Chủ tịch COP28 khuyến nghị về giảm khí thải

19:12' - 14/01/2023
BNEWS Ngày 14/1, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) kêu gọi tập trung vào các mục tiêu giảm khí thải.

Ngày 14/1, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) kêu gọi tập trung vào các mục tiêu giảm khí thải, đồng thời cảnh báo nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tiếp tục tăng.

Ông Sultan Al Jaber, đặc phái viên khí hậu của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn dầu mỏ hàng đầu ADNOC, cho rằng cùng với năng lượng tái tạo và các giải pháp khác, những nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm sẽ vẫn góp phần trong các nguồn cung năng lượng.

Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng toàn cầu ở Abu Dhabi, Chủ tịch COP28 nhấn mạnh chừng nào còn sử dụng các hợp chất hydrocarbon, thế giới phải đảm bảo loại sử dụng có hàm lượng carbon ít nhất có thể. Ông cho rằng ngành năng lượng cần nhanh chóng phi carbon hóa, giảm khí methane và tăng cường khí hydro đồng thời kêu gọi tập trung vào mục tiêu giảm phát thải.

UAE sẽ chủ trì hội nghị COP28 tại Dubai trong tháng 11 và 12/2023. Ngày 12/1, nước này công bố lựa chọn ông Al Jaber làm Chủ tịch COP28. UAE tin rằng dầu mỏ vẫn đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế toàn cầu và đang tìm cách thúc đẩy các công nghệ lưu trữ carbon, tách CO2 khi đốt nhiên liệu hoặc CO2 có trong không khí.

Ông Al Jaber khẳng định UAE đang tiếp cận nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm rõ ràng và khẩn cấp. Ông lưu ý dân số thế giới hiện đã là khoảng 8 tỷ người và dự kiến tăng lên 9,7 tỷ người vào năm 2050. Năng lượng đáp ứng quy mô dân số hơn 9 tỷ người sẽ phải tăng 50% so với mức hiện tại.

Chủ tịch COP28 Al Jaber đánh giá thế giới chưa tìm ra đúng lộ trình để thực hiện mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo ông, để có thể kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C vào cuối thế kỷ, khí thải toàn cầu phải giảm 43% vào năm 2030.

Ông nhấn mạnh năng lượng tái tạo cần tăng gấp 3 lên mức 23 terawatt vào năm 2030 trong khi sản lượng hydro phải tăng gấp đôi và ngành nông nghiệp, vốn gây ra 30% khí thải toàn cầu, phải được cải cách mạnh mẽ. Thế giới đang đứng trước điểm chuyển giao lịch sử, tăng trưởng carbon thấp là tương lai nhưng thế giới cần tăng tốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục