Chống lãng phí đất đai - Bài 1: Bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang

17:56' - 31/12/2024
BNEWS Tại nhiều địa phương của Hà Nội việc quản lý, sử dụng loại đất nông nghiệp công ích bộc lộ không ít bất cập như quỹ đất công ích cho thuê quá thời hạn quy định...

Tại nhiều địa phương của Hà Nội việc quản lý, sử dụng loại đất nông nghiệp công ích bộc lộ không ít bất cập như quỹ đất công ích cho thuê quá thời hạn quy định; bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; việc đấu giá quyền thuê-thầu đất không thực hiện được; đất không còn khả năng canh tác…, chậm đưa đất vào sử dụng, gây hoang hóa lãng phí, thất thu ngân sách.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần chỉ đạo và từng nhấn mạnh về một số dạng lãng phí; trong đó, có lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, lãng phí các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước.... Hơn thế, Tổng Bí thư cho rằng, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Dưới góc nhìn trên, nhóm phóng viên TTXVN đã đi sâu tìm hiểu và thực hiện 3 bài viết về tình trạng đất nông nghiệp công ích đang bị bỏ hoang hoặc bị "biến tướng" trong quá trình sử dụng. Cùng đó là sự lúng túng của chính quyền, việc chậm đưa đất vào canh tác, sản xuất cũng như tâm lý sợ sai của cán bộ và đề xuất, kiến giải những biện pháp tháo gỡ để khơi dậy giá trị của đất nông nghiệp công ích như vốn có.

Bài 1: Bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang

Những năm trước đây, đất nông nghiệp công ích được chính quyền cấp xã quản lý, giao khoán hoặc cho các hộ dân thuê thầu để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo thời gian từng năm hoặc nhiều năm. Từ nguồn đất này, nhiều hộ dân có diện tích canh tác để phát triển kinh tế hộ; chính quyền địa phương có nguồn thu ngân sách ổn định. Nhưng tại Hà Nội, do điều kiện sản xuất nông nghiệp không như trước đây, nhiều diện tích đất nông nghiệp công ích được coi "đẹp" đang bị bỏ hoang hoặc có muốn đưa vào sử dụng đúng quy định cũng gặp không ít khó khăn.

*Đất "đẹp" để cỏ mọc

Bên dòng sông Hồng màu mỡ, phì nhiêu là những cánh đồng trồng ổi,  rau màu xanh mướt của người dân ngoại thành Hà Nội. Còn nay, do sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, một số hộ dân bỏ ruộng, chuyển ngành nghề sản xuất khác hiệu quả hơn như: kinh doanh dịch vụ, hồ câu; quán ăn, điểm vui chơi trải nghiệm ngoài trời. Với cách làm trên, giá trị kinh tế từ đất mang lại cho người dân cao hơn hẳn. Nhưng xét về quy định, đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông sử dụng ngoài mục đích nông nghiệp là vi phạm quy định về đất đai. Nhiều địa phương đã ra quân giải tỏa vi phạm nhưng sau đó cũng chưa biết sử dụng đất nông nghiệp công ích vào việc gì cho hiệu quả nên để hoang hóa.

Dẫn chúng tôi đi thực địa, ông Vũ Phương Đông, Chủ tịch UBND phường Giang Biên, quận Long Biên chỉ ô đất vuông vức khoảng 1.000 m2 nằm cạnh đường đê sông Hồng trải nhựa phẳng lì. Vị trí đắc địa nên người thuê ô đất này đã chuyển đổi sang làm nhà hàng ăn uống nhưng bị phường Giang Biên giải tỏa từ cuối năm 2022. Hiện ô đất đang bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Để quản lý, phường Giang Biên cho quây tôn ở phía mặt tiếp giáp với đường đê. Ai đi qua cũng xót xa vì "bờ xôi ruộng mật", đất đẹp bị bỏ hoang.

Ở một thực trạng khác, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có 89 thửa  với 544.966,1 m2 đất nông nghiệp công ích, nằm rải rác ở 7 thôn. Trước đây những diện tích đất này được giao cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp hoặc thả cá. Theo quy định, mỗi năm, người được giao đất nông nghiệp công ích phải trả từ 60-120kg thóc/sào. Tuy nhiên, từ 1/1/2023 đến nay, nhiều diện tích đất dù đã hết hạn hợp đồng thuê thầu nhưng chưa có người dân thuê lại.

Thực tế này được ông Nguyễn Đình Chất, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến giãi bày, do dịch COVID-19, các hộ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thua lỗ nên đã chuyển đổi ngành nghề. Nhiều hộ dân đã không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp; trả lại đất đã thuê cho UBND xã. Để đất nông nghiệp công ích không bị bỏ không, xã đã tổ chức đấu thầu nhưng thiếu người tham gia nộp hồ sơ dự thầu. Do không tổ chức được đấu thầu lại nên những hộ dân đang sử dụng đất công ích, xã Hợp Tiến cũng chỉ tạm thu theo đơn giá "bèo" trước đây.

Do không cho thuê thầu được, việc thu ngân sách của địa phương cũng ảnh hưởng. Số liệu của UBND xã Hợp Tiến cho thấy, nếu như năm 2020 xã thu từ thuê đất nông nghiệp công ích là 365 triệu đồng; đến năm 2024 chỉ còn là 126 triệu đồng.

Trong khi đó, ở xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì lại gặp khó khi có 10 thửa đất nông nghiệp công ích, diện tích từ 3.000 m2 trở lên sẽ được đấu giá nhưng đang vướng chi phí về hồ sơ, thủ tục, tư vấn, đo đạc… Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ Nguyễn Văn Diên cho hay, muốn đấu giá phải có mặt bằng sạch, trong khi đó, nhiều thửa khó thanh lý tài sản trên đất. Với thửa đất lớn việc đấu giá có thể thuận lợi nhưng thửa nhỏ lẻ, xen kẹt, khó canh tác thì việc đấu giá quyền sử dụng đất là không dễ. Ông Diên chỉ ra rằng thu từ đấu giá đất nông nghiệp công ích không đủ bù chi, vì trình tự không được bỏ qua bất cứ một khâu nào, tương tự như quy trình đấu giá quyền sử dụng đất ở nên rất tốn kém.

*Sử dụng đất nông nghiệp công ích "0 đồng"

Huyện Mỹ Đức được đánh giá là địa phương có quỹ đất nông nghiệp công ích lớn nhất thành phố với xấp xỉ 2.000 ha. Theo ông Trần Quốc Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, tính từ tháng 1/2023 đến 9/2024, tiến độ đấu giá nông nghiệp công ích trên địa bàn không đạt yêu cầu đề ra. Địa bàn có 38 khu đất đủ điều kiện để đấu giá thì có tới 14 khu đất đấu giá không thành vì không có người tham gia.

Còn tại huyện Ba Vì, cuối năm 2023 có 773,311 ha đất nông nghiệp công ích; trong đó, xấp xỉ 100 ha đang ở tình trạng chờ "chính chủ". Có nghĩa số đất trên nhỏ lẻ, xen kẹt nhưng chưa được giao thầu cho cá nhân sử dụng vào mục đích nông nghiệp mà UBND các xã vẫn quản lý để chờ đấu giá.

Nếu ở các huyện miền núi như Ba Vì, Mỹ Đức đất nông nghiệp công ích bị "ế", chưa tìm được chủ nhân sử dụng là một lãng phí lớn thì những nơi đất "vàng" như Long Biên, Hà Đông…, đất bị bỏ không thì càng xót xa hơn. Cụ thể, phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) có 1,157 ha đất nông nghiệp công ích nhưng từ năm 2015 đến nay chưa tổ chức cho thuê được.

Theo ông Bùi Huy Quang, Chủ tịch UBND phường Dương Nội, từ khi làng chuyển lên phố, hàng loạt dự án nhà ở, công trình được đầu tư trên địa bàn. Quá trình thực hiện, nhiều dự án không thu hồi hết thửa đất nông nghiệp công ích. Từ đó dẫn tới, số diện tích còn lại nhỏ từ 100-150 m2 nằm rải rác ở nhiều xứ đồng. Hơn nữa những thửa đất trên, chất đất xấu, hệ thống thủy lợi bị phá vỡ, không thể sản xuất. Cũng có một thực tế việc xác định vị trí thửa đất tại thực địa là rất khó khăn do hiện trạng thay đổi. Hiện nay, ở Dương Nội một số hộ thuê đất để trồng đào đã phá vỡ hệ thống bờ vùng, bờ thửa và tự ý sử dụng sang quỹ đất nông nghiệp công ích liền kề mà phường đang quản lý nhưng không mất thêm một phần kinh phí nào.

Sử dụng đất nông nghiệp công ích "0 đồng", cũng đang là một thực tế ở phường Phú Lãm (Hà Đông). Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 1999 -2004, khu hố lò gạch thuộc Tổ dân phố số 6 (Phú Lãm) có diện tích hơn 2.000 m2, được UBND xã khoán thầu cải tạo đất nông nghiệp cho 1 hộ dân với tổng sản lượng 363 kg thóc/năm. Nhưng từ năm 2007 đến nay, người sử dụng diện tích đất trên không phải đóng loại phí gì cho chính quyền địa phương. Trong khi ở thời điểm ngày 18/10, theo ghi nhận của phóng viên, khu đất trên đang được sử dụng làm nơi kinh doanh ăn uống. Tại đây, có nhà cấp 4 lợp ngói; nhà lắp ghép sử dụng mục đích kinh doanh.

Tương tự, năm 2007, bà Nguyễn Thị Phượng là một trong nhiều hộ dân thuê thầu đất ao công của xã Viên Sơn (thị xã Sơn Tây). Theo năm tháng, việc sản xuất nông nghiệp không phù hợp; sẵn khu ao thuê thầu liền sát với đất thổ cư, năm 2010 bà Phượng dựng, lắp khu nhà tạm để kinh doanh ăn uống với diện tích 205 m2 trên đất thầu ao của xã Viên Sơn. Theo bà Phượng từ năm 2021, gia đình không phải nộp kinh phí sử dụng đất, chờ để làm lại hợp đồng từ không thời hạn sang có thời hạn. Tuy nhiên từ đó đến nay, chưa có hợp đồng nào được ký lại.

Thị xã Sơn Tây đã có văn bản yêu cầu bà Phượng phải tháo dỡ phần lắp, dựng trên đất nông nghiệp công ích. Nhưng theo quan sát của phóng viên ngày 30/10, bà Phượng mới chỉ tháo dỡ khu vực mái che, chiếm phần nhỏ vi phạm, còn lại vẫn đang sử dụng kinh doanh ăn uống. Có thể thấy, đất nông nghiệp công ích của Hà Nội đang như mớ bòng bong, tồn tại muôn hình vạn trạng khác nhau. Việc đất "cha chung", chậm đưa vào sử dụng, đồng nghĩa đất nông nghiệp công ích có thể bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên; thậm chí bị lấn chiếm, biến tướng, sử dụng sai mục đích, lãnh đạo địa phương tiếp tay cho sai phạm.

Bài 2: Hậu quả lớn thất thu ngân sách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục