Chứng khoán Mỹ ghi nhận một tuần bứt phá

11:56' - 07/09/2019
BNEWS Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ bứt phá đi lên, trước diễn biến tích cực tại Hong Kong, tiến trình đàm phán Brexit, cam kết hỗ trợ nền kinh tế của Fed và gói kích thích mới của Trung Quốc.
Giao dịch viên tại sàn giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ ngày 5/8/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 1,8%, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,5% và chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,8%. 

Sau khi đóng cửa nghỉ lễ trong phiên đầu tuần (2/9), chứng khoán Mỹ đã khép lại phiên 3/9 trong sắc đỏ giữa những quan ngại về kịch bản Brexit không thỏa thuận và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Đây cũng phiên mất điểm đầu tiên của Phố Wall sau khi các mức thuế mới mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ đầu tháng Chín. Bên cạnh đó, thị trường còn chịu tác động bởi số liệu cho thấy trong tháng 8/2019 hoạt động của ngành chế tạo Mỹ đã sụt giảm lần đầu tiên trong ba năm qua.

Tuy nhiên, tới phiên giao dịch 4/9, chứng khoán Mỹ bứt phá đi lên mạnh mẽ khi nhà đầu tư tạm gác nỗi lo về căng thẳng thương mại trước tiến triển tích cực tại Hong Kong và diễn biến mới xung quanh tiến trình Brexit.

Các nhà giao dịch cho biết sau khi đi xuống trong phiên 3/9, các chỉ số chứng khoán đã phục hồi trở lại trong phiên 4/9 sau khi Trưởng Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tuyên bố chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi trong nhiều tháng qua.

Gregori Volokhine, nhà quản lý quỹ tại Meeschaert Financial Services, nhận định quyết định này đã phần nào giúp xóa tan nỗi lo của giới đầu tư.

Trong khi đó, tối 4/9 theo giờ địa phương, tức rạng sáng 5/9 theo giờ Hà Nội,  Hạ viện Anh thông qua một dự luật có thể buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson phải trì hoãn tiến trình Brexit đến 3 tháng.

Một nhân tố khác tác động đến thị trường là báo cáo ngày 4/9 từ Fed đánh giá rằng kinh tế tăng trưởng khiêm tốn. Theo báo cáo này, bất chấp những lo ngại về hàng rào thuế và sự thiếu chắc chắn của chính sách thương mại, phần lớn các doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng trong ngắn hạn.

Sang phiên giao dịch ngày 5/9, chứng khoán Phố Wall đặc biệt sôi động, với các chỉ số quan trọng đều tăng hơn 1% sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay trong cuộc điện đàm ngày 4/9 với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Phó Thủ Tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại của Bắc Kinh, đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán thương mại vào tháng 10 tới.

Trong phiên cuối tuần (6/9), các chỉ số chứng khoán Mỹ hầu hết tăng điểm, trước báo cáo về thị trường lao động, phát biểu mới của người đứng đầu Fed và kế hoạch kích thích kinh tế Trung Quốc. Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 69,45 điểm (0,26%) lên 26.797,6 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 2,72 điểm (0,09%) lên 2.978,72 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 13,75 điểm (0,17%) xuống 8.103,07 điểm.

Báo cáo mới đây cho thấy tăng trưởng việc làm tại Mỹ đã chậm hơn dự kiến trong tháng Tám. Song, bù đắp lại là mức tăng lương mạnh, dự kiến sẽ hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng và giữ cho nền kinh tế mở rộng vừa phải trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng.

Cũng trong ngày 6/9, phát biểu tại Đại học Zurich, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết thị trường lao động vẫn vững mạnh và ngân hàng này sẽ tiếp tục hành động phù hợp để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Ông cũng khẳng định Mỹ và kinh tế thế giới không có khả năng rơi vào suy thoái.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 6/9 cho biết đã quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của tất cả các ngân hàng trong nước khoảng 50 điểm cơ bản.

Đây là lần đưa ra quyết định cắt giảm tỷ lệ RRR thứ ba của PBoC kể từ đầu năm 2019 đến nay, giúp các ngân hàng "giải phóng" 900 tỷ NDT (126,35 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế trong nước đang trong tình trạng "giảm tốc".

Các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc thông báo các biện pháp nới lỏng chính sách khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đứng trước sức ép ngày một tăng từ các mức thuế mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này và nhu cầu trong nước yếu kém.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục