Chỉ có 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn ngân hàng

11:34' - 24/09/2015
BNEWS Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn ngân hàng.

"Khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 30% trong khối doanh nghiệp này tiếp cận được với vốn ngân hàng".

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định như vậy tại hội thảo tín nhiệm tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức sáng 24/9 ở Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Quang Quyết/TTXVN

Cùng quan điểm trên, Tiến sỹ Nguyễn Đại Lai, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, do năng lực tín nhiệm thấp và sức cạnh tranh yếu nên phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều hoạt động theo phong trào hoặc phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp lớn và chính sách ưu đãi của Nhà nước. Cũng do nội lực yếu nên việc tiếp cận thị trường vốn cũng yếu theo.

Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai cũng cho hay, các ngân hàng thương mại rất quan tâm và coi khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa như là thị trường tiềm năng nhưng phụ thuộc rất lớn vào các điều kiện đảm bảo khoản vay của đối tượng khách hàng tiềm năng này.

Trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp nhưng lại thiếu các điều kiện đảm bảo tín dụng cho mình. Trong khi ngân hàng không thiếu vốn nhưng lại thiếu niềm tin trong quan hệ tín dụng.

Lý giải cho vấn đề này, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, việc vay vốn ngân hàng là kênh chủ yếu mà nhiều doanh nghiệp đang tập trung khai thác nhưng số doanh nghiệp tiếp cận được vốn không phải hoàn toàn thuận lợi và rộng khắp.

Một số doanh nghiệp không đủ điều kiện pháp lý do ngân hàng quy định. Một số không đủ kiến thức và trình độ chuyên môn triển khai và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này. Mặt khác, những thủ tục chưa thông thoáng, thiếu kịp thời làm mất thời cơ của doanh nghiệp nên có một số doanh nghiệp không hăng hái hoặc chưa khai thác được nguồn vốn này.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, đó là những yếu tố bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cộng với môi trường kinh doanh, những chính sách và cơ chế kinh tế chung chưa thực sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, chưa tạo nên yếu tố cạnh tranh lành mạnh.

Những yếu thế thường thuộc về doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là vấn đề sử dụng đất đai, ưu đãi về vốn và cách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Những tồn tại, khó khăn đó thời gian gần đây đã được Chính phủ phát hiện và tập trung xử lý nhưng chuyển biến và kết quả chưa tương xứng, khó khăn vẫn còn nhiều.

Tiến sỹ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định, có một thực tế không giải thích được là khi tiếp cận với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì ngân hàng ngần ngại cho vay.

“Muốn vay được vốn, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chứng tỏ được mình là người muốn trả nợ, tức là phải chứng tỏ là người đáng tin. Do đó, yếu tố anh có muốn trả nợ không là quyết định chứ không phải phương án vay”. - Tiến sỹ Lê Thẩm Dương nói.

Còn Tiến sỹ Nguyễn Đại Lai thì cho rằng, để được tiếp cận với vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải chứng minh mình là ai, mình làm gì, ở đâu, phải minh bạch thông tin tài chính, khả năng tài trợ.

Hiện cả nước có hơn 400.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Đây là hệ thống doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động./.

Đỗ Huyền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục