​Chứng khoán Mỹ tăng điểm tuần thứ hai nhờ thông tin tích cực về vắc-xin COVID-19

12:26' - 14/11/2020
BNEWS Tuần qua, thị trường ghi nhận biến động ở mức cao, do tác động của diễn biến liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19.

Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trong tuần thứ hai trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng vào việc ra mắt một loại vắc-xin ngừa COVID-19, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về diễn biến của dịch bệnh trên thế giới khi nhiều nước cân nhắc thực hiện các đợt phong tỏa mới để kiềm chế làn sóng lây nhiễm.

Tuần qua, thị trường ghi nhận biến động ở mức cao, do tác động của diễn biến liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19.

Điểm sáng của thị trường tuần này là việc hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech của Đức ngày 9/11 thông báo loại vắc-xin ngừa COVID-19 do hai hãng này phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người, cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối.

Tin tức này đã giúp đẩy chỉ số tổng hợp S&P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng mạnh trong phiên giao dịch cùng ngày, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ sớm trở lại bình thường như trước đại dịch.

Thị trường chứng khoán có sự phân hóa mạnh mẽ trong các phiên giao dịch tiếp theo. Tín hiệu tích cực trong sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 làm tăng giá trị nhóm cổ phiếu trong các ngành như năng lượng, du lịch và tài chính - những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chính sách đóng cửa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Trong khi đó, những cổ phiếu được hưởng lợi trong thời gian thực hiện lệnh phong tỏa lại lao dốc.

Đến phiên 12/11, đà tăng điểm gần đây “bốc hơi” do hoạt động chốt lời và hy vọng về vắc-xin bị “lấn át” bởi những lo ngại về số ca mắc mới gia tăng, đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Phiên giao dịch cuối tuần 13/11 chứng kiến các chỉ số chủ chốt trên Phố Wall lại đi lên trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan về triển vọng sắp tới, dựa vào những dự báo về khả năng thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 giai đoạn cuối của Pfizer và BioNTech sẽ thành công.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã có thời điểm vượt mốc cao nhất ghi nhận vào phiên 12/2 là 29.551,42 điểm. Chỉ số này đóng cửa phiên tăng 1,4% lên 29.479,81 điểm.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng thiết lập kỷ lục mới với mức chốt phiên là 3.585,15 điểm, tăng 1,4%. Cùng đà đi lên, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1% lên 11.829,29 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 4,1%, chỉ số S&P 500 tiến thêm 2,2%, còn chỉ số Nasdaq giảm 0,6%.

Giới đầu tư đang hướng sự chú ý đến những diễn biến ở Washington khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không công nhận kết quả cuộc bầu cử mà các hãng truyền thông đưa ra, theo đó, lợi thế đang nghiêng về ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Điều này đã làm dấy lên lo ngại về quá trình chuyển giao công việc cho ông Joe Biden, đồng thời làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu các nhà lập pháp Mỹ có thể thông qua gói kích thích kinh tế bổ sung được nhiều người kỳ vọng hay không.

Về xu hướng thị trường, Giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management, Mark Haefele cho rằng các nhà giao dịch hướng đến những lĩnh vực mang tính chu kỳ nhiều hơn của thị trường vốn bị tụt hậu trong năm 2020 và giảm đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ cũng như những cổ phiếu được lợi nhờ các biện pháp phong tỏa.

Tuy nhiên, Michael Hewson, trưởng nhóm phân tích thị trường tại CMC Markets UK cho rằng, bất chấp sự lạc quan về triển vọng của vắc-xin, thực tế là việc công bố một vắc-xin khả thi không thể ngăn chặn những gì hiện đang diễn ra trên khắp châu Âu, cũng như Mỹ.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, trong phát biểu mới đây, đã cảnh báo các nhà đầu tư không nên "cường điệu" tin tức về vắc-xin.

Ông cho rằng còn quá sớm để đánh giá một cách chắc chắn tác động của tin tức (về vắc-xin) đối với hướng đi của nền kinh tế, đặc biệt là trong thời gian tới, và vài tháng tới có thể là giai đoạn đầy thách thức.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp tại Mỹ với hơn 180.000 ca mắc mới và 1.393 ca tử vong được ghi nhận trong 24h qua.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lây lan rất nhanh, Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực trấn an người dân khi ông bày tỏ hy vọng sẽ có một loại vắc-xin ngừa COVID-19 cho toàn dân sớm nhất vào tháng Tư tới.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng khẳng định sẽ không đóng cửa trở lại nền kinh tế trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trong khi đó, tại bang New York, chính quyền đang gấp rút triển khai những biện pháp chống dịch nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai.

Thống đốc bang Andrew Cuomo đã yêu cầu tất cả cơ sở kinh doanh được phép bán đồ uống có cồn, như các quán bar và nhà hàng, đóng cửa từ 22h hằng ngày.

Lệnh này có hiệu lực từ ngày 13/11. New York từng là tâm dịch của Mỹ trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên nhưng tới nay nhiều địa phương của Mỹ cũng đã trở thành các điểm nóng và dịch bệnh hầu như đã xuất hiện tại tất cả các địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục