Chiến lược đưa hàng nông sản sang trời Âu

16:02' - 10/08/2022
BNEWS Tỉnh Gia Lai hiện có trên 311.000 ha diện tích cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả và cây dược liệu; trong đó, có gần 230.000 ha cây trồng “chất lượng cao”.

Trước lợi thế đó, tỉnh Gia Lai đã và đang hoạch định chiến lược rõ ràng để đưa mặt hàng nông sản vươn tầm trời Âu.

* Tiềm năng lớn

Gia Lai là một tỉnh có diện tích lớn thứ 2 cả nước, có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Xác định được lợi thế, trong nhiều năm qua, tỉnh Gia Lai đã tập trung đầu tư phát triển mạnh loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu, cao su… Từ đó, tạo tiền đề xây dựng các vườn cây “chất lượng cao”, đủ các điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài.

Cây cà phê tại Gia Lai được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với gần 98.000 ha; trong đó đáng chú ý là có trên 36.500 ha đạt các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance.

Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 190.556 ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance.

Bên cạnh đó, hiện nay, tỉnh Gia Lai đã có 55 mã số vùng trồng, và 21 cơ sở đóng gói được Cục Bảo vệ thực vật cấp chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Trong đó, có 6 mã số vùng trồng xoài, 9 mã số vùng trồng dưa hấu, 8 mã số vùng trồng thanh long, 10 mã số vùng trồng mít, 18 mã số vùng trồng chuối.

Có được những tiềm năng lớn, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai đã mạnh dạn đầu tư mở rộng vườn cây, cơ sở; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đảm bảo các tiêu chí khắt khe để hướng tới các thị trường ngoài nước. Hợp tác xã sản xuất, Thương mại, Dịch vụ du lịch và Nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) là một trong số đó.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Ia Mơ Nông, hiện nay, chúng tôi đã có gần 300 ha cà phê của các thành viên liên kết đạt chuẩn 4C, Organic. Ngoài ra còn có khoảng hơn 500 ha sầu riêng chất lượng cao. Với thị trường hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đặt vấn đề thu mua nông sản, vì thế chúng tôi đang xây dựng mục tiêu chính là hướng đến thị trường xuất khẩu. Để làm được điều này, hợp tác xã đang hoàn thiện 8 mà vùng trồng cho gần 200 ha chanh leo để hướng đến xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc.

 

Bên cạnh các đơn vị, doanh nghiệp mới “chân ước, chân ráo” làm quen với thị trường xuất khẩu thì Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã gặt hái được nhiều quả ngọt đối với thị trường châu Âu. Đến thời điểm hiện tại, Vĩnh Hiệp trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 của cả nước. Với những thế mạnh hiện có, Vĩnh Hiệp đã đặt ra kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022 của doanh nghiệp đạt 250 triệu USD, tăng 40% so với năm 2021.

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp cho biết, thị trường châu Âu rất giàu tiềm năng, nhưng để các nước bạn chấp nhận nhập hàng của chúng ta thì phải cần rất nhiều yếu tố; trong đó, nguồn nguyên liệu là yếu tố quyết định. Chính vì vậy, chúng tôi đang triển khai xây dựng những vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn khắt khe nhất hướng tới các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

* Nỗ lực đưa nông sản vươn tầm

Với những tiềm năng, lợi thế đó, tỉnh Gia Lai đang tập trung chú trọng xây dựng các vùng nguyên liệu có chất lượng. Đặc biệt, tập trung xây dựng các diện tích cây trồng đạt chứng nhận để xuất khẩu.

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, hiện Gia Lai có gần 230 ha cây trồng theo các tiêu chuẩn nhưng mới chỉ có hơn 46.000 ha đạt chứng nhận để xuất khẩu. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Gia Lai tập trung mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu và phải phù hợp với từng loại cây trồng.

Bên cạnh đó, Gia Lai cũng sẽ tập trung thực hiện tốt các liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng tốt nhất cho thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, bên cạnh xây dựng cơ sở nguồn nguyên liệu đạt chuẩn để xuất khẩu, việc tìm kiếm thị trường phù hợp, tiềm năng lâu dài cũng được tỉnh Gia Lai chú trọng.

Theo ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, hiện nay, Việt Nam đã ký rất nhiều các hiệp định thương mại để đưa nông sản xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ... Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thị trường mà chúng ta còn bỏ ngỏ như các nước châu Phi, Bắc Mỹ… để có thể giúp nông sản vươn xa hơn. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất Nhập khẩu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng như Tham tán thương mại các nước thường xuyên tổ chức thông tin về thị trường cho các đơn vị xuất khẩu trong tỉnh.

“Hiện Gia Lai đã có 30 doanh nghiệp xuất khẩu, đưa nông sản chinh phục thị trường gần 40 quốc gia; trong đó, 3 doanh nghiệp lớn đang tạo được uy tính trên thị trường thế giới như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty cổ phần chè Biển Hồ”- ông Binh vui mừng nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục