Chỉ ra thách thức trong phát triển ngân hàng số

12:02' - 14/06/2019
BNEWS Sự phát triển nhanh chóng của ngân hàng số cùng hạ tầng và môi trường công nghệ thuận lợi đang kích thích sự bùng nổ số lượng và giá trị giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.

Tọa đàm “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù”. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Sáng 14/6, Báo Diễn đàn Đầu Tư (BizLIVE) đã tổ chức buổi tọa đàm chủ đề “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù”.

Theo BizLIVE, những dữ liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ đang diễn ra ở hầu hết các kênh giao dịch trên nền tảng các dịch vụ ngân hàng số. Khảo sát tại một số ngân hàng thương mại, tốc độ tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch, đặc biệt qua kênh điện thoại di động, ghi nhận cấp độ lên tới trên 1.000% chỉ trong một năm qua.

Sự phát triển nhanh chóng của ngân hàng số cùng hạ tầng và môi trường công nghệ thuận lợi đang kích thích sự bùng nổ số lượng và giá trị giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.

Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng Tiên phong (TPBank) cho biết, ngân hàng số là một định nghĩa rất rộng. Bởi, với mỗi ngân hàng, thậm chí với mỗi người đều tự có những định nghĩa riêng. Tuy nhiên, với TPBank, ngân hàng số không phải là internet banking hay online banking và cũng không phải là công nghệ ngân hàng hay là kênh thay thế.

Với TPBank, ngân hàng số là một mô hình kinh doanh ngân hàng, bao gồm các trụ cột. Đó là, sản phẩm mới, cách thức bán, kênh tiếp cận, cơ chế vận hành, phục vụ khách hàng và cơ chế kiểm soát rủi ro. Tất cả đều được trợ giúp bởi các nền tảng công nghệ mới. Ngân hàng số được cấu thành bởi ngân hàng và số, giúp phục vụ tất cả các mong muốn giao dịch trên kênh số. Từ đó, khách hàng không bị giới hạn bởi không gian, thời gian và có thể giao dịch trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, khái niệm ngân hàng số thường bị nhầm lẫn với khái niệm số hóa hoạt động ngân hàng truyền thống. Theo cách hiểu về số hóa hoạt động ngân hàng truyền thống thì các ngân hàng sẽ số hóa tất cả hoạt động và dịch vụ ngân hàng hiện hữu, nhưng cách hiểu này là không đủ. Bởi, ngân hàng số còn là mô hình kinh doanh mới, một cách tiếp cận mới với những giá trị mới, thay vì chỉ số hóa những thứ đã có.

Theo vị chuyên gia này, để phát triển ngân hàng số, điều quan trọng là phải đa dạng hóa các kênh để khách hàng dễ tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Giữa các kênh phải có sự kết nối chuyển tiếp thông tin đầy đủ, đảm bảo trải nghiệm khách hàng được ổn định. Điều quan trọng nhất là phải hình thành các hệ sinh thái phục vụ khách hàng, nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới.

Khi ngân hàng được số hóa sẽ tạo ra được nhiều cơ hội như: tăng doanh thu, tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thách thức đối với ngân hàng số là khung pháp lý, gia tăng cạnh tranh từ tổ chức phi tài chính (fintech, bigtech). Việc số hóa ngân hàng cũng tạo thách thức đối với khả năng bảo mật của hệ thống. Điều này đòi hỏi sự thay đổi và đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc cao cấp ngân hàng số Ngân hàng VPBank, ngân hàng số là con đường phát triển tất yếu của các ngành ngân hàng; trong đó, giá trị dữ liệu là tiền đề để phát triển.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ ra thách thức lớn nhất đối với sự phát triển ngân hàng số chính là niềm tin, thói quen khách hàng. Bên cạnh đó, cần phải giải quyết được việc xây dựng hệ sinh thái, mạng lưới số. Bởi khách hàng muốn sử dụng xuyên suốt tất cả các dịch vụ số cơ bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục