Chính sách cho phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

17:15' - 03/06/2016
BNEWS So với các doanh nghiệp lớn hay các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện còn gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh như tín dụng, thị trường,...
Các diễn giả phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Giải pháp nào giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại và phát triển là chủ đề của hội thảo “Chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ - tầm nhìn và hành động” được Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển tổ chức sáng 3/6 tại Hà Nội.

Cả nước hiện có khoảng 400.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp; đóng góp 40% GDP và tạo việc làm cho 52% người lao động.

Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ là động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là chủ thể của các phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự hòa nhập của nền kinh tế tham gia sâu và rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp lớn hay các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện còn gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh như tín dụng, thị trường, mặt bằng sản xuất kinh doanh, thông tin..., bên cạnh những khó khăn nội tại khác như hạn chế về quy mô, năng lực và trình độ quản trị doanh nghiệp.

Tổng hợp báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh và chi phí tuân thủ thuế với doanh nghiệp cho thấy, Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 90/189 quốc gia, tăng 3 bậc so với năm 2015.

Theo đó, một số chỉ số tăng điểm nhẹ như khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc từ vị trí 125 lên 119; tiếp cận điện năng tăng 22 bậc từ vị trí 130 lên 108; tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc từ vị trí 36 lên 28 và chỉ số nộp thuế tăng 4 bậc từ vị trí 172 lên mức 168…

Tuy nhiên, các chỉ số như thương mại qua biên giới hay bảo vệ nhà đầu tư lại bị tụt bậc so với xếp hạng được công bố năm 2015.

Điều đó lý giải, các đối tượng doanh nghiệp, kể cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều chưa đánh giá cao về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cũng như những nỗ lực cải cách và đổi mới chính sách của các cấp, ngành trong việc tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp nhận định, còn tồn tại thực trạng bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngay trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Sơn nêu một số dẫn chứng về những chính sách mà ông cho rằng đang gây khó cho doanh nghiệp. Như Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng chỉ được sử dụng cho chính dự án đã được đăng ký, không được chuyển nhượng cho dự án hay doanh nghiệp khác, trừ trường hợp phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động.

Như vậy là vi phạm quyền sở hữu quyền tự do kinh doanh, tạo ra lãng phí, bất bình đẳng, ông Sơn bình luận.

Hay Thông tư 56/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính đưa ra thủ tục buộc phải kê khai giá không phù hợp với Luật, giá và kê khai giá chỉ mang tính chất thông báo.

Theo ông, đây là quy định mang tính xin-cho, ảnh hưởng quyền tự do kinh doanh, ảnh hưởng cơ hội kinh doanh và giảm cơ hội cạnh tranh giá của doanh nghiệp.

Tương tự, Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về quản lý thuốc bảo vệ thực vật đưa ra quy định chỉ được đăng ký một hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phần của thuốc không phù hợp với Luật Kiểm định và Bảo vệ thực vật.

Ông Sơn cho rằng như vậy là không phù hợp với thực tế, thuốc bảo vệ thực vật cho các giai đoạn sinh trưởng, các loại cây… gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, rào cản đang “kìm hãm” sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cách hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp hiện nay là phải xem xét lại hàng loạt các nghị định về điều kiện kinh doanh; rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; lấy ý kiến của doanh nghiệp -đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách; tăng cường cơ chế hậu kiểm và xử lý kịp thời những văn bản trái luật, khắc phục tình trạng bất bình đẳng, tham nhũng...

Nhận định vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, nên chăng Nhà nước tham gia vào quá trình kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các doanh nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần là bảo hộ cho họ.

Các dịch vụ/chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết, nhưng việc cung cấp các dịch vụ/chương trình hỗ trợ này không nên tràn lan và mang tính chất Nhà nước cho doanh nghiệp, vì dễ tiềm ẩn nguy cơ đi ngược lại với nguyên tắc thị trường và các hiệp định quốc tế như TPP, WTO…

Nghĩa là, việc xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải được thực hiện theo những nguyên tắc như đánh giá tác động đối với các quy định khác của pháp luật; tác động đến các điều ước quốc tế; tác động tới kinh tế và ngân sách và tác động đối với xã hội.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần phải có sự lựa chọn đối tượng, theo từng danh mục ngành và lĩnh vực trọng điểm, ông Bình nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này, ông Lê Văn Khương –Trưởng phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Nhà nước cần tạo điều kiện phát triển và môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc hỗ trợ cần có chọn lọc và có mục tiêu; cơ chế hỗ trợ cần công khai, minh bạch và bình đẳng để mọi doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có cơ hội tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ. Nhà nước dành kinh phí và huy động các nguồn lực khác để cùng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trên thực tế, Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, hiệu quả thực thi còn hạn chế và chưa đem lại nhiều tác động tích cực giúp các doanh nghiệp “dễ thở” hơn trong sản xuất kinh doanh, cũng như tự tin hơn trong cạnh tranh.

Điều đó cho thấy, cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa, hành động thực tiễn hơn nữa từ Chính phủ, từ các cấp ngành và chính quyền các địa phương mới thực sự đáp ứng lòng mong mỏi và nguyện vọng chính đáng về quyền được tự do kinh doanh của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục