Chứng khoán châu Á tăng điểm sau bình luận lạc quan của Chủ tịch Fed

13:19' - 18/05/2020
BNEWS Các TTCK châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch sáng 18/5, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ lạc quan rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể bắt đầu phục hồi trong năm nay.
Chứng khoán châu Á tăng điểm sau bình luận lạc quan của Chủ tịch Fed. Ảnh: AFP/TTXVN
Các chỉ số chính ở Thượng Hải, Tokyo, Hong Kong và Australia đều tăng điểm, trong đó, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,2% lên 2.874,89 điểm, còn chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo tăng 0,3% lên 20.105,84 điểm. Chỉ số Hang Seng ở Hong Kong cũng ghi thêm 0,1% lên 23.819,26 điểm.

Bên cạnh đó, chỉ số Kospi ở Seoul tăng 0,5% lên 1.935,73 điểm, còn chỉ số S&P-ASX 200 của Australia tiến thêm 1,4% lên 5.478,10 điểm. Sắc xanh cũng được ghi nhận tại các thị trường New Zealand và Singapore.

Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 17/5 đã bày tỏ lạc quan rằng kinh tế Mỹ có thể bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm nay, nếu dịch COVID-19 không bùng phát lần thứ hai, song ông cho biết kinh tế sẽ không thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi có vắc-xin. Bình luận này dường như đã tiếp thêm động lực cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm dấu hiệu khi nào thì các nền kinh tế trên toàn cầu sẽ quay trở lại bình thường.

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình “60 phút” của đài truyền hình CBS, ông Powell cho biết kinh tế Mỹ về cơ bản là "khỏe mạnh" trước khi dịch COVID-19 buộc nước này phải đóng cửa hoạt động kinh doanh và hàng chục triệu người mất việc làm. Theo ông, đợt suy thoái lần này là do dịch bệnh từ bên ngoài chứ không phải những vấn đề nội tại như sự không ổn định về tài chính vốn đã dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 2008. Điều này có nghĩa là kinh tế Mỹ có thể phục hồi khá nhanh.

Giới đầu tư dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi số liệu GDP của Nhật Bản cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ năm 2015 khi ghi nhận hai quý tăng trưởng âm liên tiếp do phải vật lộn với tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo số liệu chính thức sơ bộ của Văn phòng Nội các Nhật Bản, so với cùng kỳ năm ngoái, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã giảm đến 3,4% trong quý I khi cả tiêu dùng tư nhân, chi tiêu vốn và xuất khẩu đều sụt giảm. Trước đó, trong quý IV/2019 kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận mức giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước đó, qua đó chính thức rơi vào suy thoái khi tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Lần gần đây nhất kinh tế Nhật Bản suy thoái là vào nửa cuối năm 2015.

Trong khi đó, Nhà Trắng lại làm gia tăng sự bất ổn về thương mại khi thắt chặt hạn chế đối với tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Washington cho biết các công ty sản xuất chip sử dụng công nghệ của Mỹ phải được phép của nước này mới được bán sản phẩm cho Huawei./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục