Chiều 23/5 giá vàng giảm phiên thứ ba liên tiếp

16:42' - 23/05/2024
BNEWS Trong phiên chiều 23/5 tại châu Á, giá vàng giảm phiên thứ ba liên tiếp, với mức giảm 0,6%, xuống 2.365,49 USD/ounce. Trong khi đó, giá dầu tiếp tục đà giảm, các thị trường chứng khoán cũng lùi bước.
Trong phiên 23/5, một số chỉ số chứng khoán châu Á giảm điểm, trong khi giá vàng và dầu mỏ tiếp tục đà đi xuống trong những phiên gần đây, khi không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

* Giá vàng giảm phiên thứ ba liên tiếp

 
Giá vàng giảm phiên thứ ba liên tiếp, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp gần đây nhất, cho thấy một số quan chức ủng hộ việc tăng lãi suất.

Giá vàng giao ngay giảm 0,6%, xuống 2.365,49 USD/ounce vào lúc 13 giờ 38 phút (theo giờ Việt Nam). Giá kim loại quý này chạm mức cao kỷ lục 2.449,89 USD/ounce trong phiên 20/5. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 1,1%, xuống 2.367,6 USD/ounce.

Dù Fed giữ nguyên lãi suất, biên bản cuộc họp của Fed cho thấy khả năng tăng lãi suất cũng đã được thảo luận. Các nhà giao dịch ngày càng nghi ngờ vào khả năng Fed hạ lãi suất ít nhất một lần trong năm nay, với 72% khả năng hạ vào tháng 11/2024.

Theo nhà phân tích thị trường Tim Waterer tại KCM Trade, giá vàng có thể quay lại ngưỡng 2.355 USD/ounce, nếu đồng USD tiếp tục lên giá.

Tại Việt Nam, đầu giờ chiều 23/5, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 87,8 - 89,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)./.

* Giá dầu giảm phiên thứ tư liên tiếp

Giá dầu giảm phiên thứ tư liên tiếp sau khi biên bản cuộc họp của Fed cho thấy khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nếu lạm phát vẫn cao đã được thảo luận, một động thái có thể làm giảm nhu cầu dầu.

Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 20 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 81,7 USD/thùng vào lúc 13 giờ 51 (theo giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ kỳ hạn giảm 29 xu Mỹ, hay 0,4%, xuống 77,28 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều giảm hơn 1% trong phiên trước.

Theo biên bản cuộc họp của Fed, Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ hiện hành khi lạm phát vẫn cao nhưng cũng thảo luận về khả năng tăng lãi suất.

Lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí vay mượn, hạn chế nguồn tài chính có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu ở quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới.

Một yếu tố cũng gây sức ép lên thị trường là dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 1,8 triệu thùng trong tuần trước, trong khi được ước tính giảm 2,5 triệu thùng.

Trong khi đó, Nga cho biết đã vượt hạn ngạch sản lượng mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh đề ra trong tháng 4/2024 vì những lý do kỹ thuật.

* Các thị trường chứng khoán châu Á lùi bước

Một số chỉ số chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 23/5, khi các hoạch định chính sách tại các nền kinh tế lớn ủng hộ việc kiên nhẫn trong vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ do lạm phát vẫn cao.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,26%, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của Australia mất 0,5%.

Chốt phiên, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1,33%, xuống 3.116,39 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,7%, hay 326,89 điểm, xuống 18.868,71 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,06%, hay 1,65 điểm, xuống 2.721,81 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,26%, hay 486,12 điểm, lên 39.103,22 điểm.

Biên bản cuộc họp gần đây nhất của Fed cho thấy quan điểm ủng hộ lãi suất cao, lạm phát tại Anh cao và đánh giá của Ngân hàng trung ương New Zealand về vấn đề lạm phát đã khiến các nhà đầu tư giảm dự báo về tốc độ và mức độ hạ lãi suất trên toàn cầu trong năm nay.

Theo biên bản cuộc họp của Fed, các quan chức đề cập đến việc có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để có thể kiểm soát hoàn toàn được lạm phát, khi lạm phát đầu năm nay ở mức cao. 

Số liệu công bố ngày 22/5 cho thấy lạm phát tại Anh giảm chậm hơn dự kiến và chỉ số lạm phát lõi giảm nhẹ. Một ngày trước đó, Ngân hàng Dự trữ New Zealand cảnh báo sẽ chưa hạ lãi suất cho đến năm 2025, khi kết thúc cuộc họp chính sách với quyết định giữ nguyên lãi suất.

Theo nhà phân tích về thị trường tài chính tại Kyle Rodda, Capital.com, điều đang được quan tâm vẫn là về chính sách của các ngân hàng trung ương, liên quan đến mức lãi suất cần duy trì để kiểm soát lạm phát.

Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên 23/5, VN-Index tăng 14,12 điểm lên 1.281,03 điểm. HNX-Index tăng 1,76 điểm lên 246,91 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục