Chế tài nào để đẩy lùi vấn nạn lừa đảo trên thương mại điện tử?

17:26' - 01/04/2024
BNEWS Lợi dụng kẽ hở nhiều trường hợp lừa đảo đã giả mạo sàn giao dịch, thương hiệu lớn cũng như áp dụng chính sách không cho khách hàng đồng kiểm khi nhận hàng online gây tổn thất cho người tiêu dùng.

Mua sắm trực tuyến dần quen thuộc với nhiều người giúp bán hàng đa kênh trở nên phổ biến. Đặc biệt, kể từ dịch COVID-19 bùng phát trở lại đây, việc livestream bán hàng mới thực sự trở nên sôi động và thu hút nhiều người tham gia ở cả phía người mua và người bán.

Thậm chí, các sở, ngành tại nhiều địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng lên sàn. Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở nhiều trường hợp lừa đảo đã giả mạo sàn giao dịch, thương hiệu lớn cũng như áp dụng chính sách không cho khách hàng đồng kiểm khi nhận hàng online gây tổn thất cho người tiêu dùng.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần chế tài mạnh hơn nữa để đẩy lùi vấn nạn này trên thương mại điện tử.

Mua sắm trực tuyến dần quen thuộc với nhiều người
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, trong bối cảnh chợ truyền thống đang trải qua sự suy giảm, chỉ dựa vào uy tín, mối quan hệ cũ, hay sự hỗ trợ của chính quyền trong các sự kiện truyền thống là chưa đủ và không khả thi. Bởi vậy, việc chủ động theo dõi xu hướng thị trường, tuân thủ xu hướng theo sở thích của người tiêu dùng và vượt qua khó khăn ằng cách làm quen với công nghệ số... là xu thế tất yếu để doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, mua sắm trực tuyến không những giúp mang lại làn gió mới cho người mua, mà còn cải thiện đầu ra, tăng doanh số, giảm chi phí trung gian, từ đó không còn mối lo phải rút lui khỏi thị trường.

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, với doanh thu 20,5 tỷ USD năm 2023, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.
 
Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 và dự báo năm 2024 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) cũng cho thấy, doanh thu thương mại điện tử từ doanh nghiệp tới tiêu dùng (B2C) năm 2023 đạt gần 500 nghìn tỷ đồng và dự báo con số này sẽ đạt khoảng gần 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.

Đáng chú ý, tính riêng 2023, có 2,2 tỷ sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu cả nước, gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, tăng 52,3% so với 2022. Dự kiến 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310 ngàn tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2023.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới điển hình là livestream và bán hàng đa kênh, mang về nguồn thu lớn cho các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, với sự tiện ích có thể xem livestream ở bất cứ đâu khi chỉ cần có một chiếc smartphone kết nối mạng internet, khiến nhiều người hình thành thói quen mua hàng qua livestream. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bán hàng qua livestream có thể đem lại hiệu quả gấp 10 lần so với thương mại điện tử thông thường.

Tuy nhiên, đi liền với đó là lợi bất cập hại bởi những tiện ích và lợi nhuận từ thương mại điện tử mang lại, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng và kẽ hở từ chính sách để trà trộn bán những sản phẩm kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam và thế giới.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung tại Nhật Tân- Hà Nội từng bị hớ khi mua hàng online cho biết, do da sạm nám và có nhu cầu mua sản phẩm chăm sóc da nên chị Dung đã lên mạng tìm hiểu. Sau đó, chị nhận được tin nhắn qua Facebook của một shop bán hàng online với nội dung nếu mua qua tin nhắn và chuyển khoản trước sẽ được giảm 30% so với giá đang ghim trên gian hàng trực tuyến. Do ham rẻ, chị Dung đã nhận lời chuyển khoản và khi nhận hàng mới biết đây là sản phẩm giả mạo thương hiệu nổi tiếng nhưng sau khi liên lạc lại mọi thông tin đều bị chặn.

Tương tự, anh Lê Văn Thái chuyên kinh doanh mặt hàng công nghệ cho hay, anh thường xuyên vào các trang thương mại điện tử để tìm kiếm thông tin sản phẩm và phát hiện hàng giả, hàng nhái tràn lan và chủ yếu tập trung vào các đơn hàng có giá trị như nhóm hàng công nghệ.

Đơn cử như điện thoại hay máy tính thông thường có giá chính hãng khoảng trên 20-30 triệu đồng/sản phẩm nhưng nhiều cửa hàng online chỉ niêm yết với giá 9-10 triệu đồng/ sản phẩm. Điều này đã chạm vào lòng ham rẻ, hiếu hiểu biết của một nhóm người tiêu dùng và sau đó rất dễ sập bẫy mua phải hàng giả mạo thương hiệu.

Theo ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), hiện nay, người mua hàng dần tạo thành thói quen mua sắm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên nhận được phản ánh từ hãng có thương hiệu về tình trạng hàng giả, nhái ngay trên sàn như Lazada, Shopee và mới đây là Tiktok, càng sinh sau càng hiện đại. Song song với đó là Facebook, Zalo cũng tạo ra đất sống cho vi phạm.

Bên cạnh người bán, người mua, vô hình chung các công ty chuyển phát trở thành bên vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu..bởi  quy định hiện nay, xe niêm phong đang kẹp chì không được phép mở. Một số vụ việc, lực lượng quản lý thị trường buộc phải theo xe dỡ hàng tại kho rồi mới ập vào kiểm tra.

Ông Trần Hữu Linh cũng đưa ra con số so sánh rằng, nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD nhưng đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số. Điều này cho thấy, thương mại điện tử có yếu tố online nên yêu cầu tính nghiệp vụ cực kỳ lớn.

Do vậy, quá trình kiểm soát, xử lý.. lực lượng gặp rất nhiều khó khăn bởi tính đặc thù như địa điểm mua bán không xác định được, người bán hàng có thể ở bất kỳ đâu; kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng rất khó để xác định và chứng cứ rất dễ thay đổi. Hơn nữa, việc thanh toán qua trung gian càng khiến quá trình truy vết gặp khó.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, có tình trạng nhiều đối tượng thường lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng. Ngoài ra, các đối tượng này sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần kèm thêm thông tin như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho". Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử hay điện thoại di động.

Hơn nữa, khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua và sẽ sử dụng các phương thức như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến. Không chỉ vậy, nhiều shop đã sử dụng chiêu trò mua đơn để tạo lượt bán ảo cho sản phẩm nhằm mồi khách. Kèm theo đó là đặt hàng nhiều lượt đánh giá ảo kèm lời khen nhằm dụ người tiêu dùng chốt đơn.

Nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trên môi trường mạng, ông Trần Hữu Linh cho rằng, cần phải có nguồn nhân lực, nhất là công cụ, phương pháp phù hợp chứ không thể “tay không bắt giặc”. Bởi, nếu không có những chế tài phù hợp, online sẽ trở thành nơi tàng trữ, phân phối, buôn bán hàng giả, từ đó làm giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

Theo ông Trần Hữu Linh, năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ xây dựng các chương trình kiểm tra, kiểm soát lớn; tập trung vào các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm. Ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng, Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo các cá nhân, tổ chức và người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là qua thương mại điện tử.

Đồng tình với quan điểm này này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Cùng đó, nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần tuân thủ các quy định (Nghĩa vụ của người tiêu dùng) tại Điều 9 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 như kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng... Ngoài ra, người tiêu dùng cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục