Chứng khoán Mỹ giảm hơn 3% do những bất ổn trong thương mại Mỹ - Trung

08:21' - 05/12/2018
BNEWS Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đều đi xuống trong phiên 4/12, giữa lúc thị trường tỏ vẻ lo ngại khi Nhà Trắng phát đi những tín hiệu trái chiều về vấn đề tranh chấp thương mại với Trung Quốc.
Chứng khoán Mỹ giảm hơn 3% do những bất ổn trong thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: TTXVN phát

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/12 tại Phố Wall, chỉ số công nghiệp Down Jones mất 799,36 điểm (3,1%) xuống còn 25.027,07 điểm. Chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq lần lượt giảm 3,24% và 3,80% xuống khép phiên ở mức 2.700,06 điểm và 7.158,43 .

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) đã giảm 0,6% xuống 7.022,76 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) sụt mất 1,1% xuống 11.335,32 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,8% xuống 5.012,66 điểm.

Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 cũng hạ 0,8% xuống 3.189,25 điểm vào lúc đóng cửa phiên giao dịch.

Thị trường không còn giữ được đà hưng phấn đối với thỏa thuận "ngưng chiến" về thương mại mà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt được tại Buenos Aires, và đây được xem là tác nhân chính khiến thị trường chứng khoán tại Mỹ giảm điểm.

Giới đầu tư lo ngại sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, tạo thêm sức ép đối với châu Âu và châu Á - hai khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong tăng trưởng.

Hoạt động bán tháo cổ phiếu xuất hiện ngay từ thời điểm mở cửa, khi các nhà đầu tư mất phương hướng trước những thông tin có tính gây nhiễu mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra. Đơn cử như việc có hay không việc Trung Quốc đã đồng ý giảm và rỡ bỏ rào cản đối với xe ô tô nhập khẩu từ Mỹ như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cùng với đó, việc bổ nhiệm ông Robert Lighthizer làm trưởng phái đoàn đàm phán của phía Mỹ cũng gây ra những lo ngại, vì Đại diện thương mại Mỹ là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và cổ vũ quan điểm đánh thuế hàng nhập khẩu từ quốc gia châu Á này.

Ngoài ra, cơ quan xếp hạng tín dụng S&P mới đây đã đưa ra nhận định rằng kinh tế Mỹ đang ở “nửa sau” của vòng tăng trưởng đã kéo dài nhiều năm liền. S&P dự báo nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ giảm từ 2,9% trong năm nay xuống 2,3% vào năm 2019 và 1,8% năm 2020.

Lo ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế đã khiến các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ các tài sản “trú ấn an toàn” có giá trị trong thời kỳ bất ổn kinh tế, đặc biệt là trái phiếu chính phủ của Mỹ. Lãi suất đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức 2,926%, so với mưc s 2,990% một ngày trước đó.

Cầu của trái phiếu tăng khiến chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu 2 năm với trái phiếu 10 năm rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007 - một xu thế thường được xem là chỉ dấu cho xu hướng chớm rơi vào suy thoái.

>>>Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống

>>>Chứng khoán Mỹ xanh sàn khi Mỹ- Trung Quốc tạm dừng cuộc chiến thương mại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục