Chủ động đối phó với lạm phát

07:53' - 04/12/2022
BNEWS Lãi suất là một trong những công cụ điều hành của chính sách tiền tệ được sử dụng trong việc kiểm soát lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2022, trong khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy do đại dịch COVID-19 chưa kịp phục hồi, xung đột Nga - Ukraine bùng nổ làm giá năng lượng, hàng hóa tăng mạnh, cộng hưởng với chính sách tiền tệ nới lỏng trong giai đoạn đại dịch khiến lạm phát tăng vọt ở nhiều nước, gây ra tình trạng vừa lạm phát, vừa suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã buộc nhiều ngân hàng trung ương phải ứng phó bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong vòng 15 năm qua. Điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ; mặt bằng lãi suất hợp lý để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết Điều hành lãi suất trong "cơn xoáy" lạm phát nhằm nhìn nhận những ảnh hưởng của lạm phát thế giới tới Việt Nam, những giải pháp của cơ quan quản lý, doanh nghiệp đối phó với vấn đề này.

Bài 1: Đối phó với lạm phát

Theo các chuyên gia kinh tế, cuối năm 2021, nhiều quốc gia đánh giá lạm phát chỉ là yếu tố tạm thời nhưng năm 2022, lạm phát đã trở thành xu hướng. Để ứng phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang tăng nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành.

Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, khoảng 90 nền kinh tế trên toàn cầu đã thực hiện 257 lượt tăng lãi suất, cao hơn gấp đôi cả năm ngoái. Xu hướng tăng lãi suất đã diễn ra trên diện rộng, từ các nền kinh tế lớn như Mỹ hay châu Âu, cho tới các nền kinh tế mới nổi. Điều này buộc Việt Nam có những giải pháp linh hoạt để chủ động đối phó.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là một trong những ngân hàng trung ương quyết liệt nhất trong cuộc chiến chống lạm phát, khi đã tiến hành tổng cộng 5 đợt tăng lãi suất kể từ đầu năm tới nay. Trong khi đó, Việt Nam có độ mở cửa kinh tế rất lớn, nhu cầu vốn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, nguy cơ nhập khẩu lạm phát hiện hữu …

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã thừa nhận năm nay có những biến động lớn và "khó khăn hơn nhiều so với đánh giá vào cuối năm ngoái".  Trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng từng mong muốn tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Và suốt những tháng vừa qua của năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tiền tệ linh hoạt ở mức độ phù hợp, cùng các công cụ khác để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. 9 tháng của năm, mặt bằng lãi suất không giảm nhưng tăng với biên độ thấp 0,3-0,4% so với cuối năm 2021, diễn biến này phù hợp bối cảnh chung quốc tế.

Tuy nhiên, việc Fed liên tục điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3-3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, đồng USD lên giá mạnh, đã gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Chính vì thế để thực hiện các mục tiêu đặt ra của chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động lần lượt vào ngày 23/9 và ngày 25/10.

Hiện lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1% một năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6%/năm - mức tương đương năm 2014. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.

Mục tiêu hàng đầu và xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế. Do đó việc điều chỉnh tăng lãi suất là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để nhằm đạt được mục tiêu này.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng năm 2022, CPI tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%. Dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đặt ra từ đầu năm đã nằm trong tầm tay, bởi chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2022.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng để góp phần kiểm soát lạm phát, tăng lãi suất điều hành là tất yếu, đây là công cụ quan trọng để giảm bớt áp lực lên mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước và sức ép của lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh đồng USD lên giá mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, tăng lãi suất là một trong những biện pháp để tránh cho giá cả hàng hóa thực phẩm tăng cao, góp phần kiểm soát lạm phát.

“Cụ thể, khi lãi suất cho vay tăng thì cả doanh nghiệp và người dân đều sẽ đi vay ít hơn, hoặc nếu có vay thì cũng phải tính toán hiệu quả của vốn vay sao cho hợp lý. Từ đây sẽ giảm lượng tiền đổ vào lưu thông và khi doanh nghiệp vay ít hơn dẫn đến mức độ tăng trưởng cũng chậm lại, nhờ vậy có thể kiểm soát được lạm phát”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Trao đổi với báo chí, GS, TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1% là phù hợp bởi Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát là rõ ràng.

Theo GS, TS. Trần Thọ Đạt, lãi suất tăng lên sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư trong nền kinh tế, các doanh nghiệp phải cân nhắc hơn trong nhu cầu đầu tư, nó không tạo ra sức ép với tổng cầu trên phương diện là các doanh nghiệp phải tăng đầu vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng lãi suất sẽ thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi của người dân, doanh nghiệp, nhất là những người gửi tiết kiệm không kỳ hạn.

Nhờ đó đã thu hút lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng, giúp hệ thống ngân hàng đảm bảo được nguồn vốn trong khi tỷ lệ dư nợ tín dụng/tiền gửi bằng VND đã ở mức cao có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản. Đồng thời, nhờ tiếp tục huy động được nguồn vốn, hệ thống ngân hàng có đủ nguồn vốn để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng lãi suất của Việt Nam tăng tương đối nhanh trong khoảng hai tháng qua. Theo TS. Cấn Văn Lực, lãi suất không thể và không nên tăng nhanh và tăng mạnh quá trong thời gian tới, nếu buộc phải tăng thì nên tăng từ từ nếu không doanh nghiệp sẽ không thể chịu được. Khi áp lực lạm phát, tỷ giá toàn cầu giảm dần, TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng năm tới lãi suất sẽ ổn định hơn, không tăng hoặc chỉ tăng ở mức nhẹ.

Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia cho rằng việc lãi suất tăng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng đây chỉ là những khó khăn ngắn hạn, nhìn về dài hạn việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát quan trọng và là sự lựa chọn ưu tiên. Khi ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát sẽ bảo đảm giá trị của tăng trưởng, giá trị của sản xuất kinh doanh đem lại.

Không chủ quan với lạm phát

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay, để đạt được mục tiêu chung là góp phần ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, có sự giải thích, hướng dẫn thống nhất trong quá trình triển khai. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định việc kiên định điều hành chính sách tiền tệ đúng và trúng đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, Ngân hàng Nhà nước luôn hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống và đặc biệt giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài…

Cùng với thực hiện điều hành lãi suất, để ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Tại cuộc họp với các ngân hàng thương mại mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo rõ ngành ngân hàng cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với các chính sách tài khóa và các chính sách khác để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành tỉ giá, lãi suất, tăng tín dụng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Một số giải pháp khác được Ngân hàng Nhà nước đặt ra trong điều hành chính tiền tệ trong thời gian tới là tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, theo dõi điều hành tỷ giá ổn định và can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn

rủi ro.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong nước, tình hình giá cả xăng dầu, vật tư xây dựng… vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp. Tác động vòng 2 của chi phí đẩy do giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng gây áp lực lên lạm phát. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước. Cơ quan quản lý ngành ngân hàng vẫn sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro; điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục