Chứng khoán ngày 19/9: Lực bán dâng cao, VN-Index giảm về gần mốc 1.200 điểm

16:08' - 19/09/2022
BNEWS Cùng chung xu hướng với thị trường chứng khoán châu Á, thị trường chứng khoán Việt Nam ngập trong sắc đỏ ngay khi mở cửa phiên giao dịch.

Diễn biến càng trở nên tiêu cực hơn trong phiên chiều, đặc biệt là lực bán tăng mạnh trước phiên ATC (lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa dù đó là bất kỳ giá nào).

Sắc xanh chỉ còn xuất hiện lác đác tại các nhóm cổ phiếu. Đáng chú ý, nhóm chứng khoán và bất động sản đồng loạt giảm sàn.

Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 27 mã giảm giá; trong đó, GVR còn giảm xuống giá sàn. Các mã vốn hóa lớn đầu ngành như: SSI giảm 5,9%, POW giảm 5,3%, BVH giảm 5,2%, PDR giảm 4,7%...  Trong nhóm này chỉ còn 2 mã tăng giá là FPT tăng 0,7%, VIC tăng 0,6%.

Trong nhóm ngân hàng cũng chỉ còn 2 mã tăng giá là EIB và KLB, BAB đứng ở tham chiếu. Tất cả 24 mã cổ phiếu ngân hàng còn lại đều giảm giá; trong đó, SHB giảm 5,1%, TPB giảm 4,9%, NAB giảm 4,4%, LPB giảm 3,9%, STB giảm 3,8%, BID và MBB đều giảm 3,7%, VIB giảm 3,1%...

Tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, chỉ còn duy nhất WSS giữ được sắc xanh. Hàng loạt mã chứng khoán giảm kịch sàn như: AGR, APG, ART, BCG, BSI, CTS, FTS, VCI, VIX. Các mã trụ cột như: SSI, SHS, HCM, VND, VDS, MBS… giảm rất sâu, nhiều mã giảm sát giá sàn.

Tại nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm cũng chỉ còn 2 mã ở chiều tăng giá là AIC và BLI. Hàng loạt mã giảm mạnh trong nhóm này như: BVH, BIC, BMI, PTI, PTI, PVI, VNR, MIG; trong đó, MIG giảm sàn.

Nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ còn PVB tăng giá. Các mã BSR, OIL, PLX, POS, PTV, PVC, PVD và PVS giảm giá; trong đó, PVD giảm sàn.

Nhóm cổ phiếu hóa chất giảm mạnh, đặc biệt các cổ phiếu phân bón giảm sàn như: BFC, DCM, DPM.

Cổ phiếu ngành bất động sản cũng giảm giá rất sâu. Nhiều mã giảm hết biên độ như: AMD, BII, CKG, CSC, HDC, HDG, IDC, IDJ, KBC, KHG, LDG, LHG, PVL, VRC.

Thị trường giảm sâu, nhưng khối ngoại mua ròng nhẹ trong phiên hôm nay. Theo đó, khối ngoại mua ròng 149,43 tỷ đồng trên HOSE, trong khi bán ròng 9,33 tỷ đồng trên HNX và 5,52 tỷ đồng trên UPCOM.

Chốt phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 28,6 điểm xuống 1.205,43 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 702 triệu đơn vị, tương ứng hơn 16.706 tỷ đồng. Toàn sàn có 64 mã tăng giá, trong khi có tới 399 mã giảm giá và 42 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 8,63 điểm xuống 264,25 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 91,3 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 2.008,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 51 mã tăng giá, 162 mã giảm giá và 34 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 1,12 điểm xuống 88,34 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 39,7 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 668 tỷ đồng. Toàn sàn có 87 mã tăng giá, 201 mã giảm giá và 56 mã đứng giá./.

Sáng 19/9, thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trước dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố một đợt tăng lãi suất tiếp theo trong tuần này.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 0,12% xuống 3.122,75 điểm, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 0,35% xuống 18.695,35 điểm. 

Phiên này, các thị trường chứng khoán Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc), Singapore, Manila (Philippines) và Wellington (New Zealand) cũng chìm trong sắc đỏ. Trong khi thị trường Tokyo đóng cửa nghỉ lễ.

Những hy vọng rằng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất đã tiêu tan sau khi Mỹ công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Tám tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với dự báo 8,1% của các nhà kinh tế đưa ra trước đó.

Số liệu trên đã khiến các nhà đầu tư ngày càng bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Nhiều nhà quan sát đã cảnh báo về một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở nhiều quốc gia khi lạm phát “bào mòn” ngân sách của các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, một loạt vấn đề bất ổn như xung đột Nga-Ukraine và chính sách phong tỏa của Trung Quốc cũng khiến các chỉ số chứng khoán có nguy cơ rơi trở lại mức thấp hồi tháng Sáu.

Nhiều các nhà giao dịch dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp, thậm chí  một số người còn dự đoán về mức tăng 100 điểm cơ bản. Các nhà hoạch định chính sách; trong đó có cả Chủ tịch Fed Jerome Powell, đã nhiều lần khẳng định mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc đẩy nền kinh tế vào suy thoái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục