Chi tiêu kiểu Mỹ thời đại dịch

13:53' - 02/10/2021
BNEWS Tổng số tiền mà người tiêu dùng tại Mỹ đã tiết kiệm được kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát là khoảng 1.600 tỷ USD, nhiều hơn mức tương ứng nếu không có đại dịch.

Mối lo ngại về đại dịch COVID-19 tại Mỹ đang có chiều hướng giảm bớt khi tỷ lệ tiêm chủng gia tăng và nhiều khả năng các hoạt động kinh tế-xã hội của nước này có thể quay trở lại bình thường như trước đại dịch vào cuối năm nay.

Hoạt động tiêu dùng, vốn được coi là “xương sống” của nền kinh tế số một thế giới, đã bị kìm nén nhiều tháng qua do các hạn chế liên quan đến đại dịch, được dự báo cũng sẽ hồi phục trong thời gian tới. Bởi vậy, xu hướng tiêu dùng hậu COVID-19 sẽ ra sao là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Theo Deloitte State of the Consumer Tracker, một cuộc khảo sát toàn cầu về người tiêu dùng của công ty kiểm toán Deloitte, tổng số tiền mà người tiêu dùng tại Mỹ đã tiết kiệm được kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát là khoảng 1.600 tỷ USD, nhiều hơn mức tương ứng nếu không có đại dịch.

Do vậy, trong Dự báo về triển vọng kinh tế Mỹ mới nhất của Deloitte, mức chi tiêu tiêu dùng cá nhân thực tế (PCE) có thể sẽ tăng 7,6% vào năm 2021 và 3,9% vào năm 2022, một sự thay đổi hoàn toàn so với mức giảm 3,9% vào năm ngoái.

Theo khảo sát trên, dẫn đầu sự gia tăng trong chi tiêu của người dân Mỹ trong thời gian tới sẽ là các ngành dịch vụ. Người tiêu dùng đổ xô trở lại các quán rượu và nhà hàng yêu thích của họ, chi tiền cho các chuyến du lịch và kỳ nghỉ dưỡng, cũng như đi xem các sự kiện thể thao như họ vẫn làm trước đại dịch.

Sự dồn nén nhu cầu quá lâu trong thời kỳ phong tỏa xã hội cũng góp phần khiến người tiêu dùng dành một phần tiền tiết kiệm của mình cho các hoạt động du lịch và giải trí mà họ đã bỏ lỡ vào năm 2020.

Trong khi đó, việc một số văn phòng làm việc mở cửa đón nhân viên trở lại sau hơn một năm gián đoạn cũng thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ vận chuyển, cho dù mô hình làm việc kết hợp (nhân viên dành một phần thời gian trong tuần làm việc tại văn phòng và phần thời gian còn lại làm việc từ xa) có thể vẫn được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp.

Nhìn chung, chi tiêu cho dịch vụ trong năm 2021 có khả năng tăng 6,2% so với năm trước đó, và những động lực thúc đẩy đó có thể tăng tốc từ nửa cuối năm 2021 sang đến năm 2022.

Hàng hóa lâu bền, “trụ cột” chính trong danh mục chi tiêu của người dân Mỹ vào năm 2020, có thể sẽ không còn được ưa chuộng trong năm tới, khi mọi người chuyển hướng chi tiêu sang ngành dịch vụ. Không giống như chi tiêu cho một kỳ nghỉ hoặc đi xem một trận bóng chày, hàng hóa lâu bền luôn bị giới hạn về số lượng mà người tiêu dùng có thể mua.

Không phải ai cũng có thể thay một chiếc xe mới mỗi năm hoặc thường xuyên mua sắm thêm đồ nội thất cho ngôi nhà của họ. Tương tự, chi tiêu cho các thiết bị tập thể dục cũng sẽ giảm. Khi mối nguy về việc phong tỏa xã hội yếu dần, mọi người cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn cho việc ăn uống bên ngoài, việc dự trữ hàng tạp hóa và đồ gia dụng thiết yếu sẽ không còn được ưu tiên nữa.

Do đó, tăng trưởng chi tiêu cho cả hàng hóa lâu bền và hàng dùng thời gian ngắn có thể sẽ giảm bớt trong năm 2021 và 2022.

Thế giới sau COVID-19 sẽ có nhiều điểm chung với thế giới mà chúng ta đã sống trước đại dịch, nhưng một số thứ có thể sẽ thay đổi vĩnh viễn, ngay cả khi đại dịch đã đi qua. Điều này có thể sẽ tác động đến cách thức chi tiêu của người tiêu dùng trong trung hạn và dài hạn.

Trong tương lai, người đi làm có thể vẫn kết hợp giữa mô hình làm việc trực tiếp và làm việc từ xa. Sự thay đổi đó có thể sẽ thúc đẩy người tiêu dùng quan tâm hơn đến những ngôi nhà dành cho một gia đình ở vùng ngoại ô hơn là những căn hộ dành trong thành phố.

Việc chuyển sang những ngôi nhà lớn hơn, với không gian thích hợp cho một văn phòng thu nhỏ tại nhà sẽ dẫn đến việc chi tiêu nhiều hơn cho đồ nội thất văn phòng tại nhà và các dịch vụ tiện ích gia đình so với trước đại dịch.

Cuộc sống ở các vùng ngoại ô cũng có thể dẫn đến sự gia tăng nhu cầu sở hữu ô tô do nhu cầu di chuyển cao hơn. Ngoài ra, mọi người - ngay cả những người sống trong thành phố - cũng có xu hướng sở hữu ô tô riêng bởi họ có thể cảm thấy an toàn hơn là phải chia sẻ không gian với những người xa lạ trong giai đoạn đại dịch. Do đó, hầu hết người tiêu dùng sẽ ít tham gia vào các dịch vụ chia sẻ xe và phương tiện công cộng so với năm 2019.

Tác động của đại dịch lên thu nhập và tình hình tài chính của mọi người dân rất sâu sắc và tiếp tục được thể hiện rõ ràng từ các xu hướng chi tiêu mới nhất trong cuộc khảo sát người tiêu dùng của Deloitte. Nếu tình trạng bất bình đẳng tài chính, vốn trở nên trầm trọng hơn do đại dịch, không giảm bớt trong vài năm tới, sự phân hóa trong giỏ chi tiêu giữa những người ở phía trên cùng và những người ở dưới cùng của thang thu nhập sẽ ngày càng gia tăng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục