Chi tiêu tiêu dùng của hộ gia đình Nhật Bản có xu hướng giảm

10:57' - 06/06/2023
BNEWS Chi tiêu dùng có liên quan đến hoạt động ngoài trời gia tăng, nhờ xu hướng bình thường hóa hoạt động xã hội sau thời gian bị hạn chế nhằm phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Nội vụ, Thông tin và Truyền thông Nhật Bản ngày 6/6 đã công bố khảo sát cho thấy chi tiêu của các hộ gia đình có từ hai nhân khẩu trở lên tại Nhật Bản trong tháng 4/2023 chỉ ở mức 203.076 yen (khoảng 1.455 USD), giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước và là tháng giảm thứ hai liên tiếp.

 

Chi tiêu tiêu dùng nói chung trong tháng 4/2023 đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2021 (giảm 6,5%). Trong danh mục 10 mặt hàng tiêu dùng chủ yếu, có sáu mặt hàng ghi nhận mức sụt giảm, trong đó, chi cho lương thực giảm 1,1%, do phản ứng từ xu hướng mua tích trữ trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2022. Chi cho các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn giảm  5,6%, trong đó, mặt hàng hải sản giảm tới 8,7%.

Các sản phẩm giáo dục ghi nhận mức chi tiêu giảm 19,5%. Chi cho các dịch vụ viễn thông liên lạc giảm 8,3%, nhờ các chương trình giảm giá gói cước điện thoại của các hãng viễn thông tại Nhật Bản.

Chi tiêu dùng có liên quan đến hoạt động ngoài trời gia tăng, nhờ xu hướng bình thường hóa hoạt động xã hội sau thời gian bị hạn chế nhằm phòng chống dịch COVID-19.

Chi phí giao thông tăng 27,4%, trong khi chi cho hoạt động ăn uống bên ngoài tăng 12,9%. Chi phí cho dịch vụ giải trí, bao gồm kinh phí cho các gói du lịch nội địa và nước ngoài, tăng 13,1%.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, ông Toshihiro Nagahama, mức giảm chi tiêu dùng hộ gia đình điều chỉnh theo mùa của tháng 4/2023 so với tháng 3/2023 là 1,3% và mức giảm danh nghĩa chỉ là 0,5%.

Nhìn vào mức độ đóng góp theo mặt hàng, có thể xác nhận hiệu quả từ việc mở cửa trở lại sau dịch COVID-19, khi chi phí đi lại, thực phẩm, giao thông đều đóng góp tích cực.

Tuy nhiên, chi phí liên lạc, giáo dục đang là yếu tố tác động tiêu cực và điều này có thể dẫn đến xu hướng người tiêu dùng điều chỉnh các hợp đồng điện thoại, kiềm chế chi tiêu trong lĩnh vực giáo dục, nhằm giảm gánh nặng chi tiêu trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục