Ethiopia - Biểu tượng đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi

06:30' - 05/07/2018
BNEWS Nhật báo Le Monde vừa đăng bài phóng sự về sự hiện diện khắp nơi của Trung Quốc tại châu Phi, trong đó Ethiopia là biểu tượng đặc trưng của làn sóng đầu tư ồ ạt, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Tuyến đường sắt Addis Ababa-Djibouti nằm trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ethiopia và đã đầu tư ồ ạt vào quốc gia có khoảng 100 triệu dân này. Ethiopia mong muốn gia nhập vào các nước có thu nhập trung bình từ nay đến năm 2025. Từ năm 2005-2012, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tham gia vào hơn 700 dự án, đã đi vào hoạt động hoặc đang thực hiện, và sử dụng khoảng 165.000 nhân công.
Các tập đoàn xây dựng lớn của Trung Quốc đều phụ trách ít nhất một dự án khổng lồ tại quốc gia rộng lớn ở vùng sừng châu Phi này, ví dụ như tuyến đường cao tốc đầu tiên, một tuyến tàu điện, trụ sở của Liên minh châu Phi (một món quà của Bắc Kinh, được khánh thành tháng 1/2012) và hiện là dự án mở rộng sân bay quốc tế Bole với tổng chi phí lên đến 345 triệu USD hoàn toàn do Ngân hàng xuất nhập khẩu Eximbank của Trung Quốc tài trợ.
Dự án tiêu biểu nhất chính là tuyến đường sắt nối liền thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với nước Djibouti nhỏ bé có hải cảng, từng được xây trong thời Pháp thuộc. Công ty Trung Quốc được phép khai thác tuyến đường sắt, đào tạo nhân viên địa phương tại các toa tàu trong vòng 6 năm và trên lý thuyết, người Ethiopia sẽ đảm nhiệm công việc này từ năm 2024.
Với Trung Quốc, tuyến đường sắt Addis Ababa–Djibouti còn nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) hay còn được gọi là dự án “Con đường tơ lụa mới”, biểu tượng cho chính sách bành trướng toàn cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ethiopia giao phần lớn dự án này cho Trung Quốc vì quốc gia châu Á đã sẵn sàng cung cấp tài chính, trong khi phương Tây không làm điều đó, theo phân tích của Yunnan Chen - một nhà nghiên cứu về Trung Quốc-châu Phi tại đại học Johns Hopkins ở Washington DC.
Một kinh tế gia ẩn danh thuộc Hội Đồng đầu tư Ethiopia cho rằng Bắc Kinh chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, trái ngược với Washington thường tập trung về vấn đề an ninh và chính trị. Chính vì vậy, Trung Quốc thường được chính quyền quốc gia châu Phi này ưu ái.
Ethiopia muốn theo đuổi mô hình phát triển của Trung Quốc, đồng thời cũng đánh giá cao chính sách đối ngoại không can thiệp của Bắc Kinh, không đặt điều kiện về các vấn đề nhân quyền hay chỉ trích chế độ chuyên quyền… trong khi phương Tây thường gây sức ép về mặt dân chủ.
Quan hệ “đôi bên cùng có lợi” giữa Bắc Kinh và Addis Ababa được tăng cường từ những năm 2000. Trung Quốc là đầu tàu cho các dự án tăng tốc công nghiệp hóa của Ethiopia với mô hình thiên về xuất khẩu để dự trữ ngoại tệ. Ethiopia cần phát triển hạ tầng, còn Trung Quốc cũng thấy phần bánh trong đó. Ethiopia không có nguồn tài nguyên dồi dào, nhưng lại có đông đảo nhân công giá rẻ, thường được ví như “Trung Quốc của châu Phi”.
Bắc Kinh được lợi rất nhiều trong chiến lược hợp tác thương mại “mất cân đối” này. Năm 2016, Ethiopia có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 88,7 triệu USD, nhưng giá trị nhập khẩu lên đến 3,21 tỷ USD, chủ yếu phục vụ các dự án hạ tầng do Eximbank tài trợ, tiếp theo là dệt may, thuộc da hoặc dược phẩm.
Thị trường Ethiopia tràn ngập hàng Trung Quốc, từ quần áo đến đồ gia dụng bằng nhựa hoặc thiết bị điện tử và máy móc… Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đau đầu vì khối lượng hàng hóa dư thừa, giá bán rẻ, bỗng tìm được đầu ra mới ở quốc gia châu Phi này.
Sau 6 năm bị chiếm đóng dưới thời Mussolini (1935-1941), Ethiopia vẫn tự hào chưa từng khuất phục trước thế lực nước ngoài nào. Thế nhưng, vì cần tăng trưởng để cải thiện đời sống người dân, Ethiopia tìm đến Trung Quốc như một đối tác không thể thiếu, trong khi các doanh nghiệp Ethiopia chưa đủ sức cạnh tranh với người Hoa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục