Nước Mỹ trước bài toán đầu tư công hậu đại dịch

15:01' - 01/10/2021
BNEWS Theo Moody's Analytics, kế hoạch chi ngân sách 3.500 tỷ USD và Đạo luật Việc làm và Đầu tư Hạ tầng 1.000 tỷ USD của Chính phủ sẽ đưa kinh tế Mỹ lên mức toàn dụng và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19, các nhà lập pháp của nước Mỹ đang phải nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung trong các lựa chọn chi tiêu nhằm củng cố nền tảng của nền kinh tế, thúc đẩy những động lực tăng trưởng tiềm năng.

Những cuộc tranh cãi kéo dài cho đến nay chưa ngã ngũ, dù vẫn có những nhận định lạc quan rằng cuối cùng các dự luật sẽ được chuyển tới Tổng thống để ký ban hành.

*Đầu tư để củng cố nền tảng

Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi sau đại dịch, nhưng lại dựa trên những nền tảng mỏng manh. Khi sự phục hồi kinh tế diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sớm bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng cùng các gói chi tiêu kích thích.

Trong khi đó, sự lây lan của biến thể Delta đã một lần nữa làm giảm nhu cầu chi tiêu trong các lĩnh vực nhạy cảm với đại dịch như du lịch, lữ hành và khách sạn. Hơn nữa, sự phục hồi dường như vẫn chưa lan tỏa đến những người lao động từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc "suy thoái kép", đặc biệt là những người không có trình độ đại học, phụ nữ có mức lương thấp và người da màu ở các khu vực dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn ở mức thấp, phần lớn do việc đóng cửa trường học đã buộc nhiều cha mẹ (chủ yếu là phụ nữ) phải ở nhà để chăm sóc con cái. Trong khi đó, các gói trợ cấp thất nghiệp của chính phủ cũng đã hết hạn trong tháng Chín.

Trong bối cảnh đó, kế hoạch chi ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD dự kiến tập trung vào các khoản đầu tư hạ tầng "mềm". Trong số này, 726 tỷ USD tập trung nâng cao các dịch vụ mầm non, chăm sóc trẻ em cho các gia đình lao động, miễn học phí, tăng tài trợ cho các trường đại học và cao đẳng dành cho người da đen, đồng thời mở rộng các khoản trợ cấp Pell (trợ cấp liên bang cho các sinh viên có thu nhập thấp) và chăm sóc sức khỏe từ sớm.

Ngoài ra, hơn 300 tỷ USD sẽ được sử dụng để nâng cấp các dịch vụ nhà ở công cộng, Quỹ Tín thác Nhà ở, nâng cao khả năng chi trả mua nhà, vốn chủ sở hữu và quỹ đất cộng đồng.

Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, công bằng, kế hoạch cũng bao gồm gần 200 tỷ USD phát triển năng lượng sạch và 135 tỷ USD để giải quyết nạn cháy rừng, hạn hán và các thách thức khác do khí hậu gây ra.

Kế hoạch 3.500 tỷ USD sẽ được tài trợ bằng các chính sách thu thuế mới, bên cạnh việc tăng cường thực thi thuế, tiết kiệm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tăng thu từ triển vọng phát triển dài hạn.

Trong khi đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Việc làm và Đầu tư Hạ tầng (IIJA) trị giá 1.000 tỷ USD, với đa số đồng thuận. Đạo luật này tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền thống, với cam kết đầu tư khoảng 550 tỷ USD vào các hạng mục như cầu đường, hạ tầng cấp nước và băng thông rộng. Dự luật cũng bao gồm các khoản đầu tư liên quan đến bảo vệ khí hậu như nâng cấp hạ tầng truyền tải năng lượng sạch và xe điện.

Các khoản đầu tư này sẽ được chi trả thông qua quỹ cứu trợ khẩn cấp chưa sử dụng, phí sử dụng do doanh nghiệp đóng, việc tăng cường thực thi thuế và nguồn thu từ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Một báo cáo gần đây của Moody's Analytics kết luận rằng trong thập kỷ tới, kế hoạch chi ngân sách 3.500 tỷ USD cùng với IIJA của Chính phủ Mỹ sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi, đưa kinh tế Mỹ lên mức toàn dụng, tạo ra 20 triệu việc làm và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Trong đó, lợi ích chủ yếu dành cho các gia đình có thu nhập thấp và trung bình.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cảnh báo IIJA có thể làm tăng thâm hụt tài khóa của Mỹ thêm 256 tỷ USD trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, các khoản vay bổ sung để tài trợ cho hạ tầng đã được đảm bảo, do chi phí thực của khoản vay liên bang hiện nằm trong khoảng 2%, trong khi lợi tức đầu tư vào hạ tầng vật chất dự kiến ở mức khoảng 7%.

*Còn những trở ngại

Dù đã qua "ải" Thượng viện, IIJA tiếp tục cần được Hạ viện thông qua. Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng đạt được khi dự luật không có được sự ủng hộ của các thành viên đảng Cộng hòa, trong lúc giữa các thành viên đảng Dân chủ cũng có sự chia rẽ.

Hiện vẫn còn nhiều chi tiết cần được bàn thảo, trong khi các cuộc đàm phán đầy gai góc về tài chính và các hạng mục đầu tư phi cơ sở hạ tầng (bao gồm cả nhập cư) cũng còn chưa ngã ngũ.

Bên cạnh đó, IIJA chỉ đầu tư vào các tài sản hữu hình, trong khi việc nâng cao nguồn nhân lực cũng là rất cần thiết để đạt được tăng trưởng đồng đều và bền vững. Do đó, Quốc hội Mỹ cần một kế hoạch lớn và táo bạo hơn, tập trung vào phát triển các yếu tố như con người, sự năng động của nền kinh tế cùng khả năng chống chịu với tình trạng biến đổi khí hậu.

Về gói chi tiêu lớn theo đề xuất của Tổng thống Joe Biden, đảng Dân chủ sẽ phải thuyết phục được các nghị sỹ ôn hòa của đảng này như các Thượng nghị sỹ Joe Manchin của bang Tây Virginia và Kyrsten Sinema của bang Arizona ủng hộ dự luật. Hai nghị sỹ này đã đặt vấn đề về quy mô và phạm vi của dự luật.

Trong phát biểu ngày 17/9, Tổng thống Biden tin tưởng Quốc hội sẽ thông qua cả dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng và dự luật chi tiêu bổ sung, khi các nghị sỹ đảng Dân chủ nỗ lực rót hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ. Ông tin tưởng rằng, "dù còn một chặng đường dài phía trước, Quốc hội Mỹ sẽ chuyển các dự luật nói trên để ông ký ban hành".

Tuy nhiên, các đảng viên cấp cao của đảng Dân chủ ngày 19/9 cho biết họ có thể sẽ cần phải thu hẹp quy mô dự luật chi tiêu 3.500 tỷ USD, trong khi việc thông qua dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng có thể bị trì hoãn, cho tới khi dự luật chi tiêu được phê chuẩn. Đây là động thái nhằm đảm bảo rằng các đảng viên Dân chủ ôn hòa ủng hộ dự luật.

Phát biểu trên cho thấy những khó khăn mà đảng Dân chủ phải đối mặt trong việc thông qua chương trình nghị sự sâu rộng của Tổng thống, với sự phản đối mạnh mẽ của những nhà lập pháp có quan điểm "cứng rắn" của đảng Cộng hòa.

Căng thẳng hiện đang bao trùm các cuộc họp kín của đảng Dân chủ khi các đảng viên của đảng này đang bị chia rẽ mạnh mẽ về quy mô của gói chi tiêu. Thượng nghị sỹ Manchin đã bày tỏ sự phản đối quy mô lớn của gói đầu tư này. Ông nói sẽ ủng hộ mức chi trong khoảng 1.000-1.500 tỷ USD.

Điều này cho thấy con đường khó khăn mà Lãnh đạo phe Đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và ông Biden sẽ phải đối mặt để có thể thuyết phục ông Manchin và các nghị sỹ Dân chủ có quan điểm ôn hòa khác.

Một nhà vận động hành lang thạo tin cho hay các nghị sỹ Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đang lạc quan rằng một dự luật sẽ được thông qua và được trình lên Tổng thống Biden để ký ban hành thành luật. Nhưng dự luật này có khả năng sẽ chỉ nằm trong khoảng 2.000 tỷ USD.

Trong khi đó, khi các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã từ chối ủng hộ hoặc thương lượng về dự luật chi tiêu, các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đang tiến tới việc sử dụng lộ trình đồng nhất ý kiến về ngân sách nhằm thông qua dự luật với đa số phiếu tán thành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục