Chứng khoán thế giới suy giảm do căng thẳng thương mại Mỹ Trung

13:40' - 24/08/2019
BNEWS Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nguy cơ suy thoái kinh tế và những đồn đoán về đường hướng chính sách tiền tệ của Fed là những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán thế giới tuần qua.
Chứng khoán Mỹ kết thúc tuần giao dịch vừa qua với một phiên cuối tuần chìm ngập trong sắc đỏ. Ảnh minh họa: TTXVN

Những lo ngại xung quanh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và nguy cơ suy thoái kinh tế, cũng như những đồn đoán về đường hướng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là những yếu tố chính chi phối diễn biến của các thị trường chứng khoán thế giới trong tuần giao dịch đầy biến động vừa qua.

Thị trường chứng khoán thế giới đi lên trong phiên đầu tuần, trong đó ba chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall đều tăng trên 1%, nhờ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về các biện pháp kích thích kinh tế ở Trung Quốc và Đức, bên cạnh dấu hiệu "hòa giải" giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc thương chiến đang diễn ra.

Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cảnh báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có thể rơi vào suy thoái trong quý III/2019. Thông báo này đã làm dấy lên đồn đoán Đức sẽ sớm triển khai một chương trình nhằm kích thích kinh tế.

Các nhà quan sát thị trường cũng mong đợi các biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa từ Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời tin tưởng rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát đi thông điệp ôn hòa về lãi suất tại hội nghị chuyên đề ở Jackson Hole, Wyoming.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng việc chính quyền Tổng thống Trump quyết định hoãn lệnh cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei trong 90 ngày được coi là một động thái hòa giải trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, các quan chức cấp cao khác của Mỹ nhấn mạnh nỗ lực nối lại đàm phán với Bắc Kinh.

Bước sang phiên ngày 20/8, thị trường chứng khoán châu Âu đi xuống trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư.

Chiến lược gia Ken Berman, thuộc hãng Gorilla Trades, nhận định nguy cơ Brexit (chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu) không thỏa thuận cùng với cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy có thể sẽ làm tổn thương đến nền kinh tế châu Âu vốn đang gặp khó khăn.

Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ kết thúc chuỗi ba phiên tăng điểm trước đó, trước khi Fed công bố biên bản cuộc họp tháng Bảy, giữa bối cảnh vẫn còn những quan ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm.

Chiến lược gia về thị trường Quincy Krosby, thuộc Prudential Financial, nhận định việc các chỉ số chứng khoán sụt giảm không gây bất ngờ sau khi tăng hơn 1% trong phiên 19/8.

Theo bà Quincy Krosby, các nhà đầu tư lo ngại về biên bản cuộc họp chính sách ngày 30-31/7 mà Fed dự kiến công bố trong ngày 21/8. Tại cuộc họp cuối tháng trước, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell lại phát đi những tín hiệu không rõ ràng về việc liệu có cắt giảm thêm lãi suất trong năm nay hay không.

Tuy nhiên, sắc xanh đã quay trở lại với Phố Wall trong phiên giao dịch 21/8, với các chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng điểm, khi các nhà đầu tư lạc quan trước một loạt báo cáo lợi nhuận khả quan của các doanh nghiệp trong quý II/2019. Trong đó, giá cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ Target và công ty quảng cáo Lowe tăng mạnh sau khi hai doanh nghiệp này báo cáo lợi nhuận vượt dự báo.

Phiên 22/8 lại chứng kiến những diễn biến trái chiều trên thị trường chứng khoán Mỹ, giữa lúc các nhà đầu tư đang chờ bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell tại hội nghị Jackson Hole.

Đặc biệt đầu phiên này, thị trường tăng điểm mạnh, nhưng sau đó đi xuống khi thị trường trái phiếu Mỹ tiếp tục trải qua một đợt đảo ngược lợi suất của trái phiếu kỳ hạn, theo đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mức lợi suất của trái phiếu kỳ hạn hai năm. Điều này làm gia tăng lo ngại về nguy cơ xảy ra một đợt suy thoái.

Chứng khoán Mỹ kết thúc tuần giao dịch vừa qua với một phiên cuối tuần chìm ngập trong sắc đỏ, khi những đồng thái mới nhất từ Washington và Bắc Kinh đã khiến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang và làm gia tăng những lo ngại về nguy cơ suy thoái.

Trên Phố Wall, Dow Jones để mất hơn 600 điểm, hay 2,4%, xuống còn 25.628,90 điểm, qua đó đẩy chỉ số công nghiệp này vào tuần mất điểm thứ tư liên tiếp. Chỉ số S&P 500 giảm 2,6% xuống còn 2.847,11 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq giảm đến 3% và khép phiên ở mức 7.751,77 điểm.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm khá mạnh. Chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) giảm 0,5% xuống còn 7.094,98 điểm.

Trong khi đó, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) để mát 1,1% và khép phiên ở mức 5.326,87 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) và chỉ số tổng hợp Euro Stoxx đồng loạt giảm 1,2% xuống các mức lần lượt 11.611,51 điểm và 3.334,25 điểm.       

Trước đó, bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị chuyên đề ở Jackson Hole, Wyomingđược dự đoán sẽ là trọng tâm chi phối diễn biến của thị trường trong phiên này.

Tại sự kiện này, ông Powell cho biết nền kinh tế Mỹ đang ở một thời điểm thuận lợi và Fed sẽ "hành động phù hợp" để duy trì đà tăng trưởng hiện tại.

Thị trường chứng khoán đã tăng điểm ngay sau phát biểu trên của Chủ tịch Fed, nhưng sau đó lại đột ngột đảo chiều sau một loạt những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump. 

Ngay sau quyết định tăng thuế của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/8 tuyên bố sẽ tăng mức thuế quan 25% đang áp dụng đối với lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc lên mức 30%, bắt đầu từ ngày 1/10.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tăng mức thuế đối với lượng hàng hóa còn lại của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD lên 15% thay vì 10% và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9.

Tuyên bố trên của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa trị giá 75 tỷ USD của Mỹ.

Với quyết định này của Bắc kinh, cũng từ ngày 1/9, sẽ có 5.078 loại hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó nông sản, dầu thô, máy bay cỡ nhỏ... sẽ phải chịu mức thuế bổ sung từ 5% đến 10%.

Ngoài ra, Trung Quốc quyết định sẽ nối lại việc áp thuế bổ sung 25% hoặc 5% đối với ô tô và linh kiện nhập khẩu từ Mỹ. Việc áp thuế bổ sung đối với ô tô và linh kiện này có hiệu lực từ bắt đầu từ ngày 15/12 tới.

Sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nói trên diễn ra trong bối cảnh những lo ngại về khả năng suy thoái đang ngày càng gia tăng, khi Anh và Đức đều ghi nhận tăng trưởng âm trong quý II, còn kinh tế Trung Quốc thì tăng trưởng chậm lại.

Những tuyên bố “ăn miếng trả miếng” của Washington và Bắc Kinh được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ diễn ra trong tuần này tại Pháp.

Những căng thẳng gia tăng giữa Tổng thống Trump và các nước châu Âu, Canada và Nhật Bản trong vấn đề thuế quan đang phủ bóng hội nghị lần này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục