Chứng khoán Mỹ có thật sự “sáng bừng lên” như kỳ vọng?

05:30' - 17/08/2022
BNEWS Sự lạc quan dường như đang quay trở lại thị trường chứng khoán Mỹ, khi một số nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tránh được rủi ro suy thoái nghiêm trọng.

Tại Phố Wall, chỉ số S&P 500 đã phục hồi khoảng 15% kể từ giữa tháng Sáu, qua đó thu hẹp một nửa mức sụt giảm nghiêm trọng được ghi nhận trong năm tính đến thời điểm hiện tại. Cùng với đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng 20%.

* Tâm lý lạc quan mạnh mẽ thống trị thị trường

Nhiều “cổ phiếu meme”, là cổ phiếu vốn hóa nhỏ được hậu thuẫn bởi làn sóng nhà đầu tư cá nhân, trong đó có nhiều cổ phiếu tăng-giảm với tốc độ chóng mặt, chịu ảnh hưởng trong nửa đầu năm nay cũng đã bật tăng trở lại, trong khi Chỉ số Biến động CBOE, chỉ số đo lường trạng thái biến động chung của thị trường chứng khoán và là thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, đứng gần mức thấp nhất trong 4 tháng.

Trong tuần qua, tâm lý lạc quan đối với thị trường đã đạt mức cao nhất kể từ tháng Ba, theo một cuộc khảo sát từ Hiệp hội các nhà đầu tư cá nhân Mỹ. Đầu năm nay, chỉ số này đã giảm xuống mức thấp nhất của gần 30 năm, khi thị trường chứng khoán trải qua nhiều xáo trộn với những lo ngại về kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Mark Hackett, Trưởng bộ phận nghiên cứu đầu tư của tổ chức tài chính Nationwide, cho biết, thị trường tài chính Mỹ đã trải qua rất nhiều nỗi đau, nhưng quan điểm giao dịch của giới đầu tư đã trở nên lạc quan hơn rất nhiều.

Tại Mỹ, các số liệu trong hai tuần qua đã củng cố hy vọng rằng Fed có thể mang đến một kịch bản “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế. Trong khi báo cáo việc làm mạnh mẽ của tuần trước đã xoa dịu lo ngại về suy thoái, Chỉ số tiêu dùng tại Mỹ cũng cho thấy tốc độ tăng theo tháng thấp nhất kể từ năm 1973.

Sự thay đổi tích cực trên thị trường đã được phản ánh trong dữ liệu do bộ phận nghiên cứu toàn cầu Global Research của ngân hàng Bank of America (BoFA) công bố hôm 12/8. Theo đó trong tuần qua, cổ phiếu công nghệ đã chứng kiến dòng tiền chảy vào lớn nhất trong khoảng hai tháng, giữa lúc Trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS), được sử dụng để bảo vệ chống lại lạm phát, ghi nhận tuần thứ 5 liên tiếp có dòng tiền chảy ra.

Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty quản lý tài sản B. Riley Wealth, cho biết thị trường việc làm lành mạnh và chỉ số lạm phát giảm là những yếu tố giúp người ta tin vào một kịch bản “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ. Tuần vừa qua cũng là tuần tăng thứ tư liên tiếp của chỉ số S&P 500.

Một số người tham gia thị trường cho rằng sự tăng vọt nhanh chóng của giá cổ phiếu là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nhanh chóng rời bỏ vị thế đầu tư thị trường gấu của mình.

Trước đó, khi thị trường chứng khoán giảm xuống mức thấp nhất của nhiều tháng, thị trường đã nhận được hỗ trợ từ các quỹ theo dõi biến động và sau đó chuyển sang tăng giá khi biến động giảm dần.

* Mặc dù vậy, sự chao đảo vẫn tồn tại

Các nhà đầu tư vào tuần tới sẽ theo dõi số liệu về doanh số bán lẻ và nhà ở của Mỹ. Ngoài ra, một số nhà bán lẻ hàng đầu, bao gồm Walmart và Home Depot, cũng sẽ công bố báo cáo lợi nhuận, qua đó cung cấp thêm thông tin chi tiết về “sức khỏe” tiêu dùng.

Chắc chắn rằng sự chao đảo vẫn sẽ tồn tại trên thị trường Mỹ, với nhiều nhà đầu tư còn bị ám ảnh bởi đợt sụt giảm lên đến 20,6% của chỉ số S&P 500 chỉ trong sáu tháng đầu năm.

Kịch bản Fed sẽ kết thúc việc tăng lãi suất sớm hơn dự đoán dường như không còn được kỳ vọng, và các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng lạm phát có thể quay trở lại trong những tháng tới.

Trong khi đó, một số nhà đầu tư đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phục hồi chóng mặt của xu hướng đầu tư chấp nhận rủi ro. Giá chứng chỉ quỹ đầu tư Ark Innovation ETF, từng chịu thiệt hại nặng nề trong giai đoạn thị trường gấu năm nay, đã tăng khoảng 35% kể từ giữa tháng 6, trong khi cổ phiếu của AMC Entertainment Holdings, một trong những “cổ phiếu meme” thời kỳ đầu, đã tăng gấp đôi giá trị trong cùng thời gian.

Matthew Miskin, đồng Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty quản lý tài sản John Hancock Investment Management, nhận định: “Bạn nhìn vào các tài sản ngay bây giờ và bạn không còn nhận thấy yếu tố lo sợ rủi ro được phản ánh trên thị trường nữa”.

Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư tại công ty tư vấn Truist Advisory Services, tin rằng kháng cự kỹ thuật và nguy cơ “bong bóng” giá cổ phiếu có khả năng khiến S&P 500 khó vượt xa mốc 4.200-4.300. Chỉ số này đã dao động ở mức 4.249 trong phiên chiều ngày 12/8.

Ngoài ra, tính thời điểm cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Tháng Chín tới đây, khi Fed tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo, có lẽ sẽ là tháng tồi tệ tiếp theo của chứng khoán Mỹ.

Giám đốc Hogan đến từ B. Riley Wealth cho biết, tháng Tám là thường là mùa cao điểm du lịch của các nhà đầu tư Phố Wall, do đó, khối lượng giao dịch có thể đã giảm, tạo nên sự khuấy động đối với thị trường.

"Trong môi trường thanh khoản thấp hơn, từng động thái giao dịch trên thị trường có thể bị phóng đại hoặc làm trầm trọng thêm”, ông Hogan nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục