Chính sách thuế, hải quan hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

14:56' - 19/10/2022
BNEWS Ngày 19/10, tại Hà Nội đã diễn ra diễn đàn thuế - hải quan năm 2022: Chính sách thuế - hải quan hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức.

Sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19,  Bộ Tài chính đã thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn đối với một số sắc thuế, khoản thu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Quảng cảnh diễn đàn. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
Năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền ban hành, tiếp tục thực hiện các chính sách thu ngân sách nhà nước, hỗ trợ phục hồi thúc đẩy nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Theo các chuyên gia kinh tế, các chính sách, giải pháp về tài khóa được thực hiện kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao. Từ đó, góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế thời gian qua.
 
ThS. Đào Mai Phương, các biện pháp gia hạn nộp thuế và giảm thuế kích thích tăng trưởng kinh tế và đã đạt được những kết quả. Việt Nam đã từng bước áp dụng các ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Các ưu đãi này tập trung vào thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Bên cạnh đó, sử dụng thuế bảo vệ môi trường và tương đương để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, đồng thời, sử dụng ưu đãi thuế thúc đẩy tăng trưởng xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

Theo Bộ Tài chính, ước tính các chính sách đã ban hành giảm, giãn thuế, phí các doanh nghiệp và người dân trong năm 2022 lên đến quy mô khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.

Những đóng góp tích cực trong điều hành chính sách tài khóa của Bộ Tài chính đã góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế của đất nước trong năm 2022.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam đạt 13,67% so với cùng kỳ - là mức cao nhất cùng kỳ trong vòng 12 năm trở lại đây. Nền kinh tế Việt Nam hồi phục tích cực sau đại dịch; tăng trưởng kinh tế năm 2022 dự kiến vượt mục tiêu và nằm trong Top cao hàng đầu thế giới nhờ kết quả  thực hiện các biện pháp chính sách linh hoạt, đồng bộ và phù hợp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cho biết, ngành thuế và hải quan đã có những bước đi hợp lý trong chuyển đổi số. Theo đó, hoạt động chuyển đổi trong lĩnh vực tài chính; trong đó, có thuế và hải quan là phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ. Bởi lẽ, Chính phủ đã đặt ra định hướng lĩnh vực tài chính ngân hàng phải là một trong những lĩnh vực ưu tiên về chuyển đổi số.

Theo ông Cấn Văn Lực, tài chính, ngân hàng đã có những chuyển biến rất tốt trong chuyển đổi số, nhưng không thể đi một mình, mà cần sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, việc chia sẻ dữ liệu dân cư quốc gia phục vụ cho chuyển đổi số lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ cần được đẩy nhanh hơn nữa.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tổ chức tốt “hệ sinh thái” sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của chuyển đổi số và chia sẻ dữ liệu. Nên có một đơn vị đứng ra là cơ quan chủ trì cho nắm giữ và chia sẻ cơ sở dữ liệu, các đơn vị thực hiện vai trò vệ tinh hỗ trợ. Mục đích cuối cùng là hướng đến phục vụ người dân, người dân sẽ là đối tượng được thụ hưởng thành quả chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hết ngày 30/6, ngành thuế đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế. Hết tháng 9/2022, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 1,5 tỷ hóa đơn.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, việc triển khai hóa đơn điện tử không những góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội. Cụ thể là tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường,… tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, để có được sự thành công của chuyển đổi số ngành thuế, các yếu tố đóng vai trò quyết định đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính và sự vào cuộc của cả hệ thống thuế với các giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế. Cùng với đó là sự đồng hành của người nộp thuế trong chuyển đổi số, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và sự thành công của chuyển đổi số ngành thuế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục