Chính sách thị thực mới của Nhật Bản: Lao động Việt Nam có hưởng lợi?

10:48' - 14/01/2019
BNEWS Quốc hội Nhật Bản đã thông qua chính sách mới liên quan đến lao động nước ngoài. Chính sách này mở rộng cửa hơn để chào đón lao động nước ngoài đến làm việc tại Nhật Bản, trong đó có Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với thực trạng thiếu hụt lao động được xem là một rào cản đối với tăng trưởng kinh tế, Quốc hội nước này đã thông qua luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2019, giới thiệu hai tư cách lưu trú mới dành cho lao động nhập cư với mục đích mở rộng cửa hơn để chào đón lao động nước ngoài đến làm việc tại Nhật Bản.

Liên quan vấn đề này, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã có buổi trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Tokyo về tác động của luật đối với Việt Nam, vốn được xem là một trong những quốc gia cung cấp nhân lực lớn cho Nhật Bản.
PV: Xin Đại sứ cho biết đánh giá của Đại sứ về lợi ích của chính sách visa (thị thực) mới của Nhật Bản đối với người lao động Việt Nam?

Đại sứ Vũ Hồng Nam: Nước ta là một nước có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào. Hiện nay, chúng ta có khoảng 580.000 người Việt Nam đang lao động theo các hợp động chính thức ở khoảng 40 nước và vùng lãnh thổ. Ngoài ra còn có một số lượng không nhỏ trên 100.000 người đi lao động không theo các hợp đồng lao động (các nước tiếp nhận coi là lao động không hợp pháp do phần lớn số này nhập cảnh bằng visa du lịch và ở lại lao động không phép, không hợp đồng lao động chính thức…).

Trong đó, chúng ta đang có khoảng 150.000 người Việt Nam sang Nhật Bản thuộc diện thực tập sinh, làm việc trong các nhà máy, công ty, nông trại, có thu nhập bình quân khoảng 24 triệu VND/tháng. Ngoài ra, số học sinh sang học tiếng Nhật có khoảng 80.000 người, họ được phép tham gia lao động ngoài giờ, giới hạn 28 giờ/tuần với mức lương khoảng 150.000 VND/giờ.

Chính sách visa mới có thể hứa hẹn mức lương cao hơn, điều kiện lao động tốt hơn và ổn định hơn. Dự kiến trong vòng 5 năm, Nhật Bản sẽ tiếp nhận tối đa 345.500 người vào làm việc trong 14 ngành nghề. Tôi cho rằng đây sẽ là cơ hội rất tốt cho người lao động Việt Nam tìm kiếm các công việc kỹ thuật cao, mức lương hợp lý…, được tiếp cận với nền văn minh công nghiệp hiện đại…

Những người chịu khó phấn đấu (tay nghề, trình độ tiếng Nhật) sẽ có cơ hội thi vào trình độ lao động cao hơn, lương cao hơn, đời sống và chế độ gia đình được bảo đảm hơn…, thậm chí có cơ hội được làm việc và sinh sống cùng gia đình ở Nhật Bản suốt đời.

Những người không có khả năng thi lên trình độ lao động cao hơn thì vẫn được hưởng lợi ích từ chính sách visa này. Họ được làm việc tối đa 5 năm và khi về nước sẽ có trình độ tay nghề, tiếng Nhật cao…, họ sẽ được tuyển dụng vào các công ty Nhật Bản ở Việt Nam với mức lương cao hơn lao động phổ thông.

Tư vấn cho lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXV

Và cuối cùng là với số thực tập sinh và du học sinh trên 200.000 người thì đây là cơ hội để các bạn này luyện tập, nâng cao trình độ tay nghề và tiếng Nhật trong thời gian ở Nhật Bản, để chuẩn bị thi sau khi họ hoàn thành chương trình thực tập sinh. Với các bạn học tiếng, nếu đã có trình độ tay nghề của một trong 14 ngành nghề ưu tiên của kỹ năng 1, hoặc 5 ngành nghề của kỹ năng 2, có thể thi ngay vào những ngành nghề mà Nhật Bản đã lên kế hoạch tổ chức thi tuyển.
PV: Theo Đại sứ, điểm mới của hai loại visa kỹ năng là gì?

Đại sứ Vũ Hồng Nam: Trước đây người Việt Nam sang Nhật Bản lao động dưới dạng thực tập sinh hoặc sinh viên học tiếng (lao động hạn chế).

Hệ thống visa mới cho phép các bạn có đủ trình độ tiếng Nhật và chuyên môn được tham gia thi và nếu đạt tiêu chuẩn sẽ được chuyển sang loại visa cao hơn; các bạn đã hoàn thành thực tập sinh 3 năm hoặc người có chứng chỉ tiếng Nhật N4 mới có thể sẽ được miễn kiểm tra (Bộ Tư pháp Nhật Bản đang soạn thảo); các bạn kỹ năng 1 có thể thi lên kỹ năng 2 mà không cần hết hợp đồng lao động; và cao hơn họ có thể đăng ký visa thường trú không xác định thời hạn, được mang theo vợ/chồng và con nếu đáp ứng được điều kiện theo quy định, hưởng các chế độ như visa của người lao động nước ngoài (như kỹ sư, kỹ thuật viên cao cấp, điều dưỡng viên).

Hiện nay, Bộ Tư pháp Nhật Bản đang chuẩn bị ban hành hướng dẫn, mặt khác giữa hai nước có thể sẽ phải ký một Hiệp định lao động để hướng dẫn quy trình tuyển dụng ứng viên cho hai loại visa này.

Tôi cho rằng các định hướng về tiêu chuẩn tay nghề (14 ngành nghề) và tiếng Nhật (khoảng N4 hoặc cao hơn) tương đối rõ, do vậy các bạn có thể bắt tay ôn luyện ngay để có thể tham gia thi vào kỳ thi đầu tiên sau khi Luật có hiệu lực.
PV: Theo Đại sứ, việc tham gia lao động 2 loại visa này đối với người Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì?

Đại sứ Vũ Hồng Nam: Về thuận lợi thì rất rõ, người Việt Nam lao động cần cù và chăm chỉ, ham học hỏi và thông minh, do vậy, khi các tiêu chí thi cử đã rõ ràng thì sẽ là nguồn động lực để các bạn Việt Nam tích cực học tập và tham gia thi tuyển. Mặt khác sau hơn 10 năm tham gia các chương trình thực tập sinh, số lượng người Việt Nam đủ tiêu chuẩn để tự động xét visa kỹ năng 1 rất nhiều. Tôi tin rằng số lượng người tham gia lao động theo kỹ năng 1 sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, khó khăn thì không nhỏ. Trong các phương châm của Nội các Nhật Bản thông qua, Nhật Bản sẽ không tiếp nhận lao động từ những quốc gia không thực hiện đầy đủ trách nhiệm nhận trở lại người bị trục xuất. Đồng thời, Nhật Bản sẽ thận trọng xem xét visa cho công dân các quốc gia hiện có nhiều người cư trú bất hợp pháp, tội phạm, phá hợp đồng lao động tại Nhật Bản.

Những quốc gia có việc tuyển dụng không minh bạch, có nhiều công ty môi giới bất hợp pháp, việc giả mạo giấy tờ sẽ nằm trong danh sách những nước hạn chế cấp visa loại này.
PV: Chính phủ Việt Nam đã làm gì để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đối với việc Nhật Bản tiếp nhận lao động Việt Nam?

Đại sứ Vũ Hồng Nam: Sau khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tư pháp Nhật Bản, chúng ta sẽ phải có những hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn những hiện tượng có thể ảnh hưởng tới uy tín của người lao động Việt Nam. Một số hiệp định hỗ trợ cho việc nhận trở lại người bị trục xuất, người phạm tội…, đang được hai nước tích cực đàm phán để sớm ký kết. Khi có khung pháp lý đầy đủ, việc thực thi pháp luật giữa hai nước liên quan tới các vấn đề trên sẽ được thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có một số lượng không nhỏ người Việt Nam sống và lao động bất hợp pháp và một số lượng người Việt Nam phạm tội đang thi hành án tại Nhật Bản. Trong tiếp xúc với một số người trong số này, họ cho biết do những thông tin không chính xác từ một số công ty môi giới, trung gian bất hợp pháp, họ đã tưởng sang Nhật Bản du học hoặc làm thực tập sinh với lương cao gấp nhiều lần thực tế nên họ đã bỏ hợp đồng, lớp học, để đi lao động bất hợp pháp, với hy vọng có mức lương cao hơn bù đắp chi phí đã bỏ ra.

Tôi cho rằng các bạn trẻ Việt Nam cần hết sức cảnh giác với các thông tin sai lệch về một mức lương “khủng” ở Nhật Bản.

Như tôi đã nêu trên, người đi theo diện thực tập sinh có lương bình quân khoảng 24 triệu VND/tháng; rất ít công ty có mức lương cao hơn, một số công ty có thể trả thấp hơn mức lương tối thiểu đã cam kết, do làm ăn thua lỗ… Học sinh học trường tiếng thì mức lương lao động thêm ngoài giờ học chỉ dao động 5-10 USD/giờ (tối đa không quá 28 giờ/tuần).

Tuy nhiên, các bạn cần bình tĩnh trao đổi với nghiệp đoàn, với Đại sứ quán để tìm cách giải quyết, không nên tự ý bỏ nghiệp đoàn sẽ dẫn đến hệ lụy không tốt. Nhất là các bạn sẽ không được tham gia các kỳ thi lao động kỹ năng 1 và 2 như tôi nói ở trên. Các bạn du học sinh thì nên cố gắng hoàn thành khóa học để đạt N4 (khoảng 1 năm học chăm chỉ), làm cơ sở để thi vào lao động kỹ năng 1.

Hiện nay các ngành và địa phương đang ráo riết chấn chỉnh các trung tâm tư vấn du học, các công ty đưa du học sinh sang Nhật Bản để nâng cao trình độ đào tạo, chấm dứt việc cấp bằng không đúng trình độ, nghiêm cấm các công ty môi giới bất hợp pháp, những công ty đưa ra các thông tin không đúng sự thật, làm người lao động bị sai lệch thông tin. Số người phạm tội, người sống bất hợp pháp ở Nhật Bản sẽ dần được tập trung và đưa về nước.
PV: Có ý kiến cho rằng hiện nay các khu công nghiệp của Việt Nam cũng đang thiếu lao động, vậy việc khuyến khích lao động sang Nhật Bản có ảnh hưởng gì tới các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài không?

Đại sứ Vũ Hồng Nam: Tôi cho rằng không ảnh hưởng, thậm chí đây sẽ là nguồn lao động chất lượng cao, các công ty Nhật Bản tại Việt Nam sẽ thu nhận khi các lao động quay về nước. Hiện nay, chúng ta dôi dư lao động nhưng chủ yếu lao động phổ thông. Nhưng lực lượng lao động này cũng ít tham gia vào các khu công nghiệp.

Chính sách của Nhật Bản cũng kích cầu đào tạo tay nghề, khuyến khích việc làm các trường nghề, trường tiếng Nhật…, ngược lại, các trường nghề này, trường tiếng này sẽ tham gia vào đào tạo tay nghề cho các khu công nghiệp của Việt Nam. Những người đi lao động có thời hạn trở về sẽ có cơ hội làm việc tại các công ty Nhật ở Việt Nam với mức lương cao hơn, vị trí việc làm cao hơn.

Tôi đã gặp một số người như vậy, họ đi thực tập sinh 3 năm, tự học tiếng Nhật, hiện nay họ đang làm quản lý cho công ty Nhật ở Việt Nam. Trong đà xu thế các công ty Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, thì nguồn thực tập sinh, học sinh từ Nhật Bản trở về trong 10 năm qua là nguồn cung ứng lao động quý giá cho các công ty của Nhật Bản.

Hơn nữa, đây cũng là dịp để chúng ta cơ cấu lại thị trường đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, Những thị trường lương thấp, khí hậu khắc nghiệt, nhiều khác biệt, xung đột…, sẽ thu hẹp để người Việt Nam tham gia vào một thị trường lao động cao cấp, có lợi cho cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

>> Nhức nhối lao động hết hạn hợp đồng không về nước

>> Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nói gì về việc lạm thu xuất khẩu lao động?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục