Châu Âu: Khí đốt tăng giá, người tiêu dùng chịu hậu quả
Từ vài tháng trở lại đây, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng chóng mặt và xu hướng này là không thể đảo ngược. Hôm 21/12, giá của loại nhiên liệu hóa thạch này đã phá kỷ lục trên thị trường. Giá khí đốt giao trên sàn TTF của Hà Lan đã tăng hơn 22%, đạt mức 180,267 euro/Megawatt giờ (MWh), cao gấp 10 lần so với mức của một năm trước và tăng 90% kể từ đầu tháng 12.
Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến "cú sốc khí đốt" này, nhật báo Le Monde cho rằng đây là hệ quả của nhiều yếu tố kết hợp lại, từ kinh tế, khí hậu, đến biến động địa chính trị và điều này làm dấy lên lo ngại về những tác động kinh tế lớn.
Tình cảnh "hoạ vô đơn chí"
Do Liên minh châu Âu (EU) không sản xuất được dầu và hầu như không có khí đốt, 60,7% năng lượng tiêu thụ của khu vực này được đáp ứng bởi nhập khẩu. Việc tiêu thụ khí ga, chiếm hơn 21% mức tiêu thụ năng lượng, lại phụ thuộc đến 90% vào nguồn cung bên ngoài và do đó EU luôn ở trong tình thế bị động, không thể kiểm soát được giá của loại nhiên liệu này.
Khí đốt được cung cấp vào EU theo hai cách. Thứ nhất là bằng các đường ống dẫn khí dưới lòng đất hoặc trên biển. Trong quý III, 77% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu đi qua các đường ống này. Số lượng 23% còn lại được vận chuyển bằng tàu dưới dạng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Phương thức phân phối thứ hai này giúp EU đa dạng hóa các nguồn cung cấp bằng cách nhập khẩu khí đốt từ Mỹ, Qatar hoặc Algeria.
Các nhà cung cấp chính cho EU là Nga (chiếm đến 41% lượng khí đốt nhập khẩu trong năm 2019) và Na Uy (16,2%). Tiếp theo là Algeria, Qatar, Nigeria và Mỹ. Tuy nhiên, tại Pháp, khí đốt của Nga chỉ chiếm 17% nguồn cung cấp khí đốt và Na Uy gần 41%.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá hiện nay là kết quả của một số yếu tố, trong đó chủ yếu là nhu cầu năng lượng tăng đáng kể trong khi nguồn cung khí đốt tự nhiên lại gặp khó khăn. Tình cảnh "họa vô đơn chí" này đã khiến EU phải chịu cú sốc khí đốt do giá cả tăng vọt.
Năm 2021 được đánh dấu bởi sự gia tăng đáng kể nhu cầu năng lượng ở châu Âu, do mùa Đông 2020-2021 đặc biệt lạnh và kéo dài, thêm vào đó là sự khởi động lại nhanh chóng của nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng do COVID- 19 vào năm 2020.
Đồng thời, các hiện tượng thời tiết thất thường cũng làm ảnh hưởng đến việc sản xuất điện. Chẳng hạn như việc không có gió ở Biển Bắc đã khiến việc sản xuất năng lượng gió ít hơn và làm tăng nhu cầu về khí đốt để sản xuất điện.
Thêm vào đó, một loạt sự cố xảy ra ở các nước sản xuất và xuất khẩu khí đốt đã khiến nguồn cung thế giới đã hạn chế nay lại càng khan hiếm hơn. Các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên của châu Âu đã không thể tăng xuất khẩu của họ vì một số lý do.
Nga bảo trì các đường ống dẫn khí đốt, việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ giảm do căng thẳng giữa hai nước, hoạt động bảo trì các mỏ ở Biển Bắc hay thậm chí là việc đóng cửa khu sản xuất LNG lớn nhất ở Na Uy sau một vụ hỏa hoạn.
Nguồn cung cấp khí đốt lại ngày càng thiếu hơn do nhu cầu năng lượng nói chung ngày càng tăng. Châu Á cũng đã có một mùa Đông dài như châu Âu và một sự phục hồi kinh tế rất đáng kể.
Theo nhận xét của Patrice Geoffron, Giáo sư kinh tế học và Giám đốc Trung tâm Địa chính trị Năng lượng và Nguyên liệu thô, "chính sự cạnh tranh trên thị trường khí đốt ở quy mô toàn cầu và nhu cầu cao về nhập khẩu LNG của châu Á đã khiến châu Âu bị ảnh hưởng rõ rệt". Ông cũng cho biết, Trung Quốc hiện đang trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, trong khi nhập khẩu khí đốt hóa lỏng ở châu Âu giảm 35% trong quý III/2021.
Giá tăng đột biến cũng một phần là do châu Âu bắt đầu bước vào mùa Đông 2021-2022 và nhiệt độ giảm khiến nhu cầu về năng lượng để sưởi ấm ngày càng gia tăng. Các kho dự trữ châu Âu lại cần được bổ sung vì hiện tại trữ lượng đang thấp hơn bình thường, do những khó khăn trên thị trường khí đốt kể từ đầu năm đã buộc các nước phải dung đến nguồn dự trữ của mình.
Vào cuối tháng 6/2021, tỷ lệ lấp đầy kho chứa khí đốt trung bình của EU chỉ đạt 48%, thấp nhất trong một thập kỷ qua vào thời điểm này trong năm và giảm đến 33% so với năm 2020. Ngay cả vào giữa tháng 9, tỷ lệ dự trữ cũng chỉ chiếm 71%, so với mức 86% thường thấy trong giai đoạn này.
Việc nhập khẩu LNG vào châu Âu giảm và khả năng xuất khẩu của Na Uy bị hạn chế ngay lập tức đã khiến "Lục địa Già" phải phụ thuộc vào nhà cung cấp khí đốt chính là Nga. Tuy nhiên, căng thẳng ngoại giao gia tăng giữa Brussels và Moskva về vấn đề Ukraine, nơi có một phần đường ống dẫn khí đốt chạy qua, khiến cho EU gặp khó khăn trong việc mua khí đốt của Nga. Ở một mức độ nào đó,
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng khí đốt như một vũ khí ngoại giao. Giáo sư Patrice Geoffron cho biết : "Nga, thông qua Gazprom, cung cấp đúng theo hợp đồng của châu Âu, mà không tăng sản lượng xuất khẩu của mình".
Một lý do khác dẫn đến giá tăng đó là do nguồn cung của châu Âu hiện đang trong tay Nga, quốc gia đang sử dụng yếu tố này để gây áp lực lên châu Âu nhằm đẩy nhanh việc triển khai đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 2).
Đường ống này dài 1.200 km có thể vận chuyển khí đốt của Nga tới Đức mà không đi qua Ukraine, Ba Lan hay các nước Baltic. Đường ống được cựu Thủ tướng Đảng Bảo thủ Angela Merkel bảo vệ, nhưng Chính phủ mới của Đức ít hòa giải hơn.
Chẳng hạn, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck mới đây đã cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" đối với đường ống mới trong trường hợp Nga gây hấn với Ukraine. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng đe dọa sẽ "đóng cửa" Nord Stream 2 trong trường hợp chiến sự leo thang ở Ukraine.
Khí đốt tăng giá, người tiêu dùng chịu hậu quả
Năng lực thấp của các kho dự trữ ở châu Âu đang làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung đối với một số quốc gia trong thời kỳ mùa Đông năm nay. Thậm chí, người tiêu dùng và doanh nghiệp đã cảm nhận được sự tăng giá trong vài tháng qua, và không chỉ liên quan đến khí đốt mà cả giá điện.Giá khí đốt có ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện ở tất cả các quốc gia do thị trường điện châu Âu hoạt động đồng nhất. Giá bán buôn của năng lượng này được ấn định theo nguyên tắc chi phí cận biên, phụ thuộc vào chi phí cần thiết để khởi động nhà máy cuối cùng ở châu Âu được huy động để đáp ứng nhu cầu.
Các nhà máy được gọi theo thứ tự nhất định, cho đến khi các nhu cầu được đáp ứng. Các nhà máy năng lượng tái tạo có chi phí cận biên thấp nhất và sẽ được gọi lên trước, nếu sản xuất của họ không đủ, sẽ đến lượt các nhà máy điện hạt nhân, sau đó là các nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch (than, dầu nhiên liệu, khí đốt).
Các nhà máy điện chạy bằng khí đốt - hầu hết các nhà máy nhiệt điện ở Pháp - là nơi được "gọi bổ sung điện cuối cùng" và do đó quyết định giá bán buôn điện.
Để ngăn chặn những hậu quả xã hội có thể xảy ra do sự gia tăng này, nhiều quốc gia, bao gồm cả Pháp, đã thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tác động tới các hộ gia đình. Tuy nhiên, ngay cả các công ty sử dụng nhiều điện, chẳng hạn như những công ty trong lĩnh vực ô tô hoặc thép, cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Một số địa điểm công nghiệp đã phải đóng cửa do giá điện tăng.
Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể chuyển chi phí cho khách hàng, khiến giá sản phẩm cao hơn hay liệu họ có thể thu được chi phí đó với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn hay không? Tất cả đều phụ thuộc vào thời gian kéo dài của việc tăng giá. Nhiều khả năng, giá bán buôn khí đốt sẽ không giảm cho đến mùa Xuân hoặc mùa Hè năm 2022 và chỉ có thể trở lại "mức bình thường" vào năm 2023./.
Tin liên quan
-
Thị trường
Saudi Arabia kêu gọi OPEC+ hợp tác để ổn định thị trường dầu toàn cầu
08:07' - 31/12/2021
Saudi Arabia mong muốn tiếp tục hợp tác với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+ để ổn định thị trường dầu toàn cầu.
-
Chứng khoán
Giá nhiên liệu nhảy vọt: Cổ phiếu họ dầu khí “ngư ông đắc lợi”?
16:44' - 23/12/2021
Trong phiên ngày 23/12, 10 mã chứng khoán thuộc họ dầu khí có xu hướng tăng tích cực, trong đó PVD tăng trần. Vậy nhóm cổ phiếu dầu khí có tăng tiếp trong thời gian tới khi giá nhiên liệu tăng mạnh?
-
Ý kiến và Bình luận
Thời tiết cực đoan đe doạ trữ lượng dầu khí thế giới
13:51' - 16/12/2021
Các tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có triều cường, bão, lũ lụt và nhiệt độ khắc nghiệt đang đe dọa phần lớn trữ lượng dầu và khí đốt trên thế giới.
-
Kinh tế Thế giới
Hội nghị Dầu khí Thế giới gặp khó do biến thể Omicron
13:35' - 06/12/2021
Hội nghị Dầu khí Thế giới diễn ra trong tuần này tại thành phố Houston, bang Texas (Mỹ) với trọng tâm bàn về tương lai của thị trường dầu mỏ.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Chính phủ Thái Lan phê duyệt kế hoạch kích thích kinh tế
18:26'
Ủy ban chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ Thái Lan do Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra làm Chủ tịch đã phê duyệt kế hoạch 5 điểm nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước trong cả ngắn và dài hạn.
-
Kinh tế Thế giới
Sạc xe điện - cú hích tỷ USD cho kinh tế châu Âu
17:24'
Mặc dù doanh số xe điện (EV) đang chậm lại ở châu Âu, ngành công nghiệp sạc xe điện vẫn kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ tỷ lệ xe điện ở châu Âu tăng đều đặn.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương cho 29 nước
16:03'
Nước này đã thực hiện chính sách miễn thị thực cho 29 nước, trong đó có Đức và Pháp, nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc kỳ vọng thu lợi 42 tỷ USD từ năng lượng sạch
15:01'
Hàn Quốc đang kỳ vọng sẽ thu được 59.000 tỷ won (42 tỷ USD) bằng cách thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các nguồn năng lượng không carbon đến năm 2033.
-
Kinh tế Thế giới
Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế 140 tỷ USD
14:47'
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ công bố gói kích thích kinh tế trị giá 22.000 tỷ yen (khoảng 140 tỷ USD) nhằm tăng nguồn thu nhập cho người tiêu dùng vào thứ Sáu (22/11) sau kết quả bầu cử vừa qua.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy quan hệ kinh tế ổn định với Mỹ
13:46'
Theo Thứ trưởng Trung Quốc Vương Thụ Văn, Trung Quốc sẵn sàng đối thoại, mở rộng các lĩnh vực hợp tác và quản lý những khác biệt với Mỹ, nhằm thúc đẩy quan hệ theo hướng ổn định và bền vững.
-
Kinh tế Thế giới
Mexico phản đối kế hoạch trục xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ
12:43'
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 21/11 đã lên tiếng phản đối các kế hoạch về người di cư của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
-
Kinh tế Thế giới
Số doanh nghiệp tại Đức phá sản tăng mạnh
12:42'
Số doanh nghiệp tại Đức phá sản trong tháng 10/2024 tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái, do những khó khăn liên tục của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc muốn xây dựng 4 thành phố khởi nghiệp hàng đầu thế giới
12:40'
Cho đến năm 2030, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy việc xây dựng 4 thành phố lọt vào danh sách 100 thành phố tốt nhất thế giới để khởi nghiệp.