Chi phí sinh hoạt tại Nhật gia tăng, nguy cơ kìm hãm chi tiêu hộ gia đình

10:34' - 20/07/2025
BNEWS Khi các hộ gia đình tiếp tục vật lộn với chi phí sinh hoạt cao hơn, giá các mặt hàng thiết yếu tăng sẽ làm suy giảm tâm lý tiêu dùng. Xu hướng này "không tích cực" đối với chi tiêu của người dân.
Dữ liệu chính phủ vừa công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản trong tháng 6/2025 đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá gạo và các mặt hàng thực phẩm khác tiếp tục ở mức cao. Chỉ số này đã duy trì ở mức bằng hoặc cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) kể từ tháng 4/2022.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, tốc độ tăng của chỉ số CPI toàn quốc, sau khi không tính giá thực phẩm tươi sống dễ biến động, đã chậm lại lần đầu tiên sau bốn tháng. Mức tăng 3,3% trong tháng 6/2025 thấp hơn mức tăng 3,7% của tháng 5/2025, chủ yếu do chi phí năng lượng giảm.

Một chỉ số quan trọng khác là CPI lõi, không tính thực phẩm tươi sống và năng lượng dễ biến động, đã tăng 3,4% trong tháng 6/2025, cao hơn mức 3,3% của tháng trước. Bộ cho biết nguyên nhân chính là do chi phí viễn thông di động tăng cao.

Giá thực phẩm, không bao gồm các mặt hàng tươi sống, tăng 8,2%, cao hơn mức tăng 7,7% của tháng 5/2025, chủ yếu do chi phí các mặt hàng như gạo, sôcôla và hạt cà phê tăng vọt.

 
Đặc biệt, giá gạo, dù không lập đỉnh mới lần đầu tiên sau chín tháng, nhưng vẫn duy trì ở mức rất cao, tăng vọt 100,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng lớn thứ hai kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1971.

Ông Kentaro Matsuda, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, nhận định mặc dù giá gạo dường như đã đạt đỉnh, song chi phí ăn uống bên ngoài và các loại thực phẩm khác vẫn duy trì ở mức cao.

Ông Matsuda cũng cho rằng khi các hộ gia đình tiếp tục vật lộn với chi phí sinh hoạt cao hơn, giá các mặt hàng thiết yếu tăng sẽ làm suy giảm tâm lý tiêu dùng. Xu hướng này "không tích cực" đối với chi tiêu của người dân, một thành phần quan trọng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ngược lại, giá năng lượng chỉ tăng 2,9%, giảm đáng kể so với mức tăng 8,1% trong tháng 5/2025, một phần nhờ chi phí xăng dầu giảm sau các khoản trợ cấp của chính phủ được đưa ra vào cuối tháng 5/2025.

Hóa đơn điện thoại di động tăng 11,9% sau khi một số nhà mạng lớn tăng phí dịch vụ.

Dữ liệu lạm phát này sẽ là một trong những tài liệu quan trọng được xem xét tại cuộc họp chính sách của BoJ, dự kiến kéo dài hai ngày từ ngày 30/7.

Giá dịch vụ, một chỉ số được ngân hàng trung ương theo dõi chặt chẽ vì thường phản ánh mức tăng lương, đã tăng 1,5% trong tháng 6/2025, cao hơn mức 1,4% của tháng trước đó, chủ yếu do chi phí viễn thông tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục