Chuyển đổi hộ kinh doanh: Bài 3: Tạo động lực cho hộ kinh doanh tự chuyển đổi

18:40' - 24/05/2017
BNEWS Để phát triển số lượng doanh nghiệp đi đôi với tăng trưởng kinh tế, Tp. HCM đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ tạo động lực để các hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển hình thức kinh doanh.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, mục tiêu của thành phố trong việc phát triển doanh nghiệp là không chỉ gia tăng về số lượng mà phải mang lại hiệu quả kinh tế thực chất.

Do đó, cả hệ thống chính trị và các cơ quan chức năng của thành phố phải đề ra các giải pháp chiến lược, tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của tất cả doanh nghiệp.

Tạo động lực để các hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển hình thức kinh doanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhận định thuế và các thủ tục thuế là một trong những “chướng ngại vật” khiến nhiều hộ kinh doanh e ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp, UBND Tp. Hồ Chí Minh và Cục Thuế thành phố đã khởi động chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp).

Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cam kết làm hết sức để doanh nghiệp không bị thiếu thông tin, gặp vướng mắc về thuế khi bắt đầu khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng kết nối và nhận được sự hưởng ứng của các đại lý thuế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp kê khai thuế; hướng dẫn chi tiết sử dụng hóa đơn điện tử, kê khai thuế qua mạng, nộp thuế qua mạng… để doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế.

Cụ thể, trong năm đầu tiên thành lập, các doanh nghiệp khởi nghiệp và hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ được miễn phí hoàn thiện hồ sơ thuế ban đầu, dịch vụ khai thuế, tư vấn thuế thường xuyên; miễn phí các phần mềm khai báo thuế, khai báo bảo hiểm xã hội, phần mềm quản trị doanh nghiệp…

Ông Ngô Tuấn Vũ, Giám đốc Công ty giải pháp trực tuyến 247 cho biết, khi bắt đầu thành lập công ty, một trong những vấn đề lo lắng nhất của ông là làm thủ tục thuế như thế nào.

Tuy nhiên, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của ngành thuế đã tháo gỡ được phần lớn những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục thuế của những doanh nghiệp mới. Đây sẽ là một trong những động lực để các hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi mô hình hoạt động, từ đó có thêm nhiều cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo phân tích của ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh, khi hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp thì hoạt động kinh doanh sẽ được minh bạch hơn, thể hiện cụ thể qua sổ sách kế toán, kê khai hóa đơn, chứng từ… sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín của mình hơn, có điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh và giao dịch với những đối tác chất lượng hơn.

Bên cạnh đó, khi thành lập doanh nghiệp thì giá trị pháp lý của các giao dịch cũng sẽ cao hơn hộ kinh doanh, từ đó giảm thiểu các rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Với quyết tâm tạo sự thông thoáng, dễ dàng cho các hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp, UBND Thành phố đã yêu cầu các sở ngành liên quan giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính liên quan đến thành lập doanh nghiệp và chuyển đổi hình thức kinh doanh.

Cụ thể, thủ tục chấm dứt hoạt động của các hộ kinh doanh sẽ được thực hiện trong 2 ngày làm việc, giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh trong 1 ngày làm việc, xem xét cấp lại các giấy phép kinh doanh trong 2 ngày làm việc.

Đặc biệt, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh đã hình thành khu vực “cửa xanh” ưu tiên thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp mới và thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các chương trình kích cầu đầu tư như gói 2.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ; gói hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp trị giá 1.000 tỷ đồng; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp…

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, các hộ kinh doanh nên tìm hiểu nhiều hơn về các lợi ích có được sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh. Với những cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp như hiện nay, nếu lên doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn hộ kinh doanh cá thể.

Điển hình, các quy chế cho vay và để vay vốn được tại ngân hàng thương mại vừa ban hành đầu năm 2017, chỉ dành cho hai đối tượng là pháp nhân và thể nhân, trong khi đó các hộ kinh doanh cá thể không thuộc hai đối tượng này.

Mặt khác, với chủ trương chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể không nên chỉ nhìn vào chi phí hoạt động tăng hay phát sinh thêm, mà nên chú trọng kết quả hoạt động sau khi chuyển đổi.

Đối với những đơn vị có hoạt động liên quan xuất khẩu hoặc có khả năng mở rộng quy mô nếu chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ rất có lợi về thuế xuất khẩu; doanh nghiệp đầu tư được hoàn thuế; cơ hội tham gia đấu thầu...

Khai thông khâu thực thi chính sách

Theo các chuyên gia, những cơ chế, chính sách mà Tp. Hồ Chí Minh đề ra khá đầy đủ và toàn diện. Tuy nhiên, để những chính sách đó thực sự đi vào cuộc sống, người kinh doanh thực sự hiểu rõ những lợi ích của mình trong việc chuyển đổi mô hình thì phải có những giải pháp cụ thể, căn cơ hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho rằng, để phát triển doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cần tập trung vào ba chương trình là khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để triển khai thành công các chương trình này, những người quản lý và hoạch định chính sách cần tiếp thu những phản hồi từ chính các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.

Thực tế cho thấy, mặc dù kế hoạch phát triển doanh nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh thường xuyên được đề cập tại các cuộc họp của lãnh đạo thành phố, các sở, ban ngành và các phương tiện truyền thông, tuy nhiên những “nhân vật chính” là hộ kinh doanh lại chưa nắm bắt được những thông tin cần thiết.

Từ thực tế hoạt động của mình, ông Lê Minh, hộ kinh doanh tại Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh, chia sẻ, thời gian qua ông được nghe thông tin và nắm bắt chủ trương khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp, nhưng chưa thấy triển khai những cơ chế chính sách cụ thể nào.

Do đó, cơ quan Nhà nước cần thông tin các chương trình hỗ trợ và quy định chi tiết, cụ thể như giảm, miễn thuế trong thời gian bao lâu, thủ tục chuyển đổi như thế nào, đồng thời hỗ trợ hộ kinh doanh triển khai nhanh để không ảnh hưởng đến hoạt động.

Tương tự, nhiều hộ kinh doanh cá thể kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tích cực thông tin chi tiết và đầy đủ hơn về cơ chế chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp. Đặc biệt là những hộ kinh doanh cá thể nào thuộc diện phải chuyển đổi và hộ kinh doanh cá thể nào thuộc diện khuyến khích.

Bên cạnh phổ biến thông tin cơ chế chính sách, trang thông tin điện tử về chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp cần chỉ rõ rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người kinh doanh khi chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Riêng lĩnh vực kế toán, cơ quan quản lý nên nghiên cứu những quy định đơn giản, áp dụng công nghệ thông tin không quá phức tạp để doanh nghiệp có thể tiếp cận và loại bớt nhũng nhiễu, phiền hà.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp cần được phân loại và tuân thủ theo nguyên tắc khuyến khích, hỗ trợ tối đa cho những hộ tự nguyện.

Đối với các hộ kinh doanh không đủ điều kiện, hoặc không có nhu cầu phát triển lên doanh nghiệp thì nên thay đổi biện pháp quản lý thu thuế theo nguyên tắc thuế khoán tối thiểu bằng hoặc cao hơn kê khai của các hộ kinh doanh nhằm tạo sự công bằng giữa các hình thức kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục