Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Dư địa và cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ còn rất nhiều

19:51' - 17/12/2021
BNEWS Sáng 17/12, tại thủ đô New Delhi, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ.

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tổ chức.

Tham dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, một số ủy ban của Quốc hội, thành viên chính phủ, lãnh đạo một số địa phương của Việt Nam và đoàn doanh nghiệp Việt Nam. Về phía Ấn Độ có ông Chandrajit Banerjee - Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII); ông Anurag Jain - Thứ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ; ông Amitabh Kant - Tổng Giám đốc Ủy ban Chuyển đổi quốc gia Ấn Độ; ông Suresh Prabhu - Thượng nghị sĩ, cựu Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ và đại diện của khoảng 150 doanh nghiệp với hơn 200 doanh nhân, trong đó có các tập đoàn lớn như ONGC, Essar, Hinduja, Bharat Biotech, Adani, Trivitron, Biocon, HCL, Indian Oil...

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm và dự kiến đạt 13 tỷ USD vào năm 2021 bất chấp tác động của đại dịch COVID-19. Đây là cơ sở để hai nước sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 15 tỷ USD trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam hiện có hơn 34.400 dự án đầu tư nước ngoài của 141 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký trên 400 tỷ USD. Tuy nhiên, số vốn đăng ký của các nhà đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam chưa đến 1 tỷ USD và ngược lại, các nhà đầu tư từ Việt Nam vào Ấn Độ cũng chưa nhiều và điều này chưa tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống từ rất lâu đời, đồng thời là đối tác chiến lược toàn diện, có quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, đáng tin cậy giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều dư địa để phát triển. Theo Chủ tịch Quốc hội, sự tham gia rất đông đảo của đại diện doanh nghiệp hai nước tại diễn đàn này vừa là chủ thể của quá trình hợp tác kinh tế, vừa khởi xướng và truyền cảm hứng cho các ý tưởng, cho các động lực và xung lực mới trong quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ hy vọng quan hệ đầu tư giữa hai nước sẽ bùng nổ như quan hệ thương mại mà hai bên đã đạt được. Ông hy vọng diễn đàn này sẽ là nền tảng tạo được một làn sóng đầu tư qua lại giữa doanh nghiệp hai nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu bật lợi thế của Việt Nam, đó là Việt Nam là thị trường hơn 100 triệu dân với dân số trẻ đang trong thời kỳ dân số vàng và tầng lớp trung lưu đang gia tăng rất nhanh chóng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp Ấn Độ có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn của ASEAN - nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới với tổng dân số đến 650 triệu người. Đầu tư vào Việt Nam cũng là được tiếp cận với thị trường rộng lớn trên thế giới do Việt Nam là một đối tác đã ký đến 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh lợi thế của Việt Nam có thị trường rất rộng lớn với hệ thống pháp luật khá đồng bộ, với hệ thống chính sách về ưu đãi đầu tư và bảo hộ đầu tư theo những tiêu chuẩn cao không chỉ đối với khu vực mà còn đối với quốc tế. Thêm vào đó, Chính phủ Việt Nam luôn cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để tạo điều kiện tốt nhất và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp các nước đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định dư địa và cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước còn rất nhiều. Hai nước cần hướng đến một nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá hai nước cũng có tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số, năng lượng, thăm dò khai thác và chế biến dầu khí trong vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam cũng như tham gia vào các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, tái tạo điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, kể cả tham gia đầu tư các hệ thống đường dây truyền tải điện.

Về lĩnh vực này, Chủ tịch Quốc hội cho biết tới đây Nhà nước cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư để kết nối với nguồn điện.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp dược phẩm, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để trở thành một trung tâm sản xuất vaccine không chỉ cho người mà cho cả gia súc; trung tâm nghiên cứu sản xuất, chế biến và phân phối thuốc đặc trị cho các bệnh nhiệt đới không chỉ dành cho Việt Nam mà còn cho toàn khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Vì thế, tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này là rất lớn.

Theo đó, các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tham gia đầu tư về kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế biến, nông sản, đầu tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Chủ tịch Quốc hội cho biết hai nước đã đạt được sự nhất trí cao về hợp tác, theo đó Chính phủ Ấn Độ sẽ ưu tiên nhiều học bổng, chương trình đào tạo chuyên gia của Việt Nam tại Ấn Độ và đây chính là lực lượng sau này đóng vai trò nòng cốt và dẫn dắt cho mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Với tinh thần như vậy, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh các cơ quan đã phối hợp tổ chức diễn đàn này; nhấn mạnh, những thành công gặt hái trong diễn đàn ngày hôm nay là sự khởi đầu rất tốt đẹp cho một làn sóng đầu tư mới giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của hai nước.

Tất cả vì mục tiêu đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam-Ấn Độ lên một tầm cao mới, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, cho nhà đầu tư của hai nước và cao hơn cả là mang lại sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng các doanh nghiệp hai nước sẽ thực hiện được mục tiêu đó, đồng thời nhấn mạnh sự thành công của các doanh nghiệp cũng chính là thành công của Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Suresh Prabhu, Thượng nghị sĩ, cựu Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ, và Tổng Giám đốc CII Chandrajit Banerjee nhấn mạnh, Chính phủ Ấn Độ đang triển khai Chính sách hướng Đông và Việt Nam là một trong những đối tác rất quan trọng của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á.

Cho rằng thương mại và đầu tư là trụ cột trong quan hệ hai nước, từ quan điểm của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, ông Chandrajit Banerjee khẳng định hai nước đã đạt nhiều kết quả hợp tác trong một số lĩnh vực và còn có nhiều cơ hội hợp tác trong chuỗi giá trị, giáo dục - đào tạo, công nghệ, sản xuất, công nghệ chế biến…

Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tập trung thúc đẩy kết nối cũng như vận chuyển, logistics. Ông cho rằng hai nước cần có chiến lược toàn diện trong kết nối doanh nghiệp hai bên. Việt Nam có sự kết nối chặt chẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Ấn Độ cũng là thành viên năng động trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó hai nước có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong lĩnh vực này, phối hợp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân hai nước…

Tại diễn đàn, Tổng Giám đốc CII nhấn mạnh đến việc phát triển kỹ năng cho người lao động, đặc biệt trong lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao. Do đó, diễn đàn lần này là cơ hội để hai bên chia sẻ, đẩy mạnh phối hợp.

Cựu Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ, ông Suresh Prabhu nhấn mạnh năm 1975, Việt Nam đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng đó có được nhờ sự dũng cảm, bản lĩnh của nhân dân Việt Nam. Việt Nam cũng đã thành công trong công tác xóa đói giảm nghèo...

Trong nhiều năm trước đây, Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng cao. Cả hai nước đều có thể duy trì mức độ tăng trưởng nếu cùng hợp tác chặt chẽ, có thể bổ trợ  cho nhau, bảo đảm tính bền vững. Ấn Độ đã cam kết sản xuất năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững. T

heo đó, hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực này, nâng cao năng lực cho người lao động, đặc biệt không chỉ trong lĩnh vực sản xuất ở mỗi nước mà còn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam có thể bổ trợ bằng cách sản xuất những mặt hàng có thế mạnh. Khi đã xác định thế mạnh của mình, hai nước có thể hoàn toàn mang lại những cơ hội mới cho nhau.

Ông Suresh Prabhu cũng nêu bật tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và đưa ra những ý tưởng mới. Ông cho rằng Việt Nam là hình mẫu trên thế giới, sự thành công thể hiện rõ tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam có thể tiếp tục phát huy.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương, chính sách của Việt Nam luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi mục tiêu, định hướng phát triển. Ông Suresh Prabhu chia sẻ hiện Ấn Độ cũng có chính sách tương tự và cho rằng với những điểm tương đồng, hai nước có thể hợp tác để đem lại tăng trưởng cao, nâng cao đời sống của người dân.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến Lễ trao 12 thoả thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong các lĩnh vực như hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin; chế biến dầu khí và năng lượng; triển khai thực hiện hạ tầng dự án công viên dược tại Việt Nam; thỏa thuận hợp tác về trồng cây dược liệu (nghệ, tiêu đen) theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam; thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực xử lý chất thải thành năng lượng, chất thải công nghiệp và y tế, tái chế; hợp tác đầu tư phát triển các loại thuốc đặc trị COVID-19 mới và các sản phẩm dược tiềm năng khác; hợp tác về chuyển giao công nghệ và công nghệ thông tin; hợp tác về tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; hợp tác về giáo dục và du lịch…; trong đó có 3 dự án với tổng mức đầu tư rất cụ thể lên đến 800 triệu USD.

Đáng chú ý trong đó Tập đoàn SOVICO và Tập đoàn HCL Technologies Limited (Ấn Độ) đã trao đổi thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ (IoT, AI, Big Data…), chuyển đổi và phát minh số trong các ngành hàng không, năng lượng, y tế…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục