Chống ô nhiễm nhựa - không còn thời gian để trì hoãn

07:00' - 29/04/2024
BNEWS Diễn ra tại Ottawa (Canada), Phiên họp thứ 4 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) về ô nhiễm nhựa đặt mục tiêu thúc đẩy việc xây dựng thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024.

INC-4 là phiên đàm phán thứ 4 trong số 5 phiên do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) điều phối, cho thấy thời gian sắp hết để thế giới thống nhất mục tiêu chung là chấm dứt ô nhiễm nhựa.

 

Ý tưởng về việc xây dựng một thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa được đưa ra hồi tháng 3/2022 tại phiên họp của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc, với mục tiêu tiến hành 5 vòng đàm phán để đạt được một thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc về mặt pháp lý về ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đánh giá đây là thỏa thuận quốc tế quan trọng nhất mà thế giới đạt được trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu kể từ sau Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu.

Sau 3 vòng đàm phán, các bên vẫn chưa thống nhất được cách tiếp cận toàn diện để giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa, từ hợp chất polyme đến sản xuất sản phẩm, đóng gói và thải bỏ. Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều quốc gia kêu gọi có một hiệp ước mạnh với các điều khoản mang tính ràng buộc nhằm giảm việc sản xuất và sử dụng nhựa nguyên sinh, được tạo ra từ quá trình chưng cất phân đoạn dầu mỏ, cũng như xóa bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa gây ô nhiễm. Quan điểm này vấp phải sự phản đối từ các nước xuất khẩu dầu mỏ, sản phẩm hóa dầu và nhựa với lập luận hiệp ước cần tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa, thông qua khái niệm “tuần hoàn nhựa”, bởi nguồn gốc của ô nhiễm nhựa là “việc quản lý chưa hiệu quả” nhựa và chất thải nhựa.

Trước tình hình đó, tại INC-4, các bên phải tìm cách thu hẹp bất đồng, thống nhất được một số vấn đề chung trước khi diễn ra vòng đàm phán cuối mang tính quyết định (INC-5), dự kiến diễn ra từ ngày 25/11 đến 1/12/2024 tại Busan, Hàn Quốc. Mục tiêu chính của INC-4 là tiến tới hoàn tất thỏa thuận về một hiệp ước toàn cầu nhằm loại bỏ ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà đàm phán sẽ phải có được một thỏa hiệp toàn diện mang tính ràng buộc về pháp lý đối với rác thải nhựa.

Theo các nhóm môi trường, có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc giảm lượng sản xuất nhựa là cách duy nhất để loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường. Greenpeace - nhóm môi trường hoạt động nổi trội tại INC-4, đang mong muốn vận động để thỏa thuận sẽ gồm việc giảm 75% sản lượng nhựa vào năm 2040. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nhựa lại cho rằng chưa cần phải có ngay hạn định bởi các vật liệu thay thế có giá thành cao và tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để cho ra sản phẩm.

Việc đạt được thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024, theo đánh giá của giới phân tích, sẽ đánh dấu một trong những quyết định môi trường quan trọng nhất và có ý nghĩa lớn, bởi đây là thỏa thuận đầu tiên nhằm đoàn kết thế giới xung quanh mục tiêu chung là chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Ô nhiễm nhựa đang là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt. Số liệu của UNEP chỉ rõ, hiện thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa mỗi năm và chưa đến 10% số này được tái chế. Hơn 25% lượng rác thải nhựa được vứt bừa bãi ra môi trường và đang gây hại cho con người cùng môi trường thiên nhiên. Ước tính khoảng 19-23 triệu tấn rác thải nhựa đang đọng lại ở sông, hồ và biển. Khối lượng rác thải nhựa dưới đáy biển tập trung xung quanh các lục địa, với 46% trong tổng số lượng rác này nằm ở độ sâu hơn 200m và 54% còn lại nằm ở độ sâu từ 200 đến 11.000 m. UNEP cảnh báo nếu không có các biện pháp can thiệp cần thiết, lượng rác thải nhựa xâm nhập vào hệ sinh thái dưới nước có thể tăng gần gấp ba lần, từ khoảng 9-14 triệu tấn/năm trong năm 2016 lên mức dự kiến là 23-37 triệu tấn/năm vào năm 2040.

Nguy cơ từ hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người cũng rất nghiêm trọng. Hạt vi nhựa là những hạt nhựa nhỏ, có kích thước chưa đến 5 mm, bị thải ra môi trường do sự phân hủy của các sản phẩm nhựa. Ngoài đại dương, hạt vi nhựa xâm nhập đất đai, không khí, nước máy và đồ uống đóng chai.

Các nhà khoa học đã tìm thấy hạt vi nhựa trong máu và thậm chí cả nhau thai người. Giới nghiên cứu đã đưa ra một con số đáng kinh ngạc - có khoảng 7.000 tấn vi nhựa trong Vịnh Moreton ở Australia. Con số này tương đương với 1,5 triệu túi nhựa, có thể lấp đầy ba bể bơi tiêu chuẩn Thế vận hội. Các loại nhựa chính được phát hiện là polyethylene, thường có trong các mặt hàng sử dụng một lần như túi nhựa, chai lọ và màng bọc thực phẩm; cùng với polyvinyl chloride, được sử dụng để làm đường ống, vật liệu xây dựng, đồ điện tử và quần áo.

Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) năm 2021 xác nhận rằng những thiệt hại do nhựa gây ra đối với xã hội, môi trường và kinh tế cao “gấp 10 lần” so với chi phí sản xuất ra nhựa. WWF dự đoán: “Nếu cộng đồng quốc tế không nỗ lực hạn chế sản xuất, cái giá phải trả cho ô nhiễm nhựa sẽ sớm lên tới 7.100 tỷ USD/năm, tương đương với 6.520 tỷ euro, lớn hơn cả GDP của Đức, Australia và Canada cộng lại”. “Thời gian không còn nhiều cho cả việc hoàn thiện hiệp ước, và cho cả khả năng chống chịu của Trái Đất” - UNEP nhấn mạnh đến tính cấp thiết cần có hiệp ước và hành động cụ thể chống ô nhiễm nhựa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục