Chính phủ Anh được trao thêm quyền trong cuộc chiến chống dịch COVID-19

11:19' - 24/03/2020
BNEWS Đêm 23/3, Hạ viện Anh đã thông qua dự luật khẩn cấp mới trao thêm quyền hạn cho chính phủ nước này trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Việc dự luật chống virus SARS-CoV-2 được thông qua chỉ trong 1 ngày cho thấy quốc gia châu Âu này đang khẩn trương ứng phó với tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi tại nước này.

Theo dự luật SARS-CoV-2 dài 329 vừa được thông qua, cảnh sát được trao quyền đóng cửa các sự kiện và buộc mọi người về nhà, sử dụng quyền hạn can thiệp vào cuộc sống ở Anh chưa từng được áp dụng kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Trong khi đó, các nhân viên cảnh sát, y tế và di trú được phép bắt giữ những người từ chối tuân theo chỉ dẫn y tế, cảnh sát và nhân viên công vụ có quyền cưỡng chế việc thực thi các hạn chế về y tế công cộng. Những đối tượng vi phạm có thể chịu mức phạt 1.000 bảng Anh (1.155 USD).

Các sự kiện và hội họp sẽ buộc phải hủy bỏ hoặc hạn chế trong tình huống cần kiểm soát dịch bệnh. Dự luật cũng cho phép đăng ký khẩn cấp đối với các dịch vụ y tế và chuyên gia chăm sóc như y tá, nữ hộ sinh, nhân viên y tế và nhân viên xã hội. 

Đánh giá về tính nghiêm trọng của dịch COVID-19, Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc xã hội Anh, Matt Hancock cho rằng SARS-CoV-2 là vấn đề y tế khẩn cấp nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt trong 1 thế kỷ.

Chính phủ Hà Lan ngày 23/3 đã bổ sung các biện pháp chống dịch lây lan như cấm tất cả các sự kiện hội họp và tụ tập đông người.

Các biện pháp này có hiệu lực cho đến ngày 1/6. Cơ quan chức năng sẽ phạt các cửa hàng không đóng cửa theo quy định và những người không thực hiện dãn cách xã hội. 

Cyprus cùng ngày thông báo cấm mọi hoạt động tại khu vực bãi biển và công viên trong nỗ lực tăng cường biện pháp hạn chế dịch chuyển nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.

Nước này cũng đã thông báo về việc đóng cửa các chợ ngoài trời, hoạt động tại các trung tâm thể dục thể thao, địa điểm tôn giáo và khu vực dã ngoại sẽ phải hạn chế tối đa từ ngày  24/3 đến 13/4.

Nhà chức trách Cyprus cảnh báo hệ thống y tế của nước này có nguy cơ "sụp đổ" nếu người dân phớt lờ các quy định này.

Pháp cũng chuẩn bị công bố các biện pháp tương tự.  Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết ông sẽ sớm ký sắc lệnh cấm  hạn chế tối đa các hoạt động thể dục thể thao và đóng cửa các chợ ngoài trời, bên cạnh lệnh phong tỏa hiện đã áp đặt trong gần 1 tuần qua.

Theo đó, mọi hoạt động vui chơi, thể dục thể thao của trẻ em và người lớn chỉ được diễn ra trong phạm vi 1km quanh nơi ở, diễn ra trong thời gian 1 giờ/1 ngày. 

Trong khi đó, Hy Lạp đã quyết định tạm ngừng mọi chuyến bay cất cánh từ Anh và gần như mọi chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến nước này cho đến ngày 15/4. Các chuyến bay trở công dân Hy Lạp không thuộc diện thực hiện quy định này.

Cùng với đó, Chính phủ Hy Lạp kêu gọi người tình nguyện tham gia cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 cùng với lực lượng y tá, bác sĩ đã được triển khai tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Người tình nguyện có thể là bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia tâm lý, sinh viên y khoa và những nhà  nghiên cứu về y tế đã nghỉ hưu.

Việc các nước châu Âu tích cực bổ sung các biện phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra trong bố cảnh dịch vẫn tiếp tục lây lanh nhanh và mạnh tại "lục địa già" này.

Theo tin của AFP, tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang nghiêm trọng nhất với tổng số ca nhiễm là 185.413, bao gồm 10.114 ca tử vong. Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Đức tiếp tục là những điểm nóng của dịch COVID-19 tại châu Âu.

Riêng trong ngày 23/3, Thụy Sĩ thông báo có thêm 1.046 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 6 ca tử vong.

Hiện tổng số ca nhiễm virus corona ở nước này lên tới 8.060 ca và tổng số ca tử vong là 66.

Italy cũng đang thực hiện cách ly tàu Costa Cruises chở hơn 700 khách sau khi 1 hành khách trên tàu này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục