Châu Âu chuẩn bị cho kế hoạch tái chinh phục không gian vũ trụ

05:30' - 12/11/2023
BNEWS Pháp, Đức và Italy vừa đạt được thỏa thuận về đảm bảo “khả năng tiếp cận không gian một cách tự chủ và độc lập”, mở đường cho kế hoạch tái chinh phục không gian vũ trụ của châu Âu.

 

Theo nhật báo Le Point, châu Âu vừa đạt được một thỏa thuận quan trọng về việc tái chinh phục không gian vũ trụ sau những thất bại liên tiếp gần đây. Theo đó, việc phát triển tên lửa đẩy thế hệ mới Ariane-6 sẽ nhận được một khoản trợ cấp nhà nước đáng kể.

Thỏa thuận này cho phép đem lại cạnh tranh trong việc phát triển các tên lửa đẩy cỡ nhỏ và có thể tạo ra một cuộc “cách mạng” theo mô hình Space X của Mỹ. Cụ thể như sau:

Sau hai năm đàm phán khó khăn, Pháp, Đức và Italy, ba “ông lớn” của châu Âu trong lĩnh vực không gian vũ trụ, đã đạt được thỏa thuận về đảm bảo “khả năng tiếp cận không gian một cách tự chủ và độc lập”.

Ba Bộ trưởng Bruno Le Maire của Pháp, Robert Habeck của Đức và Adolfo Urso của Italy đã nhất trí với phương án phóng tên lửa đẩy Ariane-6 và Vega-C trong thập kỷ này. “Thỏa thuận này là một thành công lớn và là một bước ngoặt quyết định đối với lịch sử vũ trụ châu Âu”, Bộ trưởng Bruno Le Maire khẳng định bên lề Hội nghị thượng đỉnh Cơ quan Vũ trụ châu Âu vừa diễn ra tại Sevilla (Tây Ban Nha).

 
Theo thỏa thuận đạt được, tên lửa đẩy thế hệ mới Ariane-6 có thể hưởng lợi từ khoản trợ cấp nhà nước 340 triệu euro mỗi năm. Theo đó, Pháp sẽ cung cấp 55% tiền trợ cấp, Đức khoảng 20% và phần còn lại sẽ được phân bổ giữa Italy, Tây Ban Nha và Bỉ.

Là thành viên lớn nhất của chương trình, Pháp đặc biệt quan tâm đến việc thỏa thuận cho phép thực hiện 4 lần phóng tên lửa mỗi năm cho đến năm 2030. Điều này sẽ giúp Ariane-6 có thêm 15 lần phóng so với 27 lần đã được lên kế hoạch.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết: “Như vậy, sẽ có tổng cộng 42 lần phóng cho Ariane-6. Số lần phóng có ý nghĩa quyết định để đảm bảo việc cân đối kinh tế của tên lửa đẩy này. Trợ cấp nhà nước 340 triệu euro là một khoản tiền đáng kể, và hoàn toàn có thể so sánh với những gì mà tất cả các đối thủ cạnh tranh lớn của châu Âu đã làm.”

Thỏa thuận này được thông qua vào thời điểm lĩnh vực khoảng không vũ trụ của châu Âu đang gặp khó khăn lớn. Chương trình Ariane-6 bị kéo dài 4 năm trong khi mục tiêu đề ra là phải thực hiện lần phóng đầu tiên vào năm 2024. Tên lửa đẩy Vega-C của Italy đã gặp thất bại đầu tiên trong lần phóng thương mại thực hiện vào tháng 12/2022. Xung đột ở Ukraine đã buộc châu Âu phải dừng mọi hoạt động hợp tác với tên lửa Soyuz của Nga (sử dụng bệ phóng Kourou, ở Guyana).

Châu Âu thậm chí đã mất hoàn toàn khả năng tiếp cận không gian kể từ tháng 2/2022. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi, ngoài Mỹ và Nga, sự cạnh tranh trong lĩnh vực không gian ngày càng khốc liệt với sự xuất hiện của Trung Quốc và Ấn Độ.

Tại Sevilla, Ủy viên châu Âu phụ trách lĩnh vực không gian Thierry Breton đã nhắc tất cả các nước thành viên về tầm quan trọng của việc hợp tác mang tính thể chế xung quanh các tên lửa đẩy châu Âu.

Ông nhấn mạnh: “Điều 5 trong chương trình không gian châu Âu đã nêu rõ các ưu tiên rõ ràng của châu lục. Đây phải là trường hợp của tất cả các nước thành viên, đặc biệt đối với các vụ phóng vì mục đích quân sự. Trên thực tế, đây là điều kiện then chốt để đạt được khả năng tiếp cận không gian, là cách châu Âu có thể đảm bảo khả năng tồn tại về thương mại của các tên lửa đẩy của châu Âu, chẳng hạn như Mỹ đã làm. Thực tế, châu Âu vẫn còn nhiều kế hoạch phóng tên lửa chưa được thực hiện”.

Điểm quan trọng thứ hai của thỏa thuận liên quan đến sự thay đổi trong mô hình các tên lửa đẩy của châu Âu, cụ thể liên quan đến môi trường cạnh tranh và kiến tạo khả năng cạnh tranh. Đối với các tên lửa đẩy mới, sự độc quyền của nhà nước cần được chấm dứt. Theo Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, “châu Âu phải thoát khỏi logic thể chế để bước vào logic kinh tế và cạnh tranh. Pháp có thể và sẽ giành được chỗ đứng trong mô hình cạnh tranh này. Nước này có đủ mọi thế mạnh về công nghệ và tài chính để được các mục tiêu”.

Đối với Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã nêu lựa chọn này trong lễ công bố chương trình “France 2030” hồi tháng 10/2021. Thay đổi mô hình không gian vũ trụ là mục tiêu thứ 9 của chương trình đầy tham vọng này.

Ông Macron cho biết: “Pháp phải làm việc với các chủ thể đã thành danh và cả các chủ thể có khả năng đổi mới và thay đổi tình hình trong lĩnh vực này... Chúng ta có một số mục tiêu: thiết kế các tên lửa cỡ nhỏ có thể tái sử dụng vào năm 2026, cũng như các vệ tinh cỡ nhỏ và tất cả những đổi mới về công nghệ và dịch vụ trọng tâm của chương trình không gian mới này.”

Pháp đã thành lập MaiaSpace, một công ty con 100% của tập đoàn ArianeGroup. Dự án đầu tiên được công bố năm 2021 của công ty này là thiết kế một tên lửa đẩy hạng nhẹ, có thể tái sử dụng, với sự tham gia của các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Điểm cuối cùng của thỏa thuận khẳng định vai trò của Trung tâm vũ trụ Guiana như một sân bay vũ trụ đẳng cấp thế giới, không chỉ với Ariane-6 mà cả Vega-C và tất cả các tên lửa mới được phát triển tại trung tâm này.

Ngoài ra, Pháp sẽ thu hồi bệ phóng Soyuz tại Kourou từ năm 2026 để sử dụng cho các tên lửa hạng nhẹ. Cuối cùng, châu Âu duy trì tham vọng khám phá không gian với chương trình mua dịch vụ không gian để vận chuyển hàng hóa và hành khách vào quỹ đạo thấp.

Tuy nhiên, thời gian thực hiện vẫn chưa được ấn định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục