Chủ đầu tư thế chấp tài sản dự án nhưng không công khai có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng
Chủ đầu tư vì lợi ích kinh tế vẫn cố tình không công khai đầy đủ thông tin khi giao dịch bất động sản; đưa bất động sản vào kinh doanh nhưng không đảm bảo điều kiện theo quy định; thu tiền đặt cọc của khách hàng mua nhà chiếm tỷ lệ lớn so với giá trị của hợp đồng mua bán... gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Bởi vậy, việc xây dựng khung hình phạt với mức phạt kịch khung tăng lên đến 1 tỷ đồng sẽ áp dụng đối với một số vi phạm về xây dựng. Ngoài phạt tiền, chủ đầu tư còn phải chịu thêm hình phạt bổ sung là đình chỉ kinh doanh bất động sản từ 3 - 6 tháng với dự án có vi phạm. Động thái này được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng sai phạm trong lĩnh vực xây dựng.
Để đồng bộ với hệ thống luật vừa có hiệu lực (Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023) và tăng tính minh bạch cho thị trường bất động sản, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng lấy ý kiến, hoàn thành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đề xuất tăng mức tiền phạt kịch khung 1 tỷ đồng đối với một số hành vi vi phạm. Trong đó có mức xử phạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với chủ đầu tư đã thế chấp tài sản dự án nhưng không công khai.
Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết: Đây là mức phạt tiền cao nhất áp dụng đối với 4 hành vi vi phạm liên quan đến việc chủ đầu tư không công khai thông tin việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.
Mới đây, 213 căn chung cư Phú Thạnh (số 53 đường Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh) do Công ty cổ phần Xây dựng công trình 585 (Cienco 585) làm chủ đầu tư bị ngân hàng thông báo siết nợ khiến cư dân hoang mang và bức xúc. Bởi mặc dù đã bán căn hộ và thu tiền của người mua nhưng sau đó chủ đầu tư lại đem thế chấp chính những căn hộ đã bán để vay tiền ngân hàng mà không thông báo cho người mua khi mở bán nhà.
Theo phản ánh của ông Tào Đình Phương - cư dân chung cư Phú Thạnh, gia đình đã mua căn hộ từ tháng 7/2012 và thanh toán 95% giá trị theo hợp đồng, còn lại 5% sẽ thanh toán khi nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu. Nhưng đến nay đã 14 năm mà ông vẫn chưa nhận được giấy tờ nhà.
Dù căn hộ đã được Cienco 585 bán và bàn giao cho người dân sử dụng nhưng vẫn tiếp tục dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng để vay tiền, trong khi người mua căn hộ không ký kết hay ủy quyền nào cho phép doanh nghiệp thực hiện việc này – ông Phương chia sẻ.
Ngân hàng TMCP Việt Á – Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh – nơi nhận thế chấp của chủ đầu tư thông tin, tổng dư nợ đến nay đã quá hạn 12 năm. Số căn hộ thế chấp là 219 căn và 3 năm gần đây chủ đầu tư đã trả nợ dần để rút tài sản ra. Tuy nhiên, hiện mới rút được 6 căn nhưng vẫn còn lại 213 căn.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tính đến thời điểm cuối năm 2023, thành phố có 60 dự án nhà ở được chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng. Trong số đó, có 41 dự án thế chấp từ năm 2016 - 2023 và nhiều dự án thế chấp từ các năm 2008 - 2011 khiến người mua nhà chưa được cấp sổ hồng.
Hiện có 3 loại hình mà chủ đầu tư các dự án thế chấp gồm: thế chấp quyền sử dụng đất (đất); thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (đất và nhà); thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (nhà trên đất).
Câu chuyện của Tp. Hồ Chí Minh hay khách hàng Tào Đình Phương cũng là thực tế đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành khác và hậu quả là thiệt hại nghiêng về phía người mua nhà, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Bởi theo quy định, trước khi làm thủ tục đề nghị cấp sổ hồng cho người mua nhà, chủ đầu tư phải giải chấp và nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để Sở Tài nguyên và Môi trường chỉnh lý, chuyển hình thức sử dụng đất sang hình thức sử dụng chung.
Thế nhưng, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư không thực hiện xóa thế chấp khiến dự án bị "treo" sổ hồng trong thời gian dài, gây bức xúc cho người dân và dư luận xã hội. Đặc biệt, gần như người dân đều không được biết thông tin chủ đầu tư đã thế chấp tài sản dự án cho ngân hàng khi mua nhà.
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh khẳng định: Trước khi chủ đầu tư dự án ký hợp đồng mua bán phải giải chấp tài sản thế chấp hoặc phải có thỏa thuận giữa bên thế chấp, chủ đầu tư, người mua nhà.
Do vậy, trong công văn thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với các dự án thế chấp luôn có câu dự án đã được thế chấp. Trong trường hợp này, các ngân hàng đều có công văn đồng ý cho phép chủ đầu tư mở bán.
Vẫn có ý kiến cho rằng, mặc dù số tiền phạt này đã tăng lên nhiều so với các quy định trước đây nhưng cũng chưa đủ mạnh. Bởi mức xử phạt này nếu so với lợi ích mà chủ đầu tư thu được thì vẫn thấp. Đó là lý do nhiều nhà đầu tư cố tình làm trái pháp luật, chấp nhận nộp phạt, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của khách hàng.
Luật sư Lê Cao - Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN nhận xét, mức xử phạt này có thể ngăn chặn phần nào hiện tượng chủ đầu tư đã thế chấp tài sản dự án nhưng vẫn dấu nhẹm thông tin. Tuy nhiên, với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, mức xử phạt tối đa 1 tỷ đồng cho hành vi không công khai thông tin về tài sản của dự án đang bị thế chấp không phải là ngưỡng chế tài khiến cho nhiều doanh nghiệp e sợ.
Tại nhiều dự án, doanh nghiệp có khi chỉ cần hy sinh một vài mét vuông đất là đủ để nộp phạt. Do đó, cần phải hướng đến việc xử lý nghiêm hơn, nếu việc không công khai là một thủ đoạn gian dối, cài bẫy khách hàng để bán tài sản đã thế chấp thậm chí cần xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi lừa dối khách hàng hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, hệ thống pháp lý về kinh doanh bất động sản đến thời điểm hiện tại đã tương đối đầy đủ, chi tiết. Vấn đề hiện nay là cần siết chặt hơn nữa khâu thực thi pháp luật. Khi cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hơn nữa việc thực thi các chế tài đã được quy định thì sẽ ngăn ngừa xảy ra hành vi gian lận.
Tin liên quan
-
Bất động sản
Doanh nghiệp lớn rót vốn vào bất động sản dưỡng lão
16:40' - 18/08/2024
Hiện tại cả nước chỉ có khoảng trên 400 viện dưỡng lão ở Việt Nam, với khoảng 50% là các trung tâm từ thiện hoặc trung tâm do nhà nước đầu tư.
-
Bất động sản
Tránh rủi ro với bất động sản giá ảo
07:18' - 16/08/2024
Những ngày vừa qua, dư luận trên địa bàn Hà Nội rất "sốc" trước kết quả đấu giá quyền sử dụng 68 thửa đất tại huyện Thanh Oai khi có nhiều thửa đất giá trúng tăng gấp 6 - 8 lần so với giá khởi điểm.
-
Bất động sản
Bảng giá đất mới sẽ tác động đến giá bất động sản
18:46' - 14/08/2024
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 cho phép các địa phương được áp dụng bảng giá đất cũ đến ngày 31/12/2025.
-
Bất động sản
Tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm, phát hành trái phiếu tăng
12:20' - 14/08/2024
Một trong những mảng cho vay “trụ cột” chính của tăng trưởng tín dụng là bất động sản thời gian qua rơi vào tình trạng trầm lắng bởi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cả người dân đều chậm lại.
Tin cùng chuyên mục
-
Bất động sản
Tp. Hồ Chí Minh thực hiện chi trả bồi thường dự án Vành đai 2 cho các hộ dân
19:19'
Ủy ban nhân dân Tp. Thủ Đức đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân về dự tháo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong đó có đơn giá bồi thường.
-
Bất động sản
Hà Nội chấp thuận nguyên tắc xác định giá đất làm căn cứ giải quyết hồ sơ nghĩa vụ tài chính, thuế
17:39'
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký văn bản về việc xác định nghĩa vụ tài chính thuế thu nhập cá nhân và các khoản thu từ đất.
-
Bất động sản
Doanh nghiệp Thái Lan thuê nhà xưởng xây sẵn lớn nhất Tây Ninh
10:47'
Giao dịch Thantawan Industrial thuê nhà xưởng xây sẵn lớn nhất Tây Ninh với thời hạn 30 năm là một trong những hợp đồng thuê nhà máy sẵn có dài nhất trên thị trường công nghiệp Việt Nam.
-
Bất động sản
Phân loại đô thị khu vực dự kiến thành lập thành phố Hoa Lư
09:58'
Việc hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư để thành lập Thành phố Hoa Lư nhằm tiếp nối truyền thống lịch sử lâu đời của vùng đất Cố đô.
-
Bất động sản
Hà Nội bàn giao hơn 127,4 ha đất xây dựng dự án Green City
21:52' - 20/11/2024
Diện tích giao nhận đợt này gồm 296.011,7 m2 đất ở để xây dựng nhà ở thấp tầng (khu A, B, C, D, E, F); 113.774,9 m2 đất ở để xây dựng nhà ở cao tầng, có chức năng như: thương mại dịch vụ, văn phòng...
-
Bất động sản
Chuyển đổi xanh giúp bất động sản thu hút và giữ chân khách hàng
21:10' - 20/11/2024
Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 500 công trình xanh được ghi nhận.
-
Bất động sản
Những dự án bất động sản "vàng” ngủ yên tại Bình Dương
16:40' - 18/11/2024
Bình Dương, một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư và phát triển đô thị, đang phải đối mặt với một bài toán khó: hàng loạt dự án bất động sản quan trọng đang bị “đình trệ”.
-
Bất động sản
Cần khơi thông nguồn cung, hạ nhiệt giá nhà đất
21:45' - 16/11/2024
Nếu được Quốc hội thông qua ở Kỳ họp này, nghị quyết thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại sẽ góp phần khơi thông nguồn cung.
-
Bất động sản
Đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội): Giảm nhiệt nhưng vẫn cao hơn giá thị trường
21:45' - 16/11/2024
Ngày 16/11, Hà Nội tiếp tục tổ chức các Phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện ven đô nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách những tháng cuối năm.