Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên 22/4

19:36' - 22/04/2020
BNEWS Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 22/4, sau hai ngày giới đầu tư đẩy mạnh bán tháo giữa bối cảnh giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 22/4. Ảnh: TTXVN

Khép phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,7% xuống 19.137,95 điểm, chứng khoán Singapore và Bangkok giảm 0,9%, còn chứng khoán Wellington để mất hơn 1%. Thị trường Manila và Sydney phiên này cũng đi xuống. 

Ở chiều ngược lại, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 0,4% lên 23.893,36 điểm, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tiến thêm 0,6% lên 2.843,98 điểm. Các thị trường Mumbai, Seoul, Đài Bắc và Jakarta cùng tăng điểm phiên này.

Trong những tuần gần đây, các thị trường chứng khoán được “tiếp lực” bởi các gói kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD cũng như những kết quả tích cực bước đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 với việc một số quốc gia nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Song hiện giờ, các thị trường chứng khoán đã bắt đầu cảm nhận tác động từ sự sụp đổ của giá dầu.

Giá dầu tại thị trường châu Á đã quay trở lại quỹ đạo giảm trong phiên giao dịch chiều 22/4, với giá dầu Brent tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Thị trường năng lượng tiếp tục “vật lộn” với tình trạng dư cung, trong khi nhu cầu nhiên liệu sụt giảm mạnh do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chiều phiên này, vào lúc 2 giờ 11 phút giờ Việt Nam, tại thị trường Tokyo của Nhật Bản, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2020 giảm 2,37 USD (12%), xuống 16,96 USD/thùng. Giá dầu này có thời điểm trong phiên đã “bốc hơi” 24%, xuống còn 15,98 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 6/1999.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao cùng kỳ hạn cũng lùi 51 xu Mỹ (4,4%), xuống 11,06 USD/thùng.

Đà giảm của giá “vàng đen” trong phiên này diễn ra sau khi thị trường dầu mỏ thế giới vừa chứng kiến những ngày “lao dốc” lịch sử, khi nguồn cung dầu dường như sẽ có xu hướng “áp đảo” nhu cầu tiêu thụ trong vài tháng tới và thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục