Chương trình kích thích tài khóa có thể gia tăng áp lực lạm phát ở Mỹ

08:00' - 08/07/2021
BNEWS Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc Chính phủ Mỹ đẩy mạnh hơn nữa các chương trình kích thích tài khóa có thể càng làm gia tăng áp lực lạm phát.

IMF đồng thời cảnh báo rằng nguy cơ giá cả tăng liên tục có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Trong một bài đăng mạng xã hội vào ngày 7/7, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nêu rõ, lãi suất của Mỹ cao hơn có thể dẫn đến việc thắt chặt đáng kể các điều kiện tài chính toàn cầu và dòng vốn từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Đánh giá của IMF về rủi ro lạm phát của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp đảng Cộng hòa của Mỹ đang chỉ trích gay gắt về kế hoạch trị giá hàng nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden nhằm tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, chăm sóc trẻ em, học phí đại học cộng đồng và mở rộng phạm vi chăm sóc tại nhà cho người già và người tàn tật.

Bà Georgieva cho biết, sự phục hồi nhanh chóng từ đại dịch COVID-19 của nền kinh tế Mỹ, với mức tăng trưởng được dự báo đạt 7% vào năm 2021, sẽ mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia thông qua việc gia tăng hoạt động thương mại.

Tuy nhiên, lạm phát gia tăng có thể được duy trì lâu hơn dự kiến. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 6% trong năm nay.

Trong báo cáo của mình, IMF cho biết, các quốc gia khác phải đối mặt với giá hàng hóa và thực phẩm tăng cao, hiện đang ở mức "đỉnh" kể từ năm 2014, khiến hàng triệu người có nguy cơ mất an ninh lương thực.

Các dự báo của thị trường cho thấy, giá hàng hóa sẽ vẫn được kiềm chế trong vài năm tới, nhưng diễn biến lạm phát lại trái chiều trong các nền kinh tế phát triển và tăng nhanh hơn ở Anh, Mỹ và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), trong khi vẫn giảm ở các nước khác như Nhật Bản.

IMF cho biết, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn chưa chắc chắn, đặt ra những hoài nghi về diễn biến khó lường của đại dịch và tiến trình tiêm chủng, cũng như khả năng xu hướng tăng của lạm phát sẽ "dai dẳng" hơn dự kiến.

Theo thể chế tài chính này, việc tăng giá kéo dài hơn có thể đòi hỏi Mỹ phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Điều này có thể ảnh hưởng đặc biệt đến các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, làm gia tăng sự cách biệt trong triển vọng phục hồi kinh tế.

Bà Georgieva nhắc lại lời kêu gọi hành động khẩn cấp đối với Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong việc đẩy nhanh việc tiêm chủng cho các nhóm dân số có nguy cơ cao, cảnh báo về "sự phục hồi hai chiều ngày càng tồi tệ" đang khiến một lượng lớn các quốc gia tụt hậu, trong khi Mỹ, Trung Quốc, Eurozone và một số ít nước khác đang hồi phục nhanh chóng.

Bà cho rằng, hành động nhanh chóng có thể cứu sống hơn nửa triệu người trong vòng sáu tháng tới. IMF đang làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác để thực hiện kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch trên toàn cầu, trong đó khẳng định rằng tiến độ nhanh hơn có thể giúp sản lượng kinh tế toàn cầu tăng thêm hàng nghìn tỷ USD.

IMF kêu gọi các nước tiếp tục các chính sách tiền tệ phù hợp, đồng thời giám sát chặt chẽ rủi ro lạm phát và ổn định tài chính. Tại các quốc gia, nơi mà sự phục hồi đang tăng tốc, chẳng hạn như Mỹ, điều cần thiết là tránh phản ứng quá mức với sự gia tăng nhất thời của lạm phát.

Bên cạnh đó, bà Georgieva cho biết, các quốc gia giàu nhất thế giới phải hành động nhiều hơn nữa để giúp các nước nghèo nhất chống chọi với "đòn phá hủy kép" của đại dịch COVID-19 và thiệt hại kinh tế sau đó.

Người đứng đầu IMF cho rằng G20 phải hành động tích cực hơn để giúp đưa vaccine tới cho các nước nghèo, trong đó có việc chia sẻ các liều vaccine, tăng tốc xóa nợ, đồng thời tán thành mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số mỗi nước vào cuối năm 2021 và ít nhất 60% dân số vào nửa đầu năm 2022.

Theo kế hoạch, các bộ trưởng tài chính G20 và thống đốc ngân hàng trung ương tại Venice (Italy) vào ngày 9-10/7 tới, đánh dấu cuộc họp trực tiếp đầu tiên của họ kể từ tháng 2/2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục