽ tổ chức hội thảo về quốc phòng và an ninh từ ngày 21-25/2 tại Israel.

Ấn Độ-Isarel tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng. Ảnh: Reuters

Cơ quan Xuất khẩu và hợp tác quốc phòng Israel (SIBAT) cùng với Cục hợp tác quốc phòng quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Isreal phối hợp với Liên đoàn các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (FICCI) tổ chức hội thảo trên nhằm tìm kiếm cơ hội tăng cường hợp tác và liên doanh giữa doanh nghiệp nhỏ hai nước kinh doanh trong lĩnh vực quốc phòng.

Dự kiến sẽ có khoảng 25 công ty Ấn Độ và hơn 100 công ty Israel tham gia hội thảo.

Mỹ-ASEAN

* Đại biện lâm thời của Mỹ tại Thái Lan, ông W. Patrick Murphy ngày 13/2 cho biết Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN diễn ra trong hai ngày 15-16/2 ở California (Mỹ) sẽ chia làm hai phiên họp, trong đó phiên họp ngày thứ nhất sẽ bàn về các vấn đề kinh tế với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một chủ đề chính, và phiên ngày thứ hai (16/2) sẽ bàn về các vấn đề an ninh trong đó có vấn đề chống khủng bố, an ninh hàng hải và tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN diễn ra trong hai ngày 15-16/2. Ảnh: THX/TTXVN

* Tổng thống Myanmar sắp mãn nhiệm Thein Sein đã quyết định hủy bỏ chuyến công du Hoa Kỳ để tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vào đầu tuần tới. Theo Phủ tổng thống Myanmar vào ngày 13/2, ông Thein Sein phải có mặt trong nước để giám sát tiến trình chuyển giao quyền hành cho chính phủ mới của bà Aung San Suu Kyi. Phó Tổng thống Nyan Tun sẽ đại diện Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh hai ngày tại Sunnylands, California.

Thụy Điển-Ấn Độ

Tờ Livemint (Ấn Độ) ngày 13/2 đưa tin tập đoàn quốc phòng và an ninh Saab của Thụy Điển cùng với công ty Ấn Độ Kalyani Strategic Systems (KSSL), chi nhánh quốc phòng của tập đoàn Kalyani, sẽ thành lập một công ty liên doanh ở Ấn Độ phục vụ cho các chương trình quốc phòng.

Liên doanh do Saab và KSSL thành lập này sẽ phụ trách chủ yếu phần sản xuất và bàn giao các hệ thống phòng không cho khách hàng Ấn Độ. Theo các ước tính của Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ, nước này có thể phải mua sắm trang thiết bị quốc phòng trị giá ít nhất 100 tỷ USD trong 15 năm tới.

Algeria-Nga

Trang tin chuyên về các vấn đề vũ khí khu vực Trung Đông và Bắc Phi (Menadéfense) ngày 13/2 đưa tin không quân nước này đã đặt mua máy bay Sukhoi Su-35 (trước đây có tên gọi là Su-27M) của Nga. Đây là một phần trong những nỗ lực hiện đại hóa đội bay của Algeria.

Máy bay Sukhoi Su-35 của Nga. Ảnh: Reuters

Những kết quả sau khi Nga đưa loại máy tiêm kích này tham chiến tại Syria đã thuyết phục được Bộ Quốc phòng Algeria đặt mua loại máy bay chiến đấu trên. Hồi tháng Một, không quân nước này cũng đã đặt mua 12 máy bay tiêm kích Sukhoi Su-34 của Nga. Ước tính, mỗi chiếc Su-34 có giá 37 triệu USD.

Hội nghị An ninh Munich

* Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Ursula von der Leyen cho biết chính phủ nước này đang lên kế hoạch cho phép quân đội đào tạo nghề cho những người tị nạn từ Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters

Theo bà Leyen, quân đội Đức chính là một trong những nhà tuyển dụng lao động lớn nhất của Đức và có thể đào tạo hơn 100 ngành nghề khác nhau, từ thợ điện, lính cứu hỏa, thợ xây cho đến chuyên gia dò mìn, chuyên gia hậu cần và quản lý.

Trong khi đó, Syria đến một ngày sẽ cần phải tái thiết và những lực lượng được đào tạo này có thể trở về quê hương để xây dựng lại đất nước.

* Tại Hội nghị An ninh Munich ngày 13/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II. Ngoại trưởng Kerry cũng cam kết hết sức hỗ trợ châu Âu, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng có thể đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục