Chủ nhân giải Nobel với những hy vọng về ‘Tinh thần Xanh’

10:53' - 02/06/2021
BNEWS Cuốn sách của Nordhaus cũng rút ra những bài học từ đại dịch COVID-19, cho thấy những điều kiện cần thiết để cứu thế giới khỏi mối đe doạ nóng lên toàn cầu.

Đã gần 3 năm kể từ khi ông William Nordhaus trở thành nhà kinh tế học đầu tiên đoạt giải Nobel cho những nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Người giáo sư tại Đại học Yale đã bước qua tuổi 80 vào cuối tháng Năm này, và ông vừa xuất bản một cuốn sách mới mang đầy sự lạc quan: ‘Tinh thần Xanh: Tính Kinh tế của Sự va chạm và lây lan trong một Thế giới đông đúc’.

Cuốn sách lý giải tại sao các lĩnh vực từ kinh tế, tài chính tới đạo đức hay hoá học lại có thể ảnh hưởng tới việc bảo vệ hành tinh của chúng ta; thậm chí, từng hộ gia đình cũng có thể làm những việc nhỏ để mang lại một kết quả lớn.

Được viết xuyên suốt một thập kỷ, cuốn sách của Nordhaus cũng rút ra những bài học từ đại dịch COVID-19, cho thấy những điều kiện cần thiết để cứu thế giới khỏi mối đe doạ nóng lên toàn cầu. Ông đã có những chia sẻ với Bloomberg về nội dung cuốn sách và "tinh thần xanh" mà ông muốn nhắn gửi. BNEWS/TTXVN trích lược bài phỏng vấn dưới đây.

- Theo ông, ‘Tinh thần Xanh’ mang ý nghĩa như thế nào?

‘Tinh thần Xanh’ của tôi là một khái niệm tổng hợp các lĩnh vực trong xã hội hiện đại, với tính lan toả và tác động lẫn nhau của chúng. Việc tiếp cận các vấn đề môi trường đang được quan tâm trong nhiều ngành nghề, tuy nhiên điều này chưa thực sự được khái niệm hoá và được thực hiện một cách có tổ chức.

- Ông đã mất gần một thập kỷ để viết nên cuốn sách. Tại sao thời gian lại dài như vậy?

Khi tôi bắt đầu dự án này, tôi đã nghĩ nó khá đơn giản. Tuy nhiên, tôi đã gặp nhiều khái niệm cơ bản về sự ‘xanh’ trên các lĩnh vực khác nhau. Tôi chưa có kiến thức về những khái niệm như ‘hoá học xanh’ hay ‘kiến trúc xanh’. Thông thường, những người làm ‘kinh tế xanh’ sẽ hiếm khi nhận thức rõ ràng về ‘hoá học xanh’ hay ‘đạo đức xanh’, vì vậy cuốn sách này là tổng hợp của những ý niệm mạch lạc về cách thức gây dựng nên một xã hội tốt đẹp. 

- Cuốn sách của ông thể hiện sự lạc quan về khả năng chúng ta sẽ ngăn chặn được biến đổi khí hậu?

Tôi hoàn toàn lạc quan về sự phát triển của những ý tưởng xanh, và những công cụ mới để nâng đỡ những ý tưởng này. Chúng ta có thể lấy ví dụ về hậu quả của các đại dịch. Nếu so sánh đại dịch cúm năm 1918 và dịch COVID-19 hiện nay, có thể thấy chúng khá giống nhau về khả năng gây ra ảnh hưởng rộng rãi. Nhưng hãy nhìn cách chúng ta đương đầu với chúng. Dịch cúm 1918 đã lấy đi sinh mạng của 5% dân số thế giới.

Chúng ta đã mất hàng thập kỷ để biết rằng đại dịch được gây ra bởi một loại vi rút. Chúng ta cũng mất nhiều thời gian hơn nữa khi sáng chế ra vắc-xin để hạn chế vi rút này. Và hiện nay, chúng ta cũng đang phải làm những việc tương tự để đối phó với đại dịch COVID-19, một loại vi-rút vô cùng nguy hiểm.

Trước đây những loại vi-rút gây bệnh dịch hạch hay bệnh đậu mùa cũng đã tàn phá cả cộng đồng nhuwgn chúng ta cũng đã khắc chế được. Vì thế, tôi lạc quan là vì chúng ta đang phát triển được công cụ chống lại những sự va chạm và truyền nhiễm nguy hiểm.

Một ví dụ khác có thể là sự nóng lên toàn cầu.

Chúng ta đã biết cách áp dụng những chính sách để giảm thiểu sự nóng lên của hành tinh, chẳng hạn như tăng thuế khí thải và giới hạn các hoạt động thương mại. Và hơn thế, chúng ta cũng đề cao vấn đề về các chính sách khí hậu toàn cầu.

- Theo ông, liệu rằng việc đối phó với đại dịch COVID-19 hiện nay có giúp chúng ta có những nhìn nhận sâu sắc hơn về việc đối phó với các vấn đề môi trường?

Giải pháp để đối phó với dịch bệnh là sử dụng công nghệ tốt nhất mà chúng ta đang sở hữu. Chúng ta cần một vài quốc gia có khả năng về công nghệ để phát triển một hay nhiều loại vắc-xin rẻ và có hiệu quả. Vì vậy, với những tiến bộ về khoa học và công nghệ nhất là trong lĩnh vực vắc xin, chúng ta có thể chiến thắng đại dịch lần này như những gì chúng ta đã làm với bệnh đậu mùa.

Tuy nhiên, vấn đề biến đổi khí hậu lại khác, nó yêu cầu tất cả mọi người phải cùng nhau hành động. Nói cách khác, phải có sự đồng lòng và hợp tác toàn cầu, chúng ta mới có thể đương đầu với biến đổi khí hậu. 

- Ông có thể giải thích thêm về mô hình ‘không hối tiếc’ và tại sao mô hình này lại giúp mọi người chống lại biến đổi khí hậu qua những thay đổi nhỏ trong đời sống?

Mô hình ‘không hối tiếc’ là một cách tiếp cận vấn đề khá mới lạ. Giả dụ, nếu bạn ở một nơi có khí hậu khá lạnh và bạn đặt nhiệt độ 70oF vào mùa đông. Thực tế bạn có thể chỉnh xuống 69oF và rất khó để có thể nhận ra được sự khác biệt, nhưng bạn sẽ sử dụng ít nguyên liệu hơn rất nhiều và từ đó có thể giảm lượng khí thải ra môi trường.

Vì vậy, bạn sẽ không hối tiếc vì những gì bạn đã làm để cải thiện vấn đề môi trường và đồng thời không gây ảnh hưởng gì cho bản thân.

- Ông có cảm thấy các ý tưởng xanh đang dần chiếm được một vị trí quan trọng?

Các ý tưởng xanh đang giành được nhiều sự đồng thuận hơn. Nhưng trên thực tế, thường sẽ mất ít nhất 5 năm để một ý tưởng mới có thể được nắm bắt.

- Ông mong muốn người đọc sẽ rút ra được bài học gì từ cuốn sách?

Điều đầu tiên, chúng ta phải nhận thức được rằng, sự va chạm và tác động lẫn nhau giữa các quốc gia đang ngày càng gia tăng, với những phát triển theo hướng toàn cầu hoá. Vấn đề này sẽ còn tiếp diễn trong một thế giới hội nhập với những công nghệ cao mà chúng ta đang hướng tới. 

Thứ hai, những vấn đề xã hội sẽ luôn có hướng giải quyết, bằng cách sử dụng kiến thức chuyên sâu từ những lĩnh vực khác nhau, cho dù là thuế, tài chính hay hoá học.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhận ra rằng có những vấn đề mà thị trường không thể giải quyết với hiệu quả tối đa.

Nếu chỉ dựa vào thị trường, sẽ không đủ sức để giảm thiểu vấn đề nóng lên toàn cầu, và chúng ta cần để tâm hơn tới những vấn đề có tính tương tác và lây lan như biến đổi khí hậu, đại dịch, chiến tranh, và những núi rác đang hình thành tại các đại dương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục