Chống thất thoát vốn nhà nước tại các quốc gia

11:21' - 01/10/2018
BNEWS Quản lý và chống thất thoát vốn nhà nước luôn được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các quốc gia bởi lĩnh vực này tác động đến mọi hoạt động và sự phát triển của các nền kinh tế trên thế giới.

Vốn đầu tư nhà nước luôn đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động và sự phát triển của các nền kinh tế trên thế giới.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy việc đầu tư kém hiệu quả, thất thoát vốn của khu vực nhà nước là do quản lý yếu kém, lãng phí, tham nhũng…, từ đó dẫn tới những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Vì vậy, quản lý và chống thất thoát vốn nhà nước luôn được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.

Thực trạng và cách thức quản lý

Tại Trung Quốc, để quản lý và chống thất thoát vốn nhà nước, chính phủ nước này xây dựng mô hình quản lý tài sản nhà nước tập trung thông qua việc thiết lập hệ thống Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước (SASAC) ở cả cấp trung ương và các địa phương.

SASAC được thành lập tháng 3/2003 với tư cách là cơ quan cấp bộ đặc biệt thuộc Chính phủ Trung Quốc.

Nhiệm vụ chính của SASAC vừa là đại diện chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước, hoặc cổ đông nhà nước của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, vừa giám sát để giải quyết các vấn đề trong hoạt động hàng ngày tại các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước trên ba lĩnh vực: giám sát về nhân sự chủ chốt, giám sát các vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp và giám sát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong khi đó tại Indonesia, trước khi thành lập bộ chuyên trách quản lý doanh nghiệp quốc doanh, việc quản lý doanh nghiệp quốc doanh được phân chia giữa Bộ Tài chính và bộ quản lý ngành.

Trong đó, Bộ Tài chính được giao quyền quyết định những vấn đề có liên quan đến tài chính của doanh nghiệp quốc doanh, còn bộ chuyên ngành kỹ thuật được giao quyền quản lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp quốc doanh.

Mặc dù đã có sự phân định về quyền, trách nhiệm giữa Bộ Tài chính và bộ chuyên ngành kỹ thuật, nhưng vẫn tồn tại nhiều chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện quyền, trách nhiệm giữa hai bộ này do các vấn đề tài chính và hoạt động của doanh nghiệp có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Đến năm 2001, Bộ Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp quốc doanh được khôi phục và năm 2004 được đổi tên thành Bộ doanh nghiệp quốc doanh.

Còn tại Malaysia, Khazanah là tổ chức đầu tư vốn nhà nước của Malaysia có cơ cấu gồm công ty mẹ (Khazanah Nasional Berhad), các công ty con và các công ty có cổ phần, vốn góp của công ty mẹ.

Khazanah Nasional Berhad được giao thực hiện các chức năng, nhiệm vụ: quản lý các khoản vốn đầu tư do Chính phủ Malaysia giao; thực hiện các khoản đầu tư mới trong các ngành, lĩnh vực mang tính chiến lược, lĩnh vực công nghệ cao và tìm kiếm các khoản đầu tư chiến lược ở nước ngoài; quản lý có hiệu quả vốn, tài sản của Chính phủ Malaysia tại các doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp khác (trừ Tập đoàn Petronas và một số doanh nghiệp quốc doanh do chính phủ trực tiếp quản lý).

Hiện nay, Khazanah Nasional Berhad là cổ đông chi phối của các công ty chiến lược quốc gia như Tenaga Nasional, Telekom Malaysia, Proton, Malaysia Airports, PMB và hãng hàng không Malaysia Airlines.

Bên cạnh đó, Khazanah cũng là nhà đầu tư chủ yếu trong các ngành, lĩnh vực chiến lược như: cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, dịch vụ tài chính, hàng không, công nghệ và truyền thông.

Kinh nghiệm quý báu

Theo các nhà phân tích, quản lý và chống thất thoát vốn nhà nước là nhiệm vụ quan trọng góp phần vào tăng trưởng và phát triển của quốc gia, giúp tạo dựng nên cơ sở hạ tầng xã hội, hỗ trợ hoạt động của tất cả các thành phần kinh tế.

Tại Singapore, tập đoàn Temasek được thành lập năm 1974 với nhiệm vụ nắm giữ và quản lý các tài sản mà trước đây do Chính phủ Singapore trực tiếp nắm giữ.

Mục tiêu chính của Temasek là thay đổi phương thức sở hữu và quản lý tài sản, trên cơ sở hiệu quả kinh tế.

Điều này cho phép các bộ, ngành trước đây quản lý trực tiếp doanh nghiệp (bao gồm cả Bộ Tài chính và Bộ Công thương Singapore) tập trung vào chức năng quản lý nhà nước.

Nhiệm vụ chính của Temasek khi thành lập là đóng góp vào quá trình cải cách, phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và đa dạng hóa tài chính của Singapore, thông qua việc chăm sóc các khoản nắm giữ/đầu tư có hiệu quả và sinh lời trong và ngoài nước.

Đến nay, Temasek đã chứng minh hướng đi đúng, là công cụ cải cách kinh tế hiệu quả của Chính phủ Singapore.

Temasek đã phát triển thành một tập đoàn đầu tư lớn, đa ngành, nắm giữ nhiều tài sản có giá trị cao không những ở Singapore mà còn tại nhiều nước khác.

Đáng chú ý, mặc dù có cơ chế hoạt động và ra quyết định đầu tư/thoái đầu tư một cách độc lập, linh hoạt, theo nguyên tắc thị trường, nhưng Temasek luôn duy trì trong danh mục một số cổ phiếu của các doanh nghiệp có thương hiệu lớn, thuộc các ngành chiến lược, giúp đảm bảo giá trị tổng thể danh mục cũng như nguồn thu cổ tức.

Còn tại Hàn Quốc, Trung tâm quản lý đầu tư hạ tầng công - tư thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc là cơ quan chịu trách nhiệm tiến hành lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án đầu tư công có quy mô lớn.

Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc chịu trách nhiệm thẩm định, thông qua và quyết định việc loại bỏ hoặc chuyển sang giai đoạn nghiên cứu khả thi các dự án này, bao gồm: Dự án dùng vốn ngân sách trung ương có tổng mức đầu tư từ 50 tỷ won (tương đương với khoảng 44,7 triệu USD theo tỷ giá hiện tại) trở lên, bao gồm cả dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và không xây dựng cơ sở hạ tầng như các chương trình đầu tư nghiên cứu phát triển và phúc lợi xã hội; Dự án dùng vốn ngân sách của địa phương và các dự án hợp tác công tư có nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương trên 30 tỷ won (26,8 triệu USD).

Sau khi Bộ Chiến lược và Tài chính thẩm định, Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án nêu trên sẽ được trình lên Quốc hội Hàn Quốc để xem xét thông qua.

Chính phủ Brazil cũng luôn coi quản lý và chống thất thoát vốn nhà nước là động lực cho tăng trưởng kinh tế, nên nước này liên tục nghiên cứu các biện pháp, cách thức quản lý mới để nâng cao hiệu quả trong quản lý tài sản công.

Trước đây, trong giai đoạn 1985-1994, Brazil đã trải qua thời kỳ bất ổn tài chính và lạm phát phi mã, bắt nguồn từ tình trạng quản lý và chống thất thoát vốn nhà nước kém hiệu quả ở nước này.

Nhằm ứng phó tình trạng trên, Brazil đã áp dụng biện pháp tăng cường quản lý tài sản công, vốn nhà nước cùng với thắt chặt tài chính, trong đó tập trung kiềm chế thâm hụt ngân sách nhà nước bằng cách hạn chế các khoản đầu tư.

Cùng với đó, Chính phủ Brazil đã tập trung vào danh mục đầu tư dự án cụ thể, sàng lọc và lựa chọn kỹ lưỡng chủ đầu tư dự án có đủ năng lực triển khai dự án, tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục