Châu Phi - Thị trường chiến lược của Trung Quốc

15:25' - 22/07/2018
BNEWS Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 21/7 đã ký một loạt thỏa thuận thương mại trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Senegal trong gần 1 thập kỷ qua.

Tổng thống Senegal Macky Sall đã đón ông Tập Cận Bình tới Dakar và tổ chức hội đàm trong chiều cùng ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục chuyến công du châu Phi kéo dài 7 ngày, đến Rwanda vào ngày 22/7, Nam Phi ngày 24/7 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) bắt đầu vào ngày 25/7.

Ngày 21/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Senegal, hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Macky Sall. Ảnh: TTXVN phát

Chuyến thăm châu Phi lần này là thực sự quan trọng đối với Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa nước này và Mỹ đang ngày càng diễn biến phức tạp. Châu Phi được xác định là một thị trường chiến lược của Trung Quốc.
Mặc dù chi tiết của các thỏa thuận trên chưa được công bố, song Tổng thống Sall cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về "hợp tác song phương, quan hệ Trung Quốc-châu Phi và các vấn đề quốc tế hiện nay". Ông đánh giá Trung Quốc là "một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới của kỷ nguyên hiện đại".
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: "Mỗi khi tới châu Phi, tôi có thể nhận thấy sự năng động to lớn của châu lục này". Ông nhấn mạnh có niềm tin mạnh mẽ vào tương lai hợp tác giữa Bắc Kinh với các đối tác châu Phi, bởi Trung Quốc đang trở thành nhà đầu tư hàng đầu vào châu lục này.
Một báo cáo năm ngoái của tổ chức Ernst và Young cho hay Trung Quốc là nước góp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào “lục địa đen” với tổng số vốn lên đến 66,4 tỷ USD cho 293 dự án đầu tư kể từ năm 2005 đến nay.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Senegal sau Pháp, với kim ngạch thương mại song phương vượt 2 tỷ USD trong năm 2016. Xuất khẩu chính của Senegal sang Trung Quốc là các kim loại, titan và sản phẩm nông nghiệp.
Các công ty Trung Quốc đã xây dựng một phần lớn cơ sở hạ tầng Senegal gần đây, bao gồm sân vận động thể thao ở Dakar, đường sá, nhà hát, nhà thi đấu quốc gia và bảo tàng. Trung Quốc đang tài trợ cho cho dự án đường lớn nhất của Senegal - tuyến đường cao tốc nối liền Dakar và Touba với tổng số vốn lên đến 700 triệu USD.
Kể từ khi quan hệ ngoại giao được khôi phục vào năm 2005, đầu tư của Trung Quốc vào Senegal đã vượt 2,1 tỷ USD.

>>>Trung Quốc "tăng tốc" trong chiến lược Trung Đông-châu Phi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục