Chứng khoán châu Á đan xen tăng giảm trong chiều 17/1

16:15' - 17/01/2022
BNEWS Nhà đầu tư đang thận trọng đánh giá triển vọng đợt tăng lãi suất dự kiến của Fed và số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại vào cuối năm 2021.

Phiên này, chứng khoán Nhật Bản đi lên với chỉ số Nikkei-225 tại thị trường Tokyo tăng 0,74% (tương đương 209,24 điểm) lên 28.333,52 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần 7 tuần vì các nhà đầu tư bán tháo do lo ngại về áp lực lạm phát gia tăng. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 1,09% (31,82 điểm) và đóng cửa ở mức 2.890,1 điểm - mức thấp nhất kể từ ngày 30/11/2021.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc phiên này phản ánh “bức tranh” đan xen sắc xanh đỏ của thị trường khu vực. Chứng khoán Hong Kong đóng cửa thấp hơn vào thứ Hai khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất, mặc dù cổ phiếu của các sòng bạc tăng trở lại sau khi chính quyền Khu hành chính đặc biệt Ma Cao (Trung Quốc) công bố các cải cách quy định đối với lĩnh vực này không "khắt khe" như lo ngại. Chỉ số Hang Seng giảm 0,68% (165,29 điểm) xuống 24.218,03 điểm.

Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,58% (20,41 điểm) lên 3.541,67 điểm khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với tin tức rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào năm ngoái. Đây được coi là một phần nỗ lực của giới chức Trung Quốc nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng đang có phần “hạ nhiệt” của nước này.

Các thị trường Sydney, Singapore, Wellington, Taipei, Mumbai và Bangkok phiên 17/1 đều trong vùng tăng điểm. Nhưng chứng khoán Manila và Jakarta đi xuống trong chiều thứ Hai.

Trong khi nỗi lo về biến thể Omicron tiếp tục phủ bóng khắp các sàn giao dịch, trọng tâm chú ý của thị trường đang đặt vào kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.

Vào tuần trước, các quan chức Fed đã phát đi một loạt tín hiệu khi đề cập tới lợi ích từ việc tăng lãi suất ngay từ tháng Ba, dù Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết họ sẽ cẩn trọng để đảm bảo không ảnh hưởng tới đà phục hồi của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, thị trường cũng chú ý tới tình hình kinh tế Trung Quốc. Số liệu mới nhất hôm 17/1 cho thấy nền kinh tế lớn số hai thế giới đã tăng trưởng 8,1% vào năm 2021 – mức cao nhất trong 10 năm qua. Nhưng tốc độ tăng đã chậm lại trong ba tháng cuối năm, do Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa để phòng dịch trên khắp đất nước và sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế.

Bất chấp khởi đầu năm 2022 nhiều bất ổn, chuyên gia Eli Lee tại ngân hàng Bank of Singapore vẫn lạc quan về triển vọng chứng khoán thế giới. Chuyên gia này lưu ý về mặt lịch sử, thị trường có xu thế tăng điểm (bull market) không kết thúc khi chu kỳ tăng lãi suất bắt đầu. Trong khi đó, các xu hướng tích cực trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thu nhập sẽ tiếp tục là động lực cơ bản hỗ trợ cho thị trường đi lên.

Tại thị trường trong nước, vào lúc 15 giờ 45 ngày 17/1, chỉ số VN - Index giảm 43,18 điểm (2,89%) xuống 1.452,84 điểm. Chỉ số HNX – Index cũng để mất 21,52 điểm (4,61%) xuống 445,34 điểm./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục