Chủ tịch Sovico phản hồi về việc có tên trong hồ sơ Panama

14:44' - 10/05/2016
BNEWS Chủ tịch Sovico khẳng định: “Đây là các thủ tục thông qua đấu thầu quốc tế, kế thừa pháp nhân ở nước ngoài, công khai, minh bạch, phù hợp với luật pháp nước sở tại”.
Chủ tịch Sovico, kiêm Tổng giám đốc Vietjet khẳng định việc mua bán Furama hoàn toàn đúng pháp luật. Ảnh: Bloomberg

Trước thông tin lãnh đạo Tập đoàn Sovico có tên trong danh sách 189 tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có tên trong “Hồ sơ Panama”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, cho biết: “ Chúng tôi đầu tư về Việt nam, mua lại Furama Resort từ tập đoàn nước ngoài là hoạt động bình thường”.

Theo bà Thảo, năm 2005, Sovico là công ty quốc tế, có chủ trương đầu tư về Việt Nam. Cũng trong năm này, Sovico Corporation PTE Ltd đã thắng thầu quốc tế để mua lại toàn bộ phần vốn góp từ các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun (Hong Kong) để trở thành nhà đầu tư nước ngoài thay thế các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun là Furama và Best City Finance, chiếm 75% vốn tại Công ty liên doanh Khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort).

Lãnh đạo Sovico khẳng định: “Đây là các thủ tục thông qua đấu thầu quốc tế, kế thừa pháp nhân ở nước ngoài, công khai, minh bạch, phù hợp với luật pháp nước sở tại”.

Công ty Furama đã có từ năm 1992, do Lai Sun (Hong Kong) thành lập. Việc các tập đoàn thành lập các công ty ở nước ngoài để đầu tư là hình thức phổ biến trên thế giới. Do vậy, cũng theo chủ tịch Sovico, việc doanh nghiệp tiến hành mua lại các công ty này vào năm 2005 là bình thường.

“Chúng tôi là các nhà đầu tư mới thay thế cho các nhà đầu tư trước đó. Do công ty Furama vốn đã nằm trong danh sách công ty do Mossad tư vấn nên khi chúng tôi mua lại thì xuất hiện tên Sovico Pte Ltd trong danh sách cũng là bình thường, cũng như các cá nhân là lãnh đạo của công ty chúng tôi như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng thì cũng xuất hiện theo” - Bà Thảo nói - “Tôi không ngạc nhiên khi bên cạnh Furama của còn có địa chỉ một số khách sạn nước ngoài khác tại Vietnam, cũng như tên một số các cá nhân khác, do các nhà đầu tư nước ngoài có những mô hình đầu tư và cử người lãnh đạo tương đối giống nhau”.

Như BNEWS đã đưa tin, vào 14h chiều ngày 9/5/2016 (giờ Mỹ) tức 2h sang ngày 10/5 (giờ Việt Nam), Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã đăng tải lên mạng thông tin liên quan tới hơn 200.000 thực thể tại nước ngoài do công ty luật Mossack Fonseca thành lập và điều hành.

Cơ sở dữ liệu này của ICIJ chứa thông tin về 320.000 công ty, quỹ đầu tư ở nước ngoài có trong "Hồ sơ Panama" và vụ rò rỉ dữ liệu Offshore Leaks. Trong đó tiết lộ tên và thông tin về 200.000 công ty ở nước ngoài do giới nhà giàu trên toàn thế giới thiết lập. Các dữ liệu được thu thập trong vòng 40 năm tính đến cuối năm 2015, liên quan tới công dân và các công ty tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đối với Việt Nam, dữ liệu của ICIJ cho thấy có 19 công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài có liên quan tới các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam trong vòng 40 năm qua, trong đó có 7 công ty có mặt trong "Hồ sơ Panama".

Đồng thời, cơ sở dữ liệu của ICIJ cũng đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức có mối liên hệ tới các công ty này trong cả hai cơ sở dữ liệu từ "Hồ sơ Panama" và "Offshore Leaks". Trong đó có các tên tuổi lãnh đạo các tập đoàn lớn như: Tập đoàn Sovico, Công ty SSI, Ngân hàng ANZ…

"Hồ sơ Panama" được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới. Theo đó, ngày 3/4/2016, khoảng 11,5 triệu tài liệu, trong đó có 4,8 triệu email, 2,5 triệu bộ hồ sơ với dung lượng 2,6 terabyte từ năm 1977 đến cuối 2015 của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới. 

Các công ty này được cho là lập ra nhằm giúp người giàu né thuế và trong một số trường hợp là rửa tiền. Nhiều công ty được đề cập có liên quan đến thân tín của các chính trị gia và người nổi tiếng trên thế giới./.

Xem thêm:

SSI nói gì về việc có mặt trong hồ sơ Panama

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục