Chile đã tránh được suy thoái kinh tế

08:58' - 19/03/2024
BNEWS Ngày 18/3, Tổng thống Chile Gabriel Boric xác nhận nền kinh tế nước này đã tránh được suy thoái kinh tế trong năm 2023, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 0,2%.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Boric khẳng định nền kinh tế Chile đã tăng trưởng bất chấp hàng loạt khó khăn gặp phải trong năm vừa qua. Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này khẳng định năm 2024 sẽ là một năm “nền kinh tế cất cánh”, với kỳ vọng về tăng trưởng bền vững trong những năm tới.

Ngân hàng trung ương Chile (BCCH) trước đó công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 0,4% trong quý IV/2023, cao hơn nhiều so với dự báo của các công ty tư vấn tài chính đưa ra trước đó. Nhờ kết quả khả quan này, nền kinh tế Chile trong năm 2023 đã tăng trưởng dương bất chấp nhu cầu trong nước và thương mại sụt giảm mạnh, ở mức lần lượt là 4,2% và 3,5%.

 

Theo BCCH, tăng trưởng các lĩnh vực năng lượng, dịch vụ cá nhân, và giao thông vận tải đã hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế Chile trong năm 2023. Cùng với đó, việc Chính phủ áp dụng quyết liệt biện pháp tăng lãi suất cơ bản đã giúp kéo giảm lạm phát về mức 3,9% - chỉ số tốt nhất trong số 5 nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Chile Mario Marcel nhấn mạnh các chỉ số kinh tế được BCCH công bố cho thấy lạm phát đã được kiểm soát và cán cân thanh toán tài khoản vãng lai đã trở lại mức trung bình, qua đó giúp Chile có một sự khởi đầu mới góp phần giải quyết những thách thức về kinh tế trong năm 2024.

BCCH ước tính GDP của Chile sẽ tăng từ trong khoảng 1,25%-2,25% trong năm nay, trong khi Chính phủ của Tổng thống Boric tỏ ra lạc quan hơn với mục tiêu tăng trưởng 2,5%.

Sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào năm 2021 (11,7%), nền kinh tế Chile đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại vào đầu năm 2022. Trong năm 2022, tăng trưởng GDP của quốc gia Nam Mỹ này chỉ đạt 2,4%.

Các chương trình mà Chính phủ Chile phê duyệt để đối phó với những tác động kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19 khiến lạm phát tăng mạnh. Quốc gia Nam Mỹ này khép lại năm 2021 với lạm phát lên tới 7,2% - mức cao nhất trong vòng 14 năm, và đạt đỉnh 14,1% vào tháng 8/2022, khiến BCCH phải liên tục tăng lãi suất cơ bản và nhanh chóng rút lại các gói kích thích tiền tệ mà nước này đã áp dụng khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3/2020.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục