Châu Âu có thực sự tránh được suy thoái kinh tế trong năm 2024?

05:30' - 15/01/2024
BNEWS EU có rơi vào suy thoái trong năm 2024 hay không là một câu hỏi gây chú ý đối với hầu hết các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và các thị trường.

 

Tạp chí La Tribune (Pháp) nhận định Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tránh được suy thoái trong suốt năm 2023, nhưng hiện vẫn “đứng trên bờ vực nguy hiểm” ở thời điểm đầu năm 2024.

EU có rơi vào suy thoái trong năm 2024 hay không là một câu hỏi gây chú ý đối với hầu hết các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và các thị trường. 

Sau một năm tăng trưởng ì ạch, triển vọng kinh tế của “lục địa già” vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nếu như Mỹ đã nỗ lực duy trì tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tương đối vững chắc (2,1%) trong năm 2023, bất chấp tác động tiêu cực của lãi suất cao, thì nền kinh tế châu Âu vẫn thiếu động lực.

Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), GDP ở cả EU và các nước thuộc Eurozone có thể tăng nhẹ 0,6% trong năm 2023. Tuy nhiên, con số này không phản ánh tình hình hiện tại, bởi Eurozone, nơi quy tụ 20 quốc gia EU trong đó có Pháp và Đức, hiện đang đứng ở “bờ vực suy thoái”, thậm chí có thể đã “bước một chân vào đó”.

Chuyên gia Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg (Đức), nhận định: “Khả năng Eurozone sẽ suy thoái vẫn đặc biệt cao”. Trong khi đó, chuyên gia Christophe Blot, nhà kinh tế tại Trung tâm quan sát Điều kiện Kinh tế Pháp (OFCE), đánh giá: “Suy thoái kỹ thuật có thể đã xảy ra vào cuối năm 2023”.

Nếu sau khi GDP giảm 0,1% trong quý III/2023, các chỉ số quý IV/2023 gần như chìm trong sắc đỏ. Do đó, Eurozone sẽ có hai quý liên tiếp giảm GDP. Đây chính là dấu hiệu xác định suy thoái kinh tế kỹ thuật. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này là lạm phát (ngay cả khi nó đang chậm lại) và chi phí tín dụng cao đè nặng lên tiêu dùng hộ gia đình, trong khi đầu tư kinh doanh bị thu hẹp, đi kèm với đó là những khó khăn của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

“Hiện tại, Đức là quốc gia mong manh nhất trong khu vực đồng euro”, ông Christophe Blot nhấn mạnh, đòng thời cho biết thêm: “Italia cũng có dấu hiệu không chắc chắn”. 

Ngoài tỷ lệ lãi suất tăng nhanh, kinh tế Đức còn phải chịu suy giảm trong xuất khẩu công nghiệp, do tình hình quốc tế khó khăn, đặc biệt là ở Trung Quốc, và do chi phí năng lượng tăng cao sau khi bùng nổ cuộc xung đột ở Ukraine.

“Bà đầm già” Pháp chắc chắn đã làm tốt hơn Đức, khi mức tăng trưởng GDP dự kiến cho cả năm 2023 là 0,8%. Nhưng rõ ràng là Pháp cũng đang thực sự ở thế khó, bởi theo Cơ quan thống kê Pháp (INSEE), sau khi giảm tăng trưởng 0,1% trong quý III/2023, GDP của nước này đã có dấu hiệu trì trệ trong 3 tháng cuối năm qua.

Thậm chí nếu căn cứ theo phân tích tài chính của S&P Global, tình hình của Pháp còn rất đáng lo ngại. Vào tháng 12/2023, Pháp đã ghi nhận “sự thu hẹp lớn nhất” về hoạt động của khu vực tư nhân trong số 20 quốc gia thuộc Eurozone.

Hiện tại, chưa có dự báo nào nhắc đến một cuộc suy thoái vào năm 2024, cả ở Pháp và EU. Với dự báo tăng trưởng ở Đức sẽ trở lại mức 0,5%, OFCE cho rằng tăng trưởng của Eurozone có thể đạt 1%. Kinh tế Pháp “sẽ thoát khỏi suy thoái” nhưng tăng trưởng có thể sẽ không mạnh như kỳ vọng 1,4% của Chính phủ nước này. 

Ngân hàng trung ương Pháp đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 0,9% và INSEE dự đoán mức tăng trưởng rất nhẹ 0,2% trong quý I và II/2024, nhưng nhìn chung những dự báo này vẫn được coi là mong manh.

 
Để tránh nguy cơ suy thoái, nhiều chuyên gia cho rằng EU cần nhanh chóng hạ lãi suất để vực dậy hoạt động kinh tế. Nhưng cho đến nay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nơi vẫn đang tập trung cho những “nỗ lực kiềm chế lạm phát cuối cùng”, chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào. 

Chuyên gia Bruno Cavalier, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn tài chính ODDO BHF, cho rằng “ECB vẫn bị ám ảnh bởi chặng đường chống giảm phát cuối cùng, đến nỗi không nhận thấy rằng Eurozone đang đứng ở vạch xuất phát của suy thoái đầu tiên”.

Việc giảm lãi suất sẽ càng cần thiết hơn khi xét đến yếu tố các nước châu Âu không có nhiều dư địa ngân sách để phục hồi hoạt động. 

Các khó khăn kinh tế nảy sinh, trong khi các nước châu Âu đang phải gánh khoản nợ khổng lồ để chống chọi với hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine. Thêm vào sự bùng nổ nợ này là việc gia tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát ở “lục địa già”, khiến lãi suất tăng cao, đẩy nợ tăng.

Ở Pháp, nợ quốc gia đã tăng vọt lên 55 tỷ euro vào năm 2023 và thậm chí có thể đạt 74 tỷ euro vào năm 2027. Kết quả là các nước sẽ phải thực hành chính sách tiết kiệm, cho dù khó có khả năng áp dụng trở lại các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.

Trước các kế hoạch đầu tư lớn cần thực hiện trong quá trình chuyển đổi và bảo vệ sinh thái, các nước EU đã đạt được thỏa thuận về cải cách các quy định ngân sách vào cuối tháng 12/2023, trong đó có yêu cầu đảm bảo phục hồi tài chính công mà không ảnh hưởng đến đầu tư. Tuy nhiên, thỏa thuận mang tính cải cách này vẫn phải đợi Nghị viện châu Âu thông qua trước khi diễn ra cuộc bầu cử EU vào tháng Sáu tới. Đây là một thời hạn quan trọng cho các chính phủ đang nắm quyền.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục