Chứng khoán Mỹ có chinh phục được tháng 9 nhiều khó khăn?

16:25' - 29/08/2021
BNEWS Đợt tăng “rực rỡ” vừa qua đã giúp các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ tăng gấp đôi từ mức thấp sau đại dịch.

Nhưng Phố Wall sắp bước vào tháng tồi tệ nhất trong năm đối với chứng khoán, khi các nhà đầu tư tập trung vào diễn biến dịch COVID-19 trên toàn quốc và kế hoạch rút lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Lịch sử có thắng thế?
Theo ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư tại công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường CFRA, tháng Chín thường là tháng tồi tệ nhất trong năm của S&P 500 khi chỉ số này giảm trung bình 0,56% kể từ năm 1945.

Dữ liệu của CFRA cũng cho thấy S&P 500 chỉ tăng 45% trong số các tháng Chín tính từ mốc nêu trên đến nay, tỷ lệ thấp nhất cho bất kỳ tháng nào trong năm.

Nhưng lần này, thị trường chứng khoán Mỹ đang có những động lực hỗ trợ. Chỉ số S&P 500 đã ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục thứ 52 trong năm vào phiên cuối tuần 27/8 và tăng 20% tính từ đầu năm 2021 đến nay, với 287 phiên mà không có mức giảm từ 5% trở lên.
Hiệu suất đó đã báo hiệu mức lợi nhuận tương đối mạnh trong quá khứ. Theo dữ liệu từ công ty môi giới tài chính LPL Financial, trong những năm S&P 500 đạt 30 mức cao mới trở lên cho đến tháng Tám, chỉ số này sẽ ghi nhận mức tăng trung bình 5,2% trong phần còn lại của năm. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình 3,6% trong các năm khác không có yếu tố trên.
Thêm vào đó, bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 27/8 đã làm giảm bớt lo ngại rằng ngân hàng trung ương này sẽ sớm rút lại chương trình mua trái phiếu chính phủ hàng tháng trị giá 120 tỷ USD. Chương trình này đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc và đẩy S&P lên các mức kỷ lục mới.
Tuy nhiên, các dấu hiệu thận trọng đang tăng lên ở một số khu vực thị trường. Một phần lý do là nhà đầu tư lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng trên khắp đất nước. Một phần khác là sự không chắc chắn về việc Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh ra sao khi ngân hàng trung ương này bắt tay điều chỉnh.

Những nỗi lo còn ám ảnh thị trường
Ông JJ Kinahan, nhà chiến lược thị trường trưởng tại nền tảng môi giới đầu tư trực tuyến TD Ameritrade, cho biết với những lo lắng về biến thể Delta đang ngày một tăng cao, việc giới đầu tư tiếp tục đặt câu hỏi về đà tăng dựa trên cân nhắc về tính thời vụ là không khó hiểu.
Trong khi các chỉ số chính đều đứng gần mức cao mới, nhiều cổ phiếu đã bị bỏ lại phía sau. Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường All Star Charts, hôm 24/8 đánh dấu lần đầu tiên trong gần bảy năm S&P 500 đạt mức đóng cửa cao nhất, trong khi đường trung bình động 10 ngày cho thấy nhiều cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq xuống mức thấp nhất trong 52 tuần so với mức cao nhất trong cùng giai đoạn.
Các nhà đầu tư cũng đang cắt giảm tỷ lệ đòn bẩy, với giá trị các khoản nợ ký quỹ giảm 4,3% xuống 844 tỷ USD trong tháng Bảy ngay cả khi S&P tăng hơn 2%. Theo phân tích của ngân hàng Bank of America Global Research, chỉ số S&P 500 thường giảm điểm trong vòng 1 năm sau khi nợ ký quỹ đạt mức đỉnh, với tỷ lệ giảm lên tới 71%.
Mặc dù mức tăng từ đầu năm tới nay của thị trường là rất ngoạn mục, giới đầu tư đã đặt câu hỏi về động lực còn lại cho đợt tăng này. Một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters trong tuần này cho thấy các chiến lược gia tin rằng chỉ số S&P 500 có khả năng kết thúc năm 2021 ở mức không xa so với mức hiện tại.
Những dấu hiệu đầu tiên về tác động của biến thể Delta đối với nền kinh tế Mỹ sẽ được hé lộ vào thứ Sáu tới (3/9) thông qua báo cáo việc làm cho tháng Tám, sau những kết quả gây thất vọng gần đây về tâm lý người tiêu dùng và doanh số bán lẻ.
Ông Jack Janasiewicz, người phụ trách danh mục đầu tư tại công ty giải pháp đầu tư Natixis Investment Managers Solutions, cho biết sau khi lọc qua những ồn ào náo động của thị trường, bản báo cáo này là điều thị trường đang tập trung nhất vào hiện tại.
Vẫn còn hy vọng cho đợt tăng kéo dài
Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến ủng hộ cho quan điểm rằng thị trường chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục tăng cao hơn vào cuối năm.
BofA Securities cho biết hoạt động mua lại cổ phiếu của các khách hàng doanh nghiệp vào tuần trước đã đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2021, trong khi đây là một nguồn hỗ trợ tiềm năng cho thị trường chứng khoán. Nhóm doanh nghiệp tài chính dẫn đầu làn sóng này với mức mua lại cổ phiếu theo tuần cao nhất kể từ năm 2010 đến nay.

Ông Rick Rieder, người phụ trách mảng đầu tư về thu nhập cố định toàn cầu của công ty tài chính BlackRock, cho biết bất chấp sự gia tăng đột biến của số ca nhiễm COVID-19 mới, ông nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục ổn định nhờ chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư vẫn sẵn sàng nhảy vào bất kỳ đợt sụt giảm nào do biến động gia tăng trong những tuần tới. Chuyên gia Janasiewicz của Natixis cho hay nếu thị trường chứng khoán ghi nhận sự sụt giảm trong tháng Chín này, ông chắc chắn sẽ khuyến khích các khách hàng của mình coi đây như một cơ hội để mua vào./.

>>Mâu thuẫn giám sát kiểm toán Mỹ-Trung lên mức “đỉnh điểm”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục