Chính sách của BoJ tác động đến các hoạt động đầu tư bền vững

08:15' - 09/02/2021
BNEWS BoJ thông báo sẽ đánh giá về chính sách tiền tệ trong tháng Ba, nhưng sẽ không thay đổi chính sách nới lỏng hiện hành.

Trong những tháng gần đây, chỉ số Nikkei-225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản đạt các mức cao kỷ lục trong 30 năm, dù các điều kiện kinh tế mong manh do việc ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai tại Tokyo và chín tỉnh khác tại nước này khi số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao chưa từng có.

Việc đồng yen liên tục lên giá kể từ giữa năm ngoái cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận ở nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản do được tính bằng đồng yen.

Giá cổ phiếu tại Nhật Bản nhanh chóng phục hồi sau khi lao dốc vào tháng 3/2020, khi đại dịch bùng phát.

Động lực chính cho sự phục hồi này đến từ sự gia tăng của thị trường chứng khoán Mỹ nhờ lượng thanh khoản lớn được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bơm vào qua việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Doanh số bán ấn tượng của các công ty công nghệ Mỹ và hy vọng rằng việc triển khai chiến dịch tiêm chủng khẩn cấp sẽ thúc đẩy tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu cũng góp phần vào sự khởi sắc của thị trường chứng khoán.

Thêm vào đó, các chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có ảnh hưởng không nhỏ đến giá cổ phiếu tại nước này.

BoJ đã tăng lượng mua chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) lên mức tối đa 12.000 tỷ yen (114 tỷ USD)/năm từ mức 6.000 tỷ yen do tác động của đại dịch COVID-19, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất trên thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Ở một thị trường chứng khoán bình thường, các nhà đầu tư với sự đa dạng về thành phần thực hiện các giao dịch và tìm kiếm các mức giá thích hợp, trong khi có được những cơ hội để hình thành các tài sản bền vững.

Một công ty mất khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững cần được đưa ra khỏi thị trường và các công ty khởi nghiệp sẽ nổi lên, tăng trưởng và cuối cùng sẽ được niêm yết. Điều này là cần thiết để đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả.

Các nhà đầu tư tổ chức có định hướng dài hạn như các quỹ lương hưu và các công ty bảo hiểm cùng với các công ty quản lý tài sản đang tham gia nhiều hơn vào các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các công ty và thực hiện quyền bỏ phiếu như các cổ đông để góp phần tăng giá trị doanh nghiệp trong trung và dài hạn.

Giá trị như vậy cần đạt được theo cách bền vững từ các khía cạnh quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (ESG).

Việc tăng cường các khoản đầu tư theo ESG và một thị trường tài chính bền vững là thiết yếu với nền kinh tế Nhật Bản.

Do BoJ có thể nắm giữ cổ phiếu trong một thời gian dài và gần như không có các khoản đầu tư trách nhiệm về ESG, lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng này mà ETF mua sẽ làm giảm lượng cổ phiếu được thả nổi mà các nhà đầu tư có thể mua.

Việc định giá cổ phiếu quá cao mà không quan tâm đến hoạt động ESG của mỗi công ty đã niêm yết gây rủi ro khiến việc tái cơ cấu doanh nghiệp bị trì hoãn.

BoJ thông báo sẽ đánh giá về chính sách tiền tệ trong tháng Ba, nhưng sẽ không thay đổi chính sách nới lỏng hiện hành.

Điều này được hiểu là BoJ lo ngại về tốc độ mua cổ phiếu hàng năm của ETF, bởi động thái này ảnh hưởng quá lớn đến thị trường chứng khoán và tác động bất lợi đến bảng cân đối kế toán của ngân hàng.

BoJ có thể giảm lượng mua xuống dưới 6.000 tỷ yen, ở khoảng 2.000-4.000 tỷ yen./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục