Chia sẻ các giải pháp tiết kiệm nhà ở xã hội

12:18' - 21/11/2018
BNEWS Đến nay đã có 55 tỉnh, thành phố đã cho vay chương trình nhà ở xã hội với 2.000 hộ được vay vốn, dư nợ đạt gần 500 tỷ đồng, bình quân một hộ được vay gần 261 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm nhà ở. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Sáng 21/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách Xã hội phối hợp với Ngân hàng tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwabisch Hall AG (BSH), Cộng hòa Liên bang Đức, tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm nhà ở”.

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”.

Nhờ đó, mặc dù có những thời điểm khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là lĩnh vực nhà ở xã hội.

Cùng với đó, các chương trình nhà ở xã hội mà Ngân hàng Chính sách Xã hội đã triển khai trong suốt nhiều năm qua luôn nhận được sự quan tâm từ Chính phủ, các bộ ban ngành liên quan. Từ đó, đạt những kết quả rõ rệt trong việc hướng dẫn người nghèo tích cực tham gia cùng Nhà nước và cộng đồng trong việc xây dựng nhà ở cho chính mình.

Do có nhà ở an toàn, ổn định các hộ nghèo đã yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tại hội thảo, ông Michael Dorner, Giám đốc các dự án Hợp tác quốc tế của BSH đã chia sẻ kinh nghiệm của BSH về cho vay tiết kiệm nhà ở và những khuyến nghị cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Theo ông Michael Dorner, nguồn vốn huy động của BSH là từ đóng góp của người lao động thông qua hợp đồng tiết kiệm. Khách hàng có nhu cầu nhà ở trong tương lai thỏa thuận với BSH về mức tiền tiết kiệm và thực hiện tiết kiệm hàng tháng với lãi suất cố định. Khi đã tiết kiệm được tối thiểu 50% giá trị nhà ở cần mua, khách hàng được vay 50% còn lại với lãi suất thấp, cố định đã thỏa thuận khi ký hợp đồng tiết kiệm.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nguyễn Văn Lý cho hay, hội thảo này góp phần khắc họa rõ nét hơn bức tranh mô hình tiết kiệm nhà ở - kinh nghiệm của Cộng hoà liên bang Đức và các nước trên thế giới. Đồng thời giới thiệu hệ thống pháp luật bảo vệ người gửi tiền tiết kiệm nhà ở cũng như các nguyên lý hoạt động của hệ thống tiết kiệm nhà ở và kinh nghiệm phát triển ngân hàng tiết kiệm nhà ở của Cộng hoà liên bang Đức tại các nước Đông Âu và Trung Quốc. Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Việt Nam là chương trình cho vay mới, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang từng bước hoàn chỉnh các biện pháp, thể chế tạo thuận lợi quản lý nguồn vốn.

Thông tin về chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Ban Tín dụng Học sinh Sinh viên và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, đến nay đã có 55 tỉnh, thành phố đã cho vay với 2.000 hộ được vay vốn, dư nợ đạt gần 500 tỷ đồng, bình quân một hộ được vay gần 261 triệu đồng.

Theo đó, các chi nhánh triển khai cho vay tốt như: Quảng Nam 40 tỷ đồng, thành phố Đà Nẵng 32 tỷ đồng, Bắc Giang 26 tỷ đồng, Bắc Ninh 22 tỷ đồng, Hưng Yên 13 tỷ đồng, Thanh Hóa 12 tỷ đồng... Dự kiến, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ hoàn thành kế hoạch cho vay năm 2018 được giao là 1.000 tỷ đồng.

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng bày tỏ, hiện nay do nguồn vốn còn hạn chế, điều kiện thu nhập của người lao động còn thấp, giá nhà biến động lớn trong dài hạn. Vì vậy, để thúc đẩy thị trường và đặc biệt là giải quyết vấn đề nhà ở cho đại bộ phận nhân dân, bên cạnh vai trò của Nhà nước và ngân hàng, giải pháp khuyến khích, nâng cao ý thức tiết kiệm tiền lo nhà ở trong nhân dân cần được nhấn mạnh và có chính sách khuyến khích.

Việc tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tiết kiệm nhà ở cho người thu nhập thấp mua, thuê mua nhà ở xã hội là phù hợp. Từ đó, đỡ một phần gánh nặng cho ngân sách và là một bước triển khai cụ thể về nhà ở xã hội.

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu về nhà ở xã hội tại Việt Nam là rất lớn đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh có đô thị, khu công nghiệp phát triển.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, tại các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và khoảng 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Đến năm 2020 cần xây dựng được 12,5 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người thu nhập thấp ở các đô thị và công nhân khu công nghiệp.

Ông Vũ Văn Phấn kiến nghị, các Bộ, ngành có liên quan cần báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung thêm nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để có đủ nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội trong thời gian tới. Có như vậy mới tăng được nguồn cung về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp mới có điều kiện cải thiện chỗ ở, góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội.

Hiện Ngân hàng Chính sách Xã hội đang triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách, trong đó có 4 chương trình dành cho vay về nhà ở như: cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; cho vay nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long và chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Riêng các chương trình tín dụng về nhà ở xã hội đến hết tháng 10/2018 đã có tổng doanh số cho vay 7.611 tỷ đồng, trên 682.000 hộ được vay vốn, dư nợ đạt 6.397 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã xây dựng 568.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên 13.000 căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền trung; gần 2.000 hộ vay mua, xây nhà xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục